Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa- Ngày 10 Tháng 1 Năm 2021

 

Phó tế: Peter Trahan

 

Các bài đọc: Is 42: 1-4, 6-7 hoặc Is 55: 1-11 Tv 29: 1-2, 3-4, 3, 9-10 hoặc Is 12: 2-3, 4bcd, 5-6 Cv 10: 34-38 hoặc 1 Ga 5: 1-9 Mc 1: 7-11

bible.usccb.org/bible/readings/011021.cfm

 

Việc cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa kết thúc Mùa Vọng và Giáng Sinh, đồng thời mở ra Mùa Thường Niên. Điều này không chỉ xác định trình tự của năm phụng vụ, mà còn đánh dấu sự chuyển tiếp từ biến cố giáng sinh sang sứ mệnh Chuộc tội và Cứu độ của Chúa Giêsu nữa.

Bước vào Mùa Thường Niên không những liên quan đến các bài đọc và việc cử hành Thánh lễ trong Giáo Hội, mà còn liên quan đến việc trở lại nhịp sống thường nhật. Mùa Giáng sinh tuyệt vời thế nào thì cuộc sống "trở lại bình thường" của chúng ta nhất định cũng phải thoải mái như vậy. Lên chương trình, việc đi lại, khách viếng thăm, mua sắm và mọi việc chuẩn bị đã qua rồi và bây giờ lúc chúng ta quay về với đời sống bận rộn bình thường.

Chúng ta có thể nhận ra sự chuyển tiếp tương tự như thế trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Bắt đầu với thời điểm Nhập thể khi Đức Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và trở thành Mẹ Đồng trinh của Thiên Chúa, chúng ta cùng đồng hành với Mẹ và với nhiều người khác để tham dự vào việc lên chương trình, đi lại, thăm viếng, tặng quà và chuẩn bị cho Đức Kitô đến trong thế giới chính Người đã tạo dựng. Chúng ta đã biết về cậu Giêsu lúc 12 tuổi, cùng với Thánh gia trở về nhà, vâng lời các ngài, học tập mọi điều như mọi trẻ em đang lúc trưởng thành, thậm chí học nghề như nghề thợ mộc, như chúng ta được nghe nói rằng “Người lớn lên trong sự khôn ngoan và được sủng ái trước mặt Thiên Chúa và loài người".

Và bây giờ Người đã từ giã cuộc sống gia đình riêng tư để bắt đầu thi hành sứ mệnh của mình, tức thi hành ý định của Chúa Cha và hoàn thành kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cũng trở lại với hai sứ mệnh song hành, là vừa nuôi nấng gia đình nhờ công ăn việc làm ngoài xã hội vừa được kêu gọi tham gia vào sứ mệnh của chính Chúa Giêsu trong thế giới này. Chúng ta phải sống cuộc sống bình thường của mình nhưng cũng phải làm theo ý Chúa Cha và tham gia vào chương trình Cứu độ của Thiên Chúa.

Hôm nay Phúc âm của Mác-cô có nói đến việc Chúa chịu phép rửa. Chúa Giêsu đến với Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình, và khi Chúa Giêsu từ dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra, Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra cho chúng ta. Điều này phù hợp với trình thuật của các Phúc âm khác Mát-thêu và Lu-ca. Tuy nhiên, trong phúc âm Mát-thêu có thêm hai câu nói đến Chúa Giêsu và Gioan thảo luận về điều sắp xảy ra.

Thánh Gioan ngần ngại không muốn làm phép rửa cho Chúa Giêsu, biết Chúa Giêsu cao trọng hơn, nên ông Gioan hạ mình và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa” (Mt 3: 14). Chúa Giêsu trả lời khá thú vị. Người nói, "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3,15).

Để hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì về “đức công chính”, chúng ta hãy trở lại ý tưởng về sự công chính trong Cựu Ước. Công chính có nghĩa là ở trong một mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Kinh Torah, tức Luật của Giao ước Cũ, được ban cho dân Chúa để họ sống “mối tương quan mật thiết” với Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, sự đổ vỡ ban đầu trong mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa là do Tội Nguyên tổ và hậu quả truyền lại cho mọi người khi sinh ra. Từ thời A-đam và Ê-va, loài người đã không còn sống trong mối tương quan chính trực với Thiên Chúa nữa. Vậy để dẫn dắt dân Is-ra-en đi đúng đường, Thiên Chúa đã ban cho họ Lề Luật, nhưng mối quan hệ chính đáng giữa con người với Thiên Chúa sẽ chỉ được giao hòa cho đến khi Chúa Giê-su, Đấng Mê-si-a được hứa ban, mang lại sự cứu chuộc qua Thánh giá. Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần nói rằng Ngài đến để kiện toàn Lề Luật cũng như để thực hiện sự công chính mà Lề Luật đã trình bày.

