Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm B

Niềm Vui

(Is 61,1-2a.10-11; 1Thes 5,16-24; Gioan 1,6-8.19-28)

 

Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28

"Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết".

Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". - "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải".

Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo".

Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

 

Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B:

(Is 61,1-2a.10-11; 1Thes 5,16-24; Gioan 1,6-8.19-28)

Suy niệm: Niềm Vui

"Hãy vui lên, hỡi anh em, hãy vui lên! Hãy cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự, vì đó là thánh ý Người về tất cả anh em trong Ðức Kitô.

Anh em đứng dập tắt tác động của Thánh Thần" (1Thes 5,16-17).

Lời thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thessalônikê ngày xưa, hôm nay Giáo hội lại công bố với chúng ta trong ngày Chúa nhật thứ III mùa Vọng này.

Trong lúc chờ đợi Ðức Kitô đến, chúng ta phải tỉnh thức, phải lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi. Chính tiếng Người đem lại niềm vui cho ta, như Yoan Tẩy giả đã làm chứng, khi ông nói về vai trò tiền hô của mình đối với Ðấng Cứu thế.

"Niềm vui của tôi là được nghe tiếng Ngài.

Niềm vui của tôi đã sung mãn.

Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ dần đi"

(Gioan 3,29-30)

 

1. Giáo Hội Kêu Gọi Chúng Ta Vui Lên. Nhưng Thế Nào Là Vui?

Theo kinh nghiệm thông thường, vui là khi một ước vọng của ta được toại nguyện; khi ta thành công trong một nỗ lực hoặc một dự tính; khi quyền lợi của ta bị tước đoạt mà nay được phục hồi; và vui nhất là khi ta được gặp lại những người thân yêu sau một thời gian xa vắng. Tắt một lời, ta vui khi lòng ta đang trống mà được lấp đầy.

 

2. Niềm Vui, Theo Nghĩa Thánh Kinh, Chính Trị Là Trạng Thái Của Con Người Ðược Thiên Chúa Ðổ Ðầy Thánh Thần

Bài sách Isaia hôm nay (Is 61,1-2a.10-11) phác họa cho ta hình ảnh Ðấng Thiên Sai được Thánh Thần xức cho dầu hoan lạc:

"Thánh Thần Chúa ngự xuống trên tôi... Ngài sai tôi công bố năm hồng ân của Thiên Chúa".

Năm hồng ân trong Cựu Ước - mà Năm Thánh là điệp ảnh - quả là một sáng kiến độc đáo Thiên Chúa đề ra cho Dân Ngài. Nó là khoảng thời gian đặc biệt nhắc cho mọi người nhớ rằng: tất cả những gì mình có đều là do Thiên Chúa ban, và mọi người phải nghĩ đến quyền lợi của kẻ khác: bởi vì mọi người đều có quyền sống tự do và hưởng dùng tài nguyên trên mặt đất. Năm hồng ân làm nổi bật, nguyên tắc công bằng và quyền bình đẳng của mọi người trước mặt Thiên Chúa (Lêvi 25,1-55).

Mở đầu cuộc đời công khai, Ðức Yêsu đã đọc cho mọi người nghe đoạn sách Isaia trên đây trong hội đường Nadarét. Và Ngài kết luận: "Hôm nay, đoạn sách thánh ấy đã thực sự ứng nghiệm cho anh em" (Lc 4,16-21). Và như thế, Ngài nhận lấy sứ mạng "loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ, băng bó vết thương cho những tấm lòng tan nát, công bố ân xá cho những kẻ bị tù đày, trả tự do cho những người bị áp bức" (Is 61,1-2; cf Lc 4,18-19).

Ðó là những quyền căn bản của con người: quyền được sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và được tôn trọng, quyền được hưởng niềm vui làm người tự do và bình đẳng.

Nhưng hơn thế nữa, sứ mạng cứu thế của Ðức Yêsu Kitô còn nhằm biến đổi mọi người trở thành con cái Thiên Chúa. Ðiều quan trọng hơn cả trong Tin Mừng Ngài mang đến cho chúng ta là Thiên Chúa muốn sống giữa loài người liên đới với nhau như một cộng đoàn hợp nhất, thánh thiện và hòa bình. Sứ điệp đó thúc đẩy chúng ta nỗ lực xây dựng Nước Trời trong một xã hội công bình và huynh đệ, ở đó mọi thành phần đều được Thần Khí thánh hóa và quy tụ quanh Ðức Yêsu Kitô, để cùng tuyên xưng Thiên Chúa là Cha (Gal 3,16; Rm 8,14-17). Bài sách Isaia loan báo Thiên Chúa sẽ khoác cho dân Ngài một áo choàng công chính và cứu độ (Is 61,10) mà thánh Phaolô họa lại bằng lời nguyện cầu "xin Thiên Chúa bình an thánh hóa anh em" (1Thes 5,23).

Niềm vui Ðức Yêsu Kitô mang tới cho ta, chính là niềm vui của người tự do được làm con Thiên Chúa.

 

3. Sứ Ðiệp Tin Mừng Là Thế - Sứ Ðiệp Ðấng Thiên Sai Là Thế

Nhưng người Kitô hữu chúng ta phải làm gì để nhận được niềm vui đó? Thánh Phaolô trả lời: "Anh em đừng dập tắt tác động của Thánh Linh" (1Thes 5,19) vì chính Thánh Thần làm nảy sinh mọi sự tốt đẹp, mọi hoa quả nhân đức "bác ái, hoan lạc, bình an, cao thượng, tận tâm, nhân từ, tín thác, hiền lành, tự chủ" (Gal 5,22-23), và "đâu có Thánh Thần, đấy có tự do" (2Co 3,7). Ðặc điểm của thời đại Ðấng Thiên Sai là Thiên Chúa phủ đầy Thần Khí trên nhân loại, làm cho mọi tâm hồn chan chứa niềm vui: niềm vui được Thiên Chúa viếng thăm, được Ngài chúc phúc và ban ơn cứu độ.

Nhưng hạng người được Thiên Chúa ưu tiên viếng thăm là những người nghèo (xem Lc 2,24). Họ được, Ngài chúc lành (Lc 6,20; Mt 5,3) và Tin Mừng cũng được loan báo trước tiên cho họ (Lc 4,18). Họ được Thiên Chúa ban đầy hồng ân, vì lòng họ sẵn sàng và khiêm tốn đón nhận. Những người tiếp xúc với Ðức Yêsu thuở Ngài còn thơ ấu; cũng như khi Ngài hoạt động công khai đều là những con người nghèo hèn bé mọn của Yavê: Yacaria, Isave, Maria, Yuse, đám mục đồng, Simêon, Anna, Yoan Tiền hô, nhóm môn đệ và đoàn dân nghèo theo Ngài để đi giảng. Ðó là một xã hội nghèo của Ngài và từ đó phải trở thành Giáo hội của người nghèo; một Giáo hội nhẹ lòng với của cải trần gian, ít bận tâm về những điều vật chất, để được thanh thoát và mở rộng tâm hồn đón nhận tác động của Thần Khí Thiên Chúa biến đổi họ thành những con người tự do.

Hai tâm hồn tiêu biểu nhất trong mùa Vọng là Trinh Nữ Maria và Yoan Tẩy giả. Họ đều nghèo nhưng cả hai đều tràn đầy Thánh Thần và vì thế, lòng các ngài chan chứa niềm vui. Riêng niềm vui của Ðấng Tiền hô thật là sung mãn: bởi đã nghe tiếng Chúa Cứu Thế, được làm người dọn đường cho Ngài, để chỉ Ngài cho thiên hạ thấy, rồi vui vẻ rút lui vào bóng tối; chấp nhận nhỏ dần đi để Ngài được lớn lên (Gioan 3,29-30).

Người Kitô hữu cũng phải mang đầy niềm vui như Yoan Tiền hô, một niềm vui thâm thúy của con người ý thức trách nhiệm, trung thành chu toàn sứ mạng, đúng như ơn gọi Thiên Chúa đã dành cho.

Mà ơn gọi và sứ mạng đều phát xuất từ Thiên Chúa. Nhưng để sống đến cùng những đòi hỏi của ơn gọi mình, người Kitô hữu cũng phải như Ðức Trinh Nữ Maria kết hiệp mật thiết với Ðấng Cứu Thế. Bởi vậy, khi kêu gọi ta vui lên, thánh Phaolô cũng nói thêm: "Anh em hãy cầu nguyện không ngừng" (1Thes 5,16).

Ðó là điều kiện cần thiết mang lại niềm vui sâu xa cho tâm hồn con người tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa. Và ai có những lần đã thực sự cầu nguyện, thì cũng đã cảm nghiệm được niềm vui thiêng liêng, niềm vui của người Kitô hữu.

