CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Quyết tâm theo Chúa là chọn lựa duy nhất của Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gs 24:1-2a, 15-17, 18b;  Ep 5:21-32;  Ga 6:54a, 60-69)

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có những nét đẹp tuyệt vời nói về những tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en cũng như giữa Chúa Giê-su và các môn đệ Người.  Tuyệt vời ở điểm là người ta cứ tưởng rằng những tương quan ấy khó lòng mà duy trì được, nhưng ngược lại, chúng đã được tái khẳng định và sự thắm thiết xem ra còn bền vững hơn cả trước kia.  Hai câu chuyện trong bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng có những điểm giống nhau, nhưng điểm nổi bật nhất đó là quyết tâm của dân Ít-ra-en muốn phụng thờ Thiên Chúa và lòng tín thác của Phê-rô cũng như anh em tông đồ đặt nơi Thầy mình là Chúa Giê-su.  Dĩ nhiên, những quyết định ấy cũng phải là quyết định của mỗi Ki-tô hữu cam kết theo Chúa Giê-su để cởi bỏ con người cũ tội lỗi mà sống đời sống mới trong Thần Khí Chúa Ki-tô.

          Trước hết chúng ta hãy nghe câu chuyện ông Giô-suê hội ý dân Ít-ra-en về việc chọn lựa phụng thờ Thiên Chúa.  Sau khi đã dẫn dắt dân Chúa bốn mươi năm trời từ Ai-cập về gần Đất Hứa, ông Mô-sê trao quyền lại cho Giô-suê.  Vượt qua sông Gio-đan, ông Giô-suê đưa dân tới Si-khem và tại đây ông triệu tập một cuộc đại hội để dân chúng chọn lựa phụng thờ Thiên Chúa hay thờ các thần ngoại.  Trong đại hội, ông Giô-suê mở đầu bằng cách thuật lại mọi điều Thiên Chúa phán với ông.  Đó là lời Thiên Chúa nhắc lại tất cả những gì Người đã làm cho dân Ít-ra-en, từ việc kêu gọi tổ phụ Áp-ra-ham tới cuộc di cư sang Ai-cập, rồi từ Ai-cập về Đất Hứa với cuộc hành trình dài bốn mươi năm.  Thiên Chúa đã kể lại từng công việc Người làm.  Tuy nhiên điều Thiên Chúa nhấn mạnh, đó là Người nhắc đến việc tổ phụ Áp-ra-ham khi còn ở miền đất Ur đã phụng thờ các thần khác.  Thiên Chúa đã tuyển chọn Áp-ra-ham để lập một dân riêng và Thiên Chúa muốn họ chỉ phụng thờ Người mà thôi.  Trải qua nhiều thế hệ, Thiên Chúa đã dùng những biến cố của lịch sử Ít-ra-en để giúp cho niềm tin của họ mỗi ngày một trưởng thành hơn.  Hôm nay họ đã định cư tại miền Đất Hứa rồi, nên họ cần phải xác định rõ ràng là có muốn giữ niềm tin ấy mãi mãi hay không.  Vì thế, trong đại hội Si-khem, ông Giô-suê đã thẳng thắn đòi họ phải dứt khoát quyết định chọn Thiên Chúa hay chọn các thần khác.  Chính ông Giô-suê đã phát biểu chọn lựa của ông khi ông nói với dân chúng:  “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ… Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa”.  Đáp lại, toàn dân đồng lòng thưa:  “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.

          Trong Tân Ước, chúng ta có một cuộc chọn lựa tuy là của một nhóm nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng và cảm động.  Đó là chọn lựa của ông Phê-rô và anh em tông đồ khi họ quyết định  ở lại với Chúa Giê-su vĩnh viễn.  Đúng vậy, trong diễn từ về Bánh Trường Sinh, sau khi Chúa Giê-su mời gọi người ta ăn thịt và uống máu Người để được sống đời đời, dân chúng và nhiều môn đệ thấy lời Người nghe chói tai và không thể chấp nhận nên họ bỏ đi.  Chúa Giê-su hỏi các tông đồ:  “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”  Thay mặt anh em, ông Phê-rô thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.  Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

          Một lời cam kết phụng thờ Thiên Chúa trong lịch sử Cựu Ước và một lời tuyên xưng đức tin và quyết theo Chúa Giê-su trong lịch sử Tân Ước, cả hai đều nhìn nhận chính Thiên Chúa là Đấng ban sự sống, sự sống trong Đất Hứa cũng như sự sống đời đời.  Tuy nhiên lời cam kết và tuyên xưng ấy đã trở nên công thức tuyên xưng đức tin cho mỗi người Ki-tô hữu chúng ta.  Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã tuyên xưng đức tin và cam kết sống đức tin Ki-tô của chúng ta, bằng cách hứa từ bỏ tội lỗi và ma quỷ, đồng thời tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Phụng thờ Chúa có nghĩa là “ở lại” với Chúa.  Để giúp ta hiểu ý nghĩa “ở lại” này, thánh Phao-lô đã mượn hình ảnh tình yêu vợ chồng để diễn tả tình yêu Chúa Ki-tô dành cho Giáo Hội Người.  Theo cách diễn tả của thánh Phao-lô, chúng ta có cảm tưởng ngài muốn nhấn mạnh đến quyết tâm của Chúa Giê-su muốn “theo” Giáo Hội và phục vụ Giáo Hội của Người.  Ngài muốn nêu lên tấm gương Chúa Giê-su yêu thương Giáo Hội để mời gọi ta hãy đáp lại tình yêu đó.  Thiên Chúa đã yêu thương Ít-ra-en và Chúa Giê-su yêu mến Giáo Hội, nên đáp lại, chúng ta phải yêu mến và phụng thờ Chúa.  Tại sao?  Rất đơn giản.  Vì trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã yêu thương Ít-ra-en và làm mọi sự để biểu lộ tình yêu ấy với ước muốn họ sẽ phụng thờ Người và chỉ một mình Người mà thôi.  Cũng vậy, trong Tân Ước, Chúa Giê-su đã ban cho ta chính Mình Máu Người để chúng ta được sống đời đời, nên ta phải “ở lại” với Người để có được “những lời đem lại sự sống đời đời”.  Chúng ta thử làm như thế này xem:  mỗi lần rước Mình Máu Chúa hoặc đọc một đoạn Kinh Thánh, chúng ta hãy thưa với Chúa những lời của thánh Phê-rô:  “Lạy Chúa, bỏ Chúa thì con biết đến với ai?”

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B