CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 4:32-34, 39-40;  Rm 8:14-17;  Mt 28:16-20)

          Hôm nay mừng kính lễ Chúa Ba Ngôi, Phụng vụ Lời Chúa không trình bày cho chúng ta giáo lý cao siêu về mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng ghi lại những cảm nghiệm và tâm tình của những người sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong lịch sử của họ cũng như trong đời sống thường ngày.  Huấn dụ của ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en nhắc nhở họ về một Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử của họ và lo lắng cho tương lai của họ.  Thánh tông đồ Phao-lô thì suy tư về một Thiên Chúa yêu thương và quảng đại, sẵn sàng nhận tất cả chúng ta làm “nghĩa tử” của Người, lại còn cho chúng ta được thừa kế gia nghiệp vĩnh cửu của Người nữa.  Riêng với Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã làm một công việc chúng ta không bao giờ ngờ tới, đó là Người hứa tiếp tục “ở lại” với chúng ta, luôn luôn như Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi.  Vậy chúng ta hãy chiêm ngưỡng từng khuôn mặt của Thiên Chúa Ba Ngôi như Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu với chúng ta.

          Trước hết là hình ảnh Thiên Chúa qua cảm nghiệm lịch sử của Ít-ra-en.  Dân Chúa đã ra khỏi Ai-cập và trên đường về Đất Hứa.  Sau bốn chục năm trời lang thang trong sa mạc, cộng thêm những tiếp cận với các dân ngoại mà con cái Ít-ra-en đã đi qua, Ít-ra-en có lẽ không còn giữ được hình ảnh sống động và chân thực về Thiên Chúa của họ.  Họ không còn nhớ đến một Thiên Chúa đã phán dạy Ít-ra-en “từ trong đám lửa” và đã “chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác”, một Thiên Chúa “đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, gây kinh hồn táng đởm” để giải thoát họ và yêu thương dẫn dắt họ vào đất Người đã hứa ban cho họ.  Cuối bài huấn dụ, ông Mô-sê còn nhấn mạnh rằng vị Thiên Chúa quyền năng đã làm tất cả những gì có thể cho con cái Ít-ra-en, đó là “Thiên Chúa của anh em”.  Tóm lại, đối với Ít-ra-en, Thiên Chúa không phải là Đấng xa lạ và xa vời, nhưng là Thiên Chúa trong tương quan mật thiết với họ, là Thiên Chúa duy nhất của họ.  Một trong những cách thức nói lên tương quan sống động ấy chính là việc họ tuân giữ “các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người”.  Thử hỏi còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh Thiên Chúa của Ít-ra-en?  Khác hẳn với các thần của dân ngoại là những thần “có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói”, Thiên Chúa của Ít-ra-en luôn âu yếm để mắt nhìn đến con cái Người, luôn lắng nghe lời họ kêu cầu, luôn phán dạy họ “nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ”, đặc biệt qua Con Một của Người là Chúa Giê-su Ki-tô.

          Khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần gian, Người đã mặc khải nhiều điều về Thiên Chúa.  Một trong những mặc khải quan trọng nhất:  Thiên Chúa là Cha chúng ta.  Suy niệm về mặc khải này, thánh Phao-lô đã trình bày lý do tại sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha.  Sở dĩ chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì “Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Áp-ba!  Cha ơi!’”  Ôi, tiếng gọi Cha ơi thân thương làm sao!  Gọi Thiên Chúa như thế, chúng ta cảm thấy hãnh diện, vì ai mà chẳng hãnh diện về “ông bố” tuyệt vời của mình chứ!  Về phần Thiên Chúa, Người cũng vui biết mấy khi nghe các đứa con gọi mình “ba ơi, bố ơi, tía ơi!”  Cảm tạ thánh Phao-lô đã để lại cho chúng con suy tư tuyệt diệu này!  Nhưng vẫn chưa hết.  Thánh Phao-lô còn khẳng định một chân lý quan trọng:  “Đã là con, thì cũng là thừa kế… và đồng thừa kế với Đức Ki-tô”.  Thừa kế điều gì?  Được vinh quang với Chúa Ki-tô.  Sau khi chịu đau khổ, Đức Ki-tô được vinh quang của Chúa Cha, cho nên vì là đồng thừa kế với Chúa Ki-tô, chúng ta cũng được vinh quang với Người.

          Sau hết, Chúa Giê-su cho chúng ta biết một điều vô cùng quan trọng và cần thiết cho chúng ta, đó là “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.  Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã trao quyền cho các tông đồ rồi sai các ngài đi thi hành ba điều:  làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa và dạy bảo người ta tuân giữ giáo huấn của Chúa Giê-su.  Ba điều này đều nhắm cùng một mục đích:  quy tụ mọi người lại để giúp cho họ trở thành con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Qua Thần Khí của Chúa Giê-su, Thiên Chúa vẫn ở lại với chúng ta để đón nhận chúng ta làm môn đệ Chúa Giê-su và làm con cái Người, để dạy chúng sống yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Lời Chúa hôm nay không mang vẻ cao siêu, nhưng thật gần gũi chúng ta vì Thiên Chúa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.  Thiên Chúa cùng hành trình với dân Ít-ra-en.  Thiên Chúa không xa vời, nhưng là “Áp-ba” của chúng ta.  Thiên Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.  Tóm lại, Thiên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta (bài đọc 1), ở trong chúng ta qua Thánh Thần (bài đọc 2) và ở với chúng ta nhờ Đức Ki-tô (bài Tin Mừng).  Đó là một mối tương quan hết sức thực tế và tuyệt vời.  Mỗi bài đọc dạy chúng ta một bài học về cách sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.  Chúa đã thiết lập mối tương quan với chúng ta.  Còn phần chúng ta, chúng ta sẽ đáp lại thiện chí của Thiên Chúa thế nào?  Bằng cách “giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Người”, hoặc “tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” cho chúng ta!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Suy Niệm Lời Chúa Năm B