 

Bài Giảng Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm B

Thấy Yoan xuất hiện, dân Dothái ngày xưa đã hân hoan rồi. Nhưng khi nghe Yoan tuyên bố: sắp có Ðấng cao trọng hơn ông đến, họ còn vui mừng hơn nữa. Vì thế, Chúa nhật thứ ba mùa Vọng là Chúa nhật hân hoan vui mừng.

Chúng ta hãy vui mừng, không phải chỉ vì đang được nghe lại tiếng kêu của Yoan. Ngày xưa dân Dothái đã hân hoan khi thấy Yoan xuất hiện. Tên ông đã gợi lên niềm tin rồi, vì Yoan có nghĩa là "Thiên Chúa đoái thương". Ngài không còn ngoảnh mặt đi nữa, nhưng đã bắt đầu nhìn lại Dân Ngài, để ra tay cứu độ. Và quả thật, đang có nhiều hy vọng vươn lên. Người ta tuôn đến nghe Yoan giảng; người ta chen nhau lội xuống nước, thú nhận tội mình, để được ông rửa cho. Yoan này thật là vị tiên tri vĩ đại. Chúa gửi người đến cho dân, để sửa soạn gì đây. Dân Chúa cảm thấy phấn khởi vì sự hiện diện của Yoan Tẩy giả, với phong trào đạo đức mà ông đang khơi động.

Ngày nay chúng ta cũng có thể phần nào vui lên như thế. Ở trong Giáo hội toàn cầu cũng như ở nơi Giáo hội Việt Nam đang nổi lên biết bao phong trào đạo đức. Người ta đi lễ nhiều hơn trước, rước lễ đông hơn trước, say sưa học giáo lý và dường như thấy rõ niềm tin lúc này là nguồn an ủi sâu xa hơn khi nào khác. Ở nhiều nơi, người ta còn được chứng kiến nhiều buổi cầu nguyện Thánh Linh nữa. Các phong trào đạo đức đó như đang làm cho bộ mặt Giáo hội sáng ngời lên, khiến nhiều người có thể hân hoan nghĩ rằng: tất cả những gì đang xảy ra có thể là cơ hội thanh tẩy Giáo hội và giúp Giáo hội vươn lên trong sự công chính và thánh thiện thật.

Nhưng cũng như dân Dothái ngày xưa, chúng ta đừng chỉ vui với chừng ấy. Ngày xưa khi thấy Yoan xuất hiện, dân Chúa như đã muốn vui luôn trong ánh sáng của người. Nhưng Phúc Âm hôm nay cho ta thấy: Yoan bảo dân chúng phải nhìn xa hơn nữa. Ông chỉ rửa trong nước thôi; sắp có Ðấng đến sau để rửa dân trong Thánh Thần. Chính Ngài mới là Ðấng Kitô Cứu Thế và ông không đáng cởi dây giày cho Ngài... Chúng ta ngày nay cũng phải cẩn thận, đừng dừng lại ở những hiện tượng lạc quan như trên đã nói. Phải đi sâu hơn, xa hơn. Phải vượt qua mọi hình thức, cho dù rất đạo đức, để tìm gặp chính Chúa Kitô. Nhiều người trong ta có lẽ còn giống nhóm Biệt phái và Dothái. Các nhóm này, ngày xưa, chỉ muốn dừng lại ở Yoan, ngưỡng mộ ông và coi ông như Cứu Thế. Nhiều Kitô hữu ngày nay cũng thường chỉ muốn dừng lại ở những cái thấy được, ở các buổi phụng vụ sốt sắng và các buổi cầu nguyện sầm uất. Học giáo lý để thuộc chứa không để sống! Rước lễ để sốt sắng trong nhà thờ chứ không để thêm sức sống đạo ở giữa đời! Hôm nay, phụng vụ của Giáo hội thúc giục ta phải đi xa hơn, vượt qua những hành vi và tổ chức đạo đức, để gặp Chúa Kitô và sống với Ngài.

Chúa Kitô, theo bài đọc I hôm nay, là sứ giả của Thiên Chúa sai xuống trần gian. Ngài được xức dầu Thánh Thần, rồi được sai đem Tin Mừng cho người nghèo khó; và công bố khắp nơi năm hồng ân của Thiên Chúa... Ngày nay, Chúa cũng đang muốn tìm được những sứ giả như vậy ở giữa chúng ta. Ngài muốn cho cả Giáo hội của Ngài được xức dầu hoan lạc để luôn luôn công bố cho mọi người biết Tin Mừng Chúa đến cứu độ trần gian. Ngài muốn cứu mọi người từ tận căn, tận rễ, từ những người đang nghèo khổ, bất cứ về phương diện nào, để đời sống trở thành như năm hồng ân của Thiên Chúa.

