CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Thiên Chúa Lo Lắng Cho Sự Sống Chúng Ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 1:13-15;  2:23-24;  2 Cr 8:7, 9, 13-15;  Mc 5:21-43)

          Chúa tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Người, ban cho chúng ta sự sống là một ân huệ tuyệt vời.  Chúa truyền cho chúng ta phải phát huy sự sống ấy tới mức hoàn hảo và sứ mệnh bá chủ muôn loài Chúa đã dựng nên (Sáng Thế 1:28).  Tuy nhiên sự sa ngã của nguyên tổ loài người đã làm hỏng kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa về sự sống.  Tội lỗi ấy đã đem lại cho con người cái chết là hậu quả lớn nhất cùng với những hậu quả khác như đau khổ, bệnh tật… Trước tình trạng khốn khổ và tuyệt vọng của loài người, Thiên Chúa đã lấy tình thương mà can thiệp.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hiểu sự can thiệp ấy.

          Trước hết là niềm tin đầy an ủi mà tác giả sách Khôn Ngoan muốn nhắc lại với chúng ta:  “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt”.  Đúng vậy, khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa đã làm nên trời đất, cây cỏ, loài vật…, tất cả là để phục vụ cho con người.  Nhưng khi thấy Thiên Chúa quá ưu đãi loài người, quỷ dữ đã “ganh tị” và tìm đủ cách để cám dỗ con người phạm tội chống lại Thiên Chúa.  Nó đã thành công khi giúp cho cái chết xâm nhập thế gian, gieo rắc nơi con người rất nhiều hậu quả khác.  Chính vì sống dưới ảnh hưởng của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi nên chúng ta dễ dàng quên mất ý định của Thiên Chúa là muốn chúng ta không phải chết, nhưng “được trường tồn bất diệt”.  Không thiếu người sống mà không tin là Chúa muốn họ được trường tồn bất diệt.  Nói khác đi, nhiều khi chúng ta mất đi niềm tin vào sự sống vĩnh cửu đời sau, nên sách Khôn Ngoan mới nhắc nhở chúng ta như thế.  Cám dỗ của quỷ dữ ở vườn địa đàng vẫn còn là một cám dỗ liên tục đối với toàn thể nhân loại để dụ dỗ chúng ta chọn cái chết của nó thay vì sự sống của Thiên Chúa.  Do đó, sách Khôn Ngoan cũng lập lại sự thật này:  những ai “về phe ma quỷ đều phải nếm mùi cái chết”.

          Ân huệ sự sống Thiên Chúa ban cho chúng ta gồm có sự sống đời này và sự sống đời sau.  Chúa không chỉ lo lắng cho sự sống vĩnh cửu của chúng ta bằng kế hoạch cứu độ, mà Người còn chăm sóc cho sự sống thể xác chúng ta nữa.  Sự quan phòng của Người dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho sự sống đời này, nhưng trước hết hãy “tìm kiếm những sự trên trời” (Mát-thêu 6:31-34).  Nhưng nói thế không có nghĩa là Chúa không quan tâm đến sự sống phần xác chúng ta.  Trái lại, Chúa Giê-su đã thực hiện sự chăm sóc của Thiên Chúa cho sự sống chúng ta khi Người đến trần gian.  Để giúp chúng ta phát huy sự sống thiêng liêng, Người rao giảng Tin Mừng, tha thứ tội lỗi, lập Bí tích Thánh Thể làm lương thực cho linh hồn.  Để chăm sóc sự sống thể xác chúng ta, Người làm những phép lạ chữa lành bệnh tật và nuôi dưỡng dân chúng bằng bánh và cá hóa ra nhiều.  Đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay trình bày quyền năng Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su như “năng lực” phát ra chữa lành người đàn bà mắc bệnh loạn huyết, hoặc như cử chỉ Chúa “cầm lấy tay” đứa trẻ để cho nó được sống lại. 

          Tuy nhiên chăm sóc cho sự sống con người không phải là việc Thiên Chúa dành độc quyền, mà Người muốn chúng ta phải chăm sóc cho nhau, chia sẻ với nhau những gì mình có.  Thánh Phao-lô đã lấy tấm gương quảng đại của Chúa Giê-su, Đấng “đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (bài đọc 2), kêu gọi tín hữu Cô-rin-tô quảng đại giúp đỡ anh chị em đang thiếu thốn thuộc những cộng đoàn khác.  Làm như thế, thánh tông đồ muốn nhắc nhở chúng ta có bổn phận giúp đỡ nhau phần hồn cũng như phần xác, để xây dựng một cộng đồng Ki-tô đích thực, trong đó “kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Sự sống thiêng liêng của con người chưa được phát triển đủ, mà sự sống thể xác của con người cũng không mấy khả quan.  Gặp thấy những người nghèo đói, thiếu thốn không phải là chuyện khó.  Chỉ cần lái xe một vài góc đường, chúng ta đã gặp thấy vài người cầm trên tay những tấm bảng các-tông viết những chữ xin giúp đỡ:  “Tôi vừa thất nghiệp, xin giúp đỡ.  Xin Chúa chúc lành cho quý vị”, hoặc “Tôi đói, xin cho tôi chút lương thực”…  Chung quanh chúng ta, nhiều bạn bè, người làm cùng sở, than thở với chúng ta những đau đớn bệnh tật họ đang âm thầm mang trong mình… Điều quan trọng nhất Chúa muốn chúng ta cộng tác với Người để chăm sóc cho sự sống của anh chị em, là chúng ta hãy có trái tim của Thiên Chúa là Chúa Giê-su.  Trái tim nhập thể ấy đã ở trong trần gian và còn tiếp tục ở lại với trần gian qua trái tim mỗi người chúng ta.  Chúng ta đừng vô cảm trước sự sống thiêng liêng và sự sống phần xác của những người thân yêu trong gia đình và chung quanh.  Nhưng chúng ta hãy làm mọi sự theo khả năng để góp phần phát huy sự sống ấy.  Chắc chắn Chúa đặt trong mỗi người chúng ta “năng lực” của Người, để tự nó phát ra mỗi khi chúng ta cộng tác với Chúa mà tỏ lòng thương xót đối với anh chị em.  Chắc chắn Chúa muốn dùng bàn tay chúng ta để đem sự chữa lành hay phục sinh của Chúa đến với anh chị em.

          Có lẽ để sống sứ điệp Lời Chúa cách cụ thể, hôm nay chúng ta thử kiếm một người nào cần được giúp đỡ và hãy biểu lộ lòng quảng đại của Chúa Giê-su đối với họ.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm B