CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Phục Sinh:  Lối sống mới của cộng đoàn Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 4:32-35;  1 Ga 5:1-6;  Ga 20:19-31)

        Phục Sinh không chỉ đơn thuần là sự kiện Chúa Giê-su Ki-tô sống lại từ kẻ chết và đem lại sự sống mới cho những ai tin vào Người, mà sự sống lại của Chúa còn ảnh hưởng sâu đậm trên lối sống của cá nhân cũng như cộng đoàn Ki-tô.  Lối sống mới ấy dĩ nhiên phải bắt đầu từ cá nhân Ki-tô hữu rồi lan rộng tới gia đình, cộng đoàn, toàn thể Giáo Hội và cả xã hội nữa.  Lời Chúa hôm nay nói lên ảnh hưởng lan rộng ấy.  Trước hết là phạm vi cá nhân mỗi tông đồ của Chúa, nhất là ông Tô-ma qua việc ông tuyên xưng đức tin cách rất đặc biệt (bài Tin Mừng).  Tiếp đến là cộng đoàn Ki-tô Giê-ru-sa-lem với lối sống mới người ta chưa từng thấy tại bất cứ nơi nào trên thế giới thời ấy:  lối sống yêu thương chăm sóc cho mọi người không trừ ai (bài đọc 1).  Đặc biệt, thánh Gio-an tông đồ còn nhấn mạnh đến một đặc điểm của lối sống mới này, đó là Ki-tô hữu phải lấy lòng mến Chúa và đức yêu người mà hành động và suy nghĩ (bài đọc 2).  Vậy Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về lối sống mới ấy, để cho tinh thần Phục Sinh tiếp tục thúc đẩy chúng ta sống đời sống mới trong Thần Khí Chúa Ki-tô.

 

        1.  Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại sự sống mới và lối sống mới.  Ngay khi tin vui Chúa đã sống lại được loan truyền giữa các tông đồ, các môn đệ và những người tin vào Chúa Giê-su, thì người ta nhận ra nhiều thay đổi tâm lý cũng như đức tin bắt đầu xảy ra nơi họ.  Sự thay đổi tâm lý rõ ràng nhất nơi các môn đệ, những người từng sống bên cạnh Chúa, là sự vui mừng.  Trước khi Chúa Phục sinh hiện ra thì khung cảnh nơi họ đang “trú ẩn” thực là ảm đạm buồn bã:  các cửa đều đóng kín, mọi người sợ hãi lấm la lấm lét, chỉ sợ có ai đến bắt họ đem đi xét xử vì tội làm môn đệ Chúa.  Nhưng ngay khi Chúa hiện đến giữa họ với lời chào đầu tiên là “bình an cho anh em” và cho họ “xem” tay và cạnh sườn Người, thì họ “vui mừng vì được thấy Chúa”.  Sự thay đổi này quá nhanh chóng, chứng tỏ rằng sự Phục Sinh đã làm cho đức tin trước đây của họ vào Chúa được tăng vọt, phá tan tất cả những gì là buồn bã chán nản và đem đến niềm vui cho họ.  Chỉ mới “được thấy Chúa” thôi mà họ đã vui mừng như thế rồi!  Để giữ cho niềm vui và đức tin của họ tồn tại và phát triển, họ cần có một sức mạnh đặc biệt từ Thiên Chúa, đó là Chúa Thánh Thần.  Vì thế, sau lần thứ hai chào bình an, bình an chỉ có Chúa mới ban cho họ, Chúa Phục sinh đã “thổi hơi vào các ông và bảo:  ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’”.