Như vậy, tinh thần của ngày Chúa nhật hôm nay, đòi ta phải lột bỏ mọi vẻ mặt sầu bi, thiểu não. Phải đuổi xa mọi tâm tư hắc ám và buồn nản. Phải giải tỏa mọi nỗi lòng đau khổ và tội lỗi. Xưng tội từ hôm nay để tham dự vào mầu nhiệm Giáng sinh không phải là quá sớm đâu. Phải như mặc lấy áo phần rỗi và công chính để hoan hỷ đem tin vui đến cho mọi người.

Và tin vui của Ðức Kitô là gì?

Như lời sách Isaia viết: Ngài muốn "đem hân hoan đến cho người nghèo, băng bó những tâm hồn đang đau thương, báo tin ân xá cho những kẻ lưu đày". Ngài muốn nhờ ta bây giờ làm những công việc ấy, để khắp nơi nổi lên một bầu khí hân hoan như được hồng ân của Chúa viếng thăm.

Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay cũng vạch ra cho ta con đường thực tế để sống đạo theo tinh thần nói trên. Ngài bảo ta trước hết phải lạc quan: "Anh em hãy vui mừng luôn". Rồi hãy có tinh thần cầu nguyện để nhìn thấy thánh ý Chúa trong mọi việc. Ðừng dập tắt Thánh Thần của Chúa, đừng làm ngơ trước tiếng gọi của Chúa hằng vang lên trong mọi sự xảy đến hằng ngày cho ta, hãy duyệt lại tất cả: bỏ cái xấu đi, và giữ lấy cùng phát triển mọi điều tốt gặp được.

Như vậy chúng ta sẽ đi vào đường lối của Ðức Kitô, sẽ sống như Ngài trong cuộc đời trần gian: Ngài đã mặc lấy thân phận y hệt như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra, gạt bỏ điều xấu, xây dựng điều lành. Ngài cứ nhìn vào những người nghèo khó và khổ sở ở đời để tìm cách kéo gỡ họ ra khỏi thân phận đau thương. Chính vì vậy Ngài đã trở thành Cứu thế và ban ơn Cứu độ.

Giờ đây trên bàn thờ Ngài muốn cử hành mầu nhiệm cứu độ đó ở trước mắt chúng ta, để kêu gọi chúng ta đi vào, dâng mình kết hợp với Ngài, hầu Ngài có thể ngự vào lòng ta để tiếp tục làm những hành vi cứu độ trong đời sống và qua đời sống của ta. Ta hãy nhiệt tâm đi vào mầu nhiệm thánh lễ này.

 

Ðức Yêsu Là Người Thực

Tôi dám nói rằng: Nếu tôi không nhận biết Chúa Kitô thì đối với tôi, "Thượng đế" sẽ là một danh từ vô nghĩa. Nếu không có ơn rất đặc biệt tôi sẽ không thể mường tượng một hữu thể vô hạn. Thiên Chúa của các triết gia và những nhà bác học sẽ không giữ vai trò nào trong đời sống luân lý của tôi. Thiên Chúa đã phải hạ mình xuống trong nhân loại, và trong một giờ khắc rõ rệt của lịch sử, tại một địa điểm xác định trên địa cầu, một người được tạo nên bằng huyết nhục, đã phải tuyên bố mấy lời và làm một vài cử chỉ thì tôi mới quỳ gối thờ lạy. Nếu Chúa Kitô đã không phán: "Lạy Cha chúng con..." thì không bao giờ tự mình tôi có ý niệm về tình nghĩa tử này. Lời kêu cầu ấy đã không khi nào tự đáy lòng tôi thốt ra trên môi. Tôi chỉ tin cái gì tôi đụng chạm và nom thấy, cái gì sát nhập vào bản thể tôi. Và chính vì thế, tôi đã tin Chúa Kitô. Tất cả những khuynh hướng muốn giảm bớt thân phận con người nơi Chúa Kitô sẽ đi ngược với một ý hướng sâu thẳm nhất của tôi. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn không thích nhìn dung nhan Chúa Kitô Vua và Ðấng Thiên Sai toàn thắng bằng hình ảnh khiêm tốn và tiều tụy của Con Người mà qua việc bẻ bánh trong quán trọ làng Emmau các lữ khách đã nhận ra. Người là người anh mang đầy thương tích và là Thiên Chúa của chúng ta.

Francois Mauriac Vie De Jésus

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B