IM LẶNG và CÔ ĐƠN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm B

Is 50, 4-7        Pl 2, 6-11        Mc 14, 1-15,47

 

Cả Mùa chay chuẩn bị chúng ta đi vào cuộc thương khó, tử nạn và sống lại của Chúa. Chúa Giêsu đã được các ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, Ngài đã được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã sống ở trần gian 30 năm ở Nazarét, 3 năm đi giảng đạo để chuẩn bị thực hiện chương trình cứu thế của Ngài…Ngôn sứ Isaia đã viết :” Tôi đã đưa lưng chịu đòn, giơ má cho người ta giật râu.Tôi đã không che mặt khi bị măng nhiếc phỉ nhổ “. Hôm nay, Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh, Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem trong vinh quang, nhưng Ngài đi vào Giêrusalem để chuẩn bị cái chết nhục hình trên thập giá. Chúng ta sẽ hiểu, cảm thông và thương mến Chúa Giêsu: Ngài cô đơn và im lặng.

 

Năm B, Giáo Hội cho chúng ta nghe tường thuật của thánh Mác-cô về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Đọc Phúc Âm của thánh Mác-cô, chúng ta lưu ý hai điểm lớn sau đây. Điểm thứ nhất nói về sự cô đơn của Chúa và điểm thứ hai nói về sự im lặng của Chúa Giêsu. Vâng, Tin Mừng của thánh Mác-cô cho thấy càng về cuối đời, Chúa Giêsu càng cảm thấy cô đơn : cô đơn vì chính những người thân bỏ rơi mình, cô đơn vì những môn đệ là những người thân tín nhất nhưng trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã bị chính các môn đệ cưng nhất làm lơ, ngủ vùi. Ông Phêrô, ông Giacobê và ông Gioan, tất cả đều ngủ vùi khi Chúa Giêsu cầu nguyện mồ hôi đẫm máu. Trước thượng hội đồng Do Thái, không ai dám bênh vực Ngài, chỉ toàn những người tố cáo gian, Phêrô ở ngoài chối Chúa( Mc 14, 62-71 ). Chỉ có con gà trống làm chứng cho lời Ngài nói với Phêrô là sự thật ( Mc 15, 34-35 ). Còn lại mấy người phụ nữ trung thành với Người, nhưng cũng chỉ đứng xa xa mà nhìn ( Mc 15, 40 ).Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Mác-cô viết về Chúa Giêsu thật cô đơn. Thánh Gioan cho chúng ta thấy sự trái ngược với cảnh tượng cô đơn này.: dưới chân thập giá có Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Maria Cléophas và Maria Mađalêna ( Ga 19, 25 ).

 

Điểm thứ hai mà Tin Mừng Mác-cô đề cập tới là sự im lặng. So với ba Tin mừng khác, Phúc Âm của Mác-cô cho thấy Chúa Giêsu giữ im lặng tuyệt đối : trước thương hội đồng, trước mặt Philatô và trên thập giá. Chúa Giêsu chỉ trả lời thượng tế một lần, Philatô một lần và trên thập giá chỉ thốt ra có một lời mà thôi.

Tuy nhiên, sự cô đơn và im lặng.Sự đau khổ đến tột cùng như Thiên Chúa Cha hầu như cũng bỏ mình thì viên đại đội trưởng của quân đội roma đã tuyên xưng :” Quả thật Người này là Con Thiên Chúa “ ( Mc 15, 39 ).

Trình thuật của Mác-cô xem ra không văn chương, không trau chuốt, có thể là vụng về, nhưng chính cái đơn sơ ấy lại nói lên cả một Mầu Nhiệm lớn lao: Mầu Nhiệm của Sự Sống, Sự Chết và Sự Phục Sinh. Bởi vì, đứng trước Mầu Nhiệm người ta chỉ có thể thờ lạy, tạ ơn và khâm phục. Sự im lặng của Mác-cô là sự im lặng thánh. Trước Mầu Nhiệm hay trước bí mật Mêsia, người ta âm thầm, thinh lặng nội tâm để nhận ra Đấng cao cả đã :…” khước từ tất cả, mặc lấy thân phận nô lệ thấp hèn, trở nên giống một kẻ phàm nhân, cuộc đời chẳng khác chi người thế, lại còn tự hạ, sống phục tùng cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự..” ( Pl 2, 7-9 ). Chúa Giêsu là một Con người, do đó, chúng ta phải tìm gặp Người, chúng ta mới hiểu và mới tin được Người.

 

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một cuộc thương khó sống động: một Mầu Nhiệm của lòng tin. Chúng ta hiểu được thế nào là Chúa Giêsu: Ngài cũng biết đau, biết khổ, biết nhục nhã ê chề trước những lời nhạo báng, phỉ nhổ của quân dữ…Ngài chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha : “Lạy Cha nếu có thể được thì xin cho con đừng uống chén đắng này, nhưng đừng theo ý con mà là ý Cha “.

 

Vâng Tin Mừng của thánh Mác-cô là phản ảnh phần nào chính là niềm tin của thánh Phêrô. Chính vì thế, Tin Mừng của thánh Mac-cô đặt cho mọi người biết :” Chúa Giêsu là ai ? “.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “ …Hôm nay chúng ta đón rước Người. Và đây cũng là lời đầu tiên tôi muốn nói với các bạn : Hãy vui lên ! Đừng bao giờ là những người nam người nữ buồn rầu. Một Kitô hữu không bao giờ được như vậy ! Các bạn đừng bao giờ để cho mình bị thất vọng, chán chường ! Niềm vui của chúng ta không phải là một niềm vui phát sinh từ việc sở hữu nhiều sự, nhưng nó đến từ việc chúng ta đã gặp được một nhân vật : Đó là Chúa Giêsu, Người ở giữa chúng ta…”.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được kết hiệp với sự thương khó của Chúa để chúng con được chết với Chúa và được Phục sinh với Người. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tin Mừng của Mác-cô là Tin Mừng thế nào ?

2.Cuộc thương khó của Chúa Giêsu theo thánh Mác-cô mang ý nghĩa gì ?

3.Dưới chân thập giá theo thánh Mác-cô có những ai ?

4.Thánh Gioan viết thế nào dưới chân thập giá ?