        Tuy nhiên, sự thay đổi vĩ đại nhất chính là Chúa Phục sinh đã thay đổi hẳn một con người:  tông đồ Tô-ma.  Khi đến lần trước, Chúa đã làm cho khung cảnh và tâm lý các môn đệ thay đổi, từ buồn thảm trở thành vui mừng.  Nhưng rất tiếc trong dịp này lại không có mặt ông Tô-ma.  Lần này, ngay trước khi Chúa đến, các môn đệ khác nói với ông là họ đã được thấy Chúa thì ông phản ứng lập tức:  tôi không tin.  Chắc chắn không phải là ông không tin Chúa.  Lòng tin của ông vẫn còn chứ, chỉ có điều là nó “bị thử thách” do cái chết của Chúa mà thôi!  Lần này Chúa lại đến để củng cố đức tin ông Tô-ma.  Hẳn chúng ta còn nhớ những gì xảy ra trong Bữa Tiệc ly.  Thầy trò tâm sự thân mật.  Khi Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng Người sắp ra đi dọn chỗ cho họ thì Tô-ma là người mau mắn hỏi Thầy:  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”  Và Chúa đã trả lời ông:  “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”.  Cám ơn ông Tô-ma, vì nhờ ông mà chúng ta được lãnh nhận một mặc khải tuyệt vời về Chúa Giê-su là con đường, sự thật và sự sống!  Tuy nhiên mẩu đối thoại này cũng cho ta thấy mối tương quan tin yêu đặc biệt giữa Tô-ma với Chúa.  Tóm lại, chúng ta không nên coi Tô-ma là kẻ cứng lòng tin, mà trái lại.  Đúng vậy, đức tin của ông mạnh lắm, nhưng chưa có dịp biểu lộ đấy thôi.  Bằng chứng là khi Chúa vừa “tắt” cái nút nghi ngờ đi, là đức tin của ông bùng phát như chưa từng thấy.  Những lời ngắn gọn của ông chứa chất một lòng tin rất mạnh mẽ, sâu xa và đầy ý nghĩa:  “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Chúng ta tưởng tượng cảnh ông Tô-ma sụp lạy trước Chúa khi ông kêu lên những lời này.  Có thể nói đây là loại đức tin bằng đầu gối và trái tim!  Làm sao ông thay đổi nhanh như vậy?   Giống như nhiều môn đệ khác, ông Tô-ma đã sống trong tâm trạng chán nản.  Điều này ảnh hưởng lớn tới đức tin của họ chứ.  Hơn nữa bản chất của Tô-ma là người mang chút tinh thần thực nghiệm, lý sự, nên việc ông đòi chứng cớ Chúa sống lại không có gì là vô lý cả.  Chúa Giê-su hiểu rõ con người Tô-ma, cho nên ông đòi chứng cớ thì Người đưa ra ngay chứng cớ thương tích sẽ được kiểm chứng bằng mắt thấy và tay chạm vào.  Quả thực, chưa có môn đệ nào tuyên xưng đức tin mạnh mẽ như ông Tô-ma.  Các môn đệ khác chỉ đã “thấy” và đã “tin”.  Còn ông Tô-ma, không những thấy và tin, mà con mạnh mẽ biểu lộ đức tin của ông vào Chúa Phục Sinh bằng những chân lý sâu xa nữa:  Đức Giê-su là “Chúa”, ý nghĩa đầy đủ của danh hiệu Ki-tô và Đức Giê-su là “Thiên Chúa”.  Thêm vào đó là đức tin của cá nhân ông khi ông xác tín Chúa Giê-su là “của con” chứ không chỉ là Chúa và Thiên Chúa của mọi người!  Sau cùng, chúng ta cũng nên cám ơn ông Tô-ma vì nhờ ông, chúng ta được Chúa dạy một bài học thực hành đức tin:  “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin.  Phúc thay những người không thấy mà tin!”  Có lẽ chúng ta nên thêm mối phúc này vào Tám Mối phúc và gọi nó là Mối phúc thứ chín!

        Như vậy, đối với các môn đệ nói chung thì đời sống và lối sống của họ thay đổi từ buồn sầu sợ hãi sang vui vẻ mạnh mẽ.  Với ông Tô-ma, đức tin của ông được Chúa củng cố và trở nên vững vàng và sâu xa hơn.  Đó là kết quả của những lần Chúa Phục sinh hiện ra với họ và làm cho họ được thay đổi.