Khi nói với Gioan: “Bây giờ cứ thế đã…”, Chúa Giê-su cho thấy ngay trong ý nghĩa cao cả của biến cố này [phép rửa], còn có nhiều việc quan trọng hơn thế nữa. Đức công chính trong phép rửa của Chúa Giêsu là khởi đầu sứ mệnh của Ngài và việc giữ trọn đức công chính” sẽ được hoàn tất trên Thánh giá.

Phép Rửa của Chúa Giêsu là khởi đầu trong tiến trình hoàn tất “giữ trọn đức công chính”. Khi suy ngẫm về Phép Rửa của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đặt nó trong bối cảnh của Phép Rửa mà Gioan đã làm cho dân chúng. Chúng ta thường thắc mắc tại sao Chúa Giê-su phải chịu phép rửa, vì chúng ta biết rằng phép rửa của Gioan là phép rửa giúp sám hối, còn phép rửa của chúng ta, tức Phép Rửa Kitô Giáo, là phép để thanh tẩy tội lỗi.

Chúng ta biết Chúa Giêsu đến để mang lại ơn Cứu Chuộc bằng cách hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Khi Thiên Chúa làm người, tức “Ngôi Lời trở nên xác phàm” (Ga 1:14), Người không chỉ mang lấy bản tính con người, Người còn mang thân phận con người một cách trọn vẹn [ngoại trừ tội lỗi]. Để chuộc tội lỗi nhân loại, Người đã mặc lấy bản tính con người, và khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thập giá, thì bản tính con người cũng bị đóng đinh vào Thập giá. Trong Thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô diễn đạt như thế này: “Ðấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa (2 Cr 5: 21). Mặc dù Chúa Giêsu không có tội lỗi, nhưng Ngài đã bị biến thân thành người tội lỗi để cứu rỗi chúng ta.

Nếu tội lỗi của nhân loại được kéo lên trên Thánh giá cùng với Chúa Giêsu, thì tội lỗi của nhân loại cũng đã được dìm xuống nước sông Giô-đan cùng với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa để tẩy sạch nhân loại hầu chuẩn bị cho việc “giữ trọn đức công chính” trên Thập giá. Công việc Cứu Chuộc bắt đầu với Phép Rửa của Chúa Giêsu. Với Phép Rửa của Người, Người bắt đầu sứ mệnh của mình, và sứ mệnh của Người là sứ mệnh Cứu Chuộc.

Trong phép rửa của mỗi người, nhờ ân sủng đức tin, chúng ta đón nhận Ơn Cứu Chuộc do Chúa Giêsu đã hoàn tất cho chúng ta. Chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô, vào đời sống và sứ mệnh của Người. Nhờ trở nên chi thể của Nhiệm thể Đức Kitô, chúng ta trở thành phần tử của Giáo hội Người.

Là Kitô hữu, khi được rửa tội trong Đức Kitô thì chúng ta cũng được dìm trong cùng Phép Rửa với Người, sống với Người, chết với Người, và cuối cùng là Phục sinh với Người.

Chúa Giêsu đã sống cuộc đời của một con người, và từ khi chịu Phép Rửa, Người đã làm công việc của Chúa Cha, đó là công cuộc Cứu Độ. Trong phép rửa, chúng ta bước vào cùng một cuộc sống và một sứ mệnh. Chúng ta sống cuộc đời mình giống như Chúa Giêsu đã sống cuộc đời của Người, và chúng ta được mời gọi để thưc thi ý muốn và công cuộc của Thiên Chúa Cha, là tham dự vào công cuộc Cứu Chuộc nhờ các Bí tích, nhờ cầu nguyện, nhờ đau khổ của mình và qua việc bác ái về tinh thần hay thể xác để thể hiện lòng thương xót [Thương người có mười bốn mối].

Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta bước vào đời sống Kitô hữu. Nhưng đó không phải là một cuộc sống thụ động. Chúng ta được mời gọi để sống một cuộc sống chủ động, sống trong ánh sáng Chúa Kitô, làm việc trong thế giới để đẩy lùi bóng tối và mang ánh sáng Chúa Kitô đến cho những người còn sống trong bóng tối.

Hôm nay, khi cử hành Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, mỗi người chúng ta được đổi mới trong phép rửa của chính mình. Chúng ta đang chuyển từ thời điểm mong đợi của Mùa Vọng Chúa đến vào Lễ Giáng Sinh sang thời điểm sống trọn vẹn trong Đức Kitô. Hôm nay, chúng ta được đổi mới qua những lời hứa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội để sống và làm việc với Chúa trong thế giới này. Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Thường Niên, mùa đời mình.

 

Nguồn: Homiletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B