SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO ĐỨC KITÔ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, năm B

Ga 1, 6-8.19-28

 

Mùa vọng thường giới thiệu vai trò làm chứng của Ông Gioan Tẩy Giả cho Đức Kitô. Bởi vì lẽ sống của Gioan Tẩy Giả là làm chứng. Gioan được sai đến để làm chứng. Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa cũng là để làm rõ lời chứng của Gioan cho Đức Kitô. Gioan không làm chứng cho ông :” Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Gioan là ngọn đèn. Chúa Giêsu là ánh sáng.

 

Đọc lại Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy có một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt qua các Phúc Âm. Gioan được Thiên Chúa sai đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông đã kêu gọi người ta ăn năn thống hối và thanh tẩy để lãnh ơn tha thứ. Tin Mừng cho biết tiếp, sau khi nhiều người đã tới với Gioan bên dòng sông Giođăng để xưng thứ tội lỗi và xin Ông làm phép rửa thống hối. Tiếng tăm của Gioan Tẩy Giả lúc này đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Do đó, các nhà lãnh đạo các tôn giáo, những người có chức có quyền đã sai các đệ tử, những người thân tín của họ đến gặp Gioan và để tìm hiểu Ông. Khi những người được sai đến hỏi Ông là ai ? Gioan đã rất trung thực, dứt khoát không mập mờ để những người khác hiểu lầm về Đấng Cứu Thế : Đức Kitô. Gioan đã dứt khoát trả lời : Tôi không phải là Đức Kitô. Gioan cũng không phải là Êlia tái lâm hay một ngôn sứ vĩ đại như Môsê hay một ngôn sứ nào khác danh tiếng. Lần thứ hai những người được sai đến hỏi Gioan : Ông có phải là Đức Kitô không ? Gioan một mực dứt khoát trả lời : Tôi chỉ là tiếng hô trong hoang địa, hãy dọn đường cho Chúa đến. Lời khẳng định của Gioan Tẩy Giả minh chứng vai trò của Ông chỉ là dọn đường: hố sâu phải lấp cho đầy, đồi cao phải bạt xuống, con đường quanh co phải uốn lại cho ngay. Gioan tự xóa mình đi :” Tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người…”. Đúng Gioan chìm sâu, nhỏ bé lại để vai trò của Chúa và con người của Chúa được lớn lên. Gioan cũng nhận rằng phép rửa của Ông chỉ là phép rửa bằng nước nhằm kêu gọi con người thống hối ăn năn, còn có đấng tới sau sẽ rửa bằng Thánh Thần. Chính Gioan đã chỉ cho các môn đệ của mình và cho nhiều người biết về Đấng Cứu Thế. Gioan là con người hoàn toàn siêu thoát, là một con người hiểu mình và biết Chúa. Gioan hoàn toàn khiêm nhường, nên lời chứng của Ông được nhiều người chấp nhận và tin theo.

 

Vâng, Gioan chỉ đứng ra làm chứng cho Thiên Chúa và chỉ cho nhân loại Đấng Cứu Thế xuất hiện, rồi Ông bình an rút lui vào bóng tối để nhiều người nhận ra Chúa, tuôn đến với Chúa, nghe lời Ngài giảng dạy và đi theo Chúa.

 

Gioan là đèn. Chúa là ánh sáng. Gioan là tiếng kêu. Chúa là Lời hằng sống. Gioan nhỏ lại. Chúa phải lớn lên.

 

Người môn đệ Chúa luôn phải làm chứng cho Chúa như Gioan Tẩy Giả. Chúa đã ban cho con người nhiều dấu chỉ như ăn, nói, nhìn, nghe. Mỗi lần bước chân trên một con đường nào, nghe tiếng chim hót, nhìn bầu trời mây bay, và hít ngửi hương thơm của cây rừng, hoa núi, mỗi lần thấy anh chị em là Chúa đang hiện diện ở đó. Người môn đệ Chúa làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Người môn đệ Chúa như Gioan Tẩy Giả chỉ là tiếng kêu trong sa mạc dọn đường cho Chúa. Chân Phước Gioan Phaolô II đã nói : “ Người thời nay thích các chứng nhân hơn là những lời nói suông “. Chúa đang hiện diện trong từng con người, chúng ta hãy nhận ra Chúa nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.

 

Ca nhập lễ hôm nay viết :” Anh em hãy vui luôn trong Chúa !

Tôi nhắc lại : Anh em hãy vui lên !

Vì Chúa đã đến gần ( Pl 4, 4.5 ).

 

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề ( Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật III Mùa Vọng ).

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

 

1.Gioan Tẩy Giả là ai ?

2.Dọn đường có nghĩa là gì ?

3.Gioan Tẩy Giả làm chứng gì ?

4.Ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa ở đâu ?

5.Phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu khác nhau thế nào ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B