 

        2.  Chúa Giê-su Phục sinh làm thay đổi đời sống cộng đồng Ki-tô.  Sức mạnh thay đổi của Phục Sinh không dừng lại nơi các cá nhân, nhưng lan rộng và ảnh hưởng cả cộng đồng Ki-tô nữa.  Điều này thể hiện ngay trong cộng đồng Ki-tô tại Giê-ru-sa-lem như được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ.  Sách Công vụ đưa ra một hình ảnh thật dễ thương, sống động và lý tưởng của Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem.  Điều đầu tiên thánh Lu-ca nhận xét về lối sống mới của Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem là họ tuy đông đảo, nhưng “chỉ có một lòng một ý”.  Năm người mười ý là chuyện thường tình, nhưng anh chị em Công giáo Giê-ru-sa-lem thì ngược lại.  Vậy đâu là yếu tố giúp họ đồng lòng đồng ý với nhau?  Câu trả lời:  Nhờ đức tin vào Chúa Ki-tô Phục sinh!  Khi đã một lòng một ý, người ta có thể làm được những chuyện không ai làm nổi.  Chuyện “động trời” tại Giê-ru-sa-lem là các Ki-tô hữu thực hành lối sống “mọi sự đều là của chung”.  Đức tin đưa người ta tới thái độ một lòng một ý, tiếp đến là tới hành động “không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng”, nhưng là của chung!  Phục Sinh đã thay đổi lòng người, loại trừ được cả lòng tham lam và ích kỷ.  Mọi sự đều là của chung thì kết quả đương nhiên là “không ai phải thiếu thốn” nữa.  Người ta giải quyết vấn đề góp mọi sự làm của chung để không ai phải thiếu thốn bằng cách “bán ruộng đất nhà cửa đi”, rồi lấy tiền “đem đặt dưới chân các Tông Đồ” để các ngài phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu của họ.  Chúng ta nên lưu ý là mọi người chỉ lãnh tiền “theo nhu cầu của họ”, chứ không phải vì lòng tham.  Quả thực là một lối sống lý tưởng chưa từng có.  Nhờ vậy mà cộng đồng Ki-tô tại Giê-ru-sa-lem “được toàn dân thương mến” (Cv 2:46). 

        Tín hữu thì sống như vậy, còn các Tông Đồ, những vị lãnh đạo của họ, thì sao?  Các ngài đầy tràn Thánh Thần, nên càng hăng say “làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại”.  Đâu có gì lạ.  Các ngài đã được Chúa Phục sinh củng cố đức tin, thì giờ đây đáp lại, các ngài biểu lộ điều mình tin bằng cách rao giảng Chúa Giê-su đã sống lại thật.  Thiên Chúa tiếp sức cho các ngài khi Người ban cho các ngài dồi dào ân sủng, để các ngài luôn trung thành với sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô và rao giảng Tin Mừng cứu độ.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        3.  Đặc điểm của lối sống mới là sống yêu thương.  Gio-an, vị tông đồ tình yêu, khi nhìn vào lối sống mới của Ki-tô hữu, ngài đặc biệt lưu ý tới một khía cạnh trong lối sống ấy:  sống yêu thương.  Tại sao ngài đề cao khía cạnh yêu thương?  Trước hết ngài định nghĩa Ki-tô hữu là ai.  Đó là kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra vì tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.  Nói khác đi, Ki-tô hữu là con cái Thiên Chúa vì tin vào Con Một Người đã sống lại là Chúa Giê-su.  Như vậy căn tính mới này của Ki-tô hữu đòi hỏi họ phải sống như là con cái Thiên Chúa và như anh chị em trong Đức Ki-tô.  Một lý luận rất giản dị của thánh Gio-an cho thấy sống yêu thương là chủ yếu của lối sống mới:  “Ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra”.  Thiên Chúa là “Đấng sinh thành” của chúng ta, còn tất cả chúng ta đều là “kẻ được Đấng ấy sinh ra”, tức đều là “con cái Thiên Chúa” hoặc anh chị em với nhau.  Khỏi phải nói, chúng ta cũng đều biết rằng anh chị em thương yêu nhau là lẽ đương nhiên rồi.  Vậy, sống yêu thương chính là linh đạo Phục Sinh của tất cả chúng ta vậy!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        

                


Suy Niệm Lời Chúa Năm B