Hãy rao giảng Tin Mừng, dù gặp điều bất lợi

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XIV - B

(Mc 6, 1 - 6)

Phụng vụ lời Chúa hôm nay giúp chúng ta khám phá những cảm xúc từ Trái Tim Chúa Giêsu đối với những người đồng hương khi vào hội đường rao giảng. Thánh sử Marcô viết rằng, Chúa Giêsu "ngỡ ngàng về sự cứng lòng tin của họ" (Mc 6,6). Đây là một bất lợi cho chính Chúa Giêsu, một đàng có các môn đệ theo cùng về quê, đàng khác ngay tại quê hương, Thầy mình cũng không được đón nhận, vậy tương lai công việc của họ theo Thầy sẽ ra sao? Hẳn các môn đệ Chúa cũng sửng sốt về sự thiếu lòng tin của những người đồng hương với Thầy Giêsu và phản ứng của Thầy sau này nữa. Sự ngạc nhiên của Chúa Giêsu tương ứng với sự sửng sốt của những người đồng hương, theo một nghĩa nào đó cũng lấy làm đau buồn! Mặc dù Chúa biết không tiên tri nào được đón nhận nơi quê hương, nên Người đã thốt lên câu nói để đời  "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình", nghĩa là không có tiên tri nào được đón nhận nơi những người đã nhìn thấy tiên tri ấy sinh ra và lớn lên (x. Mc 6,4).

Cứ sự thường, khi người ta đã nghe biết những việc Chúa Giêsu làm, lẽ ra họ phải chào đón Người bằng tình yêu và lòng mến, hay hơn thế là hồ hởi lắng nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy với lòng thán phục. Điều ngược lại là sự thật : "Họ sửng sốt về giáo lý của Người" (Mc 6,3). Những người đồng hương của Chúa "sửng sốt" vì sự khôn ngoan của Chúa, một loạt câu hỏi được đặt ra : "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Sự gần gũi, thân thiện gia đình, tình làng nghĩa xóm ấy làm cho họ ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan và lời nói thốt ra từ miệng Người, cũng như các phép lạ Người làm tại Galilê sang từ chối, khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người ở giữa làng họ và họ "vấp phạm vì Người" (Mc 6, 3).

Thiên Chúa muốn làm người để cảm thông, thân thiện, chia sẻ thân phận hèn mọn của con người. Nhưng xót xa thay! Chính điều Thiên Chúa muốn gần con người lại là điều làm con người vấp phạm.

Thánh Bernard nói rất hay khi viết : "Con Thiên Chúa đã đến và làm những điều kỳ diệu trong thế giới này, Người xé nát tâm trí chúng ta từ tất cả những điều trên thế gian, để chúng ta suy niệm và không bao giờ ngừng ca tụng những kỳ quan của Chúa. Người mỡ cho chúng ta những chân trời vô tận và dòng sông ý tưởng tuyệt vời, dồi dào đến mức không bao giờ vơi cạn. Có ai hiểu lý do tại sao Đấng uy nghi tối thượng muốn chết để ban cho chúng ta sự sống, để phục vụ cho chúng ta, Người đã sống lưu vong để mang chúng ta trở về quê trời, Người đã hạ thấp bản thân mình, nhận lấy những điều hèn hạ và bình thường nhất để nâng con người chúng ta lên? "

Thời nào cũng thế, thế gian không ưa các tiên tri. Trong Cựu Ước, nhiều vị đã phải chết vì sứ vụ của mình. Như Giêrêmia, Dacaria và nhiều vị khác. Còn tiên tri Êlia chỉ nhờ chạy trốn mới có thể thoát chết. Chúa Giêsu cũng không đi ngoài qui luật ấy. Tuy nhiên, dù bị đe dọa, Chúa Giêsu không nao núng. Dù bị một số người khước từ, Lời của Chúa vẫn được loan truyền đi khắp nơi và không gì có thể ngăn cản Người được.

Chúng ta sống trong một thế giới bất tín và dửng dưng. Nhưng chính trong môi trường khước từ siêu nhiên như thế mà chúng ta được sai đến như các tiên tri của Chúa. Tiên tri là phát ngôn nhân, là người nói thay cho Thiên Chúa. Sứ vụ của tiên tri là loan báo Tin mừng và chứng nhân mang đến niềm hy vọng và các giá trị kitô giáo cho những nơi vắng bóng và thù địch với niềm tin kitô.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin mừng cho người nghèo khó mà Thiên Chúa Cha đã giao phó. Người đã đi vào một môi trường hòan toàn bất lợi và xung khắc với Người, nhưng Người đã không lùi bước, trái lại, Người đã trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta, vì đã được rửa tội và thêm sức, tất cả chúng ta được liên kết vào trong sứ vụ ấy. Và cũng như Người, có thể chúng ta sẽ gặp chống đối. Mang trong mình chứng từ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, ngày nay, người kitô hữu dễ bị phê phán và bị chế nhạo, và phải đi ngược dòng với tâm tưởng của thế gian. Nhưng nếu chúng ta trung thành với Đức Kitô, thì không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Người. Lời Người là lời mang lại sự Sống đời đời. Khi tiếp nhận Lời, chúng ta có thể giữ được niềm hy vọng trong ta.

Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho chúng con, đễ dầu gặp khó khăn thử thách, chúng con vẫn nhất quyết đem Tin Mừng của Chúa đến với anh chị em chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B