CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

Sự phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 17:22-24;  2 Cr 5:6-10;  Mc 4:26-34)

        Như chúng ta đã biết, trong mùa Thường niên, Phụng vụ Lời Chúa trình bày con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su qua lời giảng và những việc làm của Người.  Một trong những chủ đề lớn qua các bài giảng của Chúa Giê-su là về Nước Thiên Chúa.  Có lẽ đây là đề tài ưa thích của Chúa và được Người nói đến nhiều hơn.  Tuy nhiên không phải dễ dàng để trình bày một điều trừu tượng cho một đám thính giả thuộc hạng người bình dân.  Nhưng Chúa Giê-su là vị giảng thuyết đại tài, Người sử dụng những câu chuyện dân giả trong cuộc sống thường ngày để giải thích về Nước Thiên Chúa.  Thiên Chúa muốn thiết lập một thời gian đặc biệt để thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại, được sách Tin Mừng gọi là Triều Đại Thiên Chúa hoặc cách giản dị là Nước Thiên Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay là bài giảng gồm hai câu chuyện dụ ngôn Chúa Giê-su dùng để so sánh với Nước Thiên Chúa:  hạt lúa và hạt cải.  Hình ảnh cả hai đều là hạt giống nhỏ bé, nhưng lại có sức phát triển lớn lao, được sử dụng để ví với sự phát triển mạnh mẽ của Nước Thiên Chúa (bài Tin Mừng).  Nhưng sự phát triển kỳ lạ ấy không phải do tay con người, mà là do Thiên Chúa.  Bởi đó, để nói lên “công việc tay Chúa làm ra”, bài trích sách Ê-dê-ki-en đề cao quyền năng Thiên Chúa khi Người “hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp” (bài đọc 1).  Tuy nhiên, Thiên Chúa không dành “độc quyền định đoạt” về sự phát triển của Nước Thiên Chúa, mà Người cho chúng ta được cộng tác vào công việc ấy bằng cách thực hiện “một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa” (bài đọc 2).

 

        1.  Nước Thiên Chúa lớn mạnh như thế nào?  Chắc nhiều người chúng ta đã có kinh nghiệm về trồng trọt, từ cây cối cho đến các loài hoa và rau cỏ.  Chúng ta thường theo dõi sự phát triển của chúng từ lúc nảy mầm đến khi thành cây hoặc rau lớn.  Chúa Giê-su muốn dựa vào kinh nghiệm bình dân ấy để chuyển tải một điều trừu tượng là sự phát triển của Nước Thiên Chúa.  Nói về Nước Thiên Chúa, chắc chắn Chúa Giê-su không có ý trình bày một vương quốc trần thế như một tổ chức hữu hình với những yếu tố cần thiết như đất đai, dân cư, quân đội và luật pháp.  Nhưng Nước Thiên Chúa là một thực tại vô hình, không gian hay thời gian của nó không thể xác định được.  Có thể đó là một trạng thái tâm hồn hoặc tình trạng của một cá nhân hay cộng đồng.  Như thế, Nước Thiên Chúa có thể được biểu hiện trong tâm hồn của một người hay trong một cộng đoàn hoặc ngay trong “Hội Thánh Đức Ki-tô”.  Tuy nhiên ở đây qua hai dụ ngôn hạt giống, Chúa Giê-su muốn chúng ta hiểu  một điểm duy nhất về Nước Thiên Chúa mà thôi, đó là sự phát triển mạnh mẽ.  Cách tuyệt vời Người dùng để nhấn mạnh đến sự phát triển là hình ảnh biến đổi từ một hạt giống nhỏ bé nhất trở thành “bông lùa nặng trĩu hạt” hoặc “cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ”.  Điều này cũng cho thấy đường lối của Thiên Chúa khác hẳn với đường lối chúng ta, vì chúng ta chỉ nhìn thấy bề ngoài, còn Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tận tâm hồn.  Vậy chúng ta hãy nghe lại hai dụ ngôn về hạt giống.  Trước hết là hạt lúa.  Khi bác nông phu vung hạt giống trên thửa ruộng mình, ông tin chắc sau thời gian chờ đợi, sự sống bên trong hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm và hiện rõ qua mầu xanh, dù nhỏ nhưng vẫn có thể nhận ra.  Bác nông phu không cần biết mầm sống trong hạt giống hoạt động thế nào theo luật thiên nhiên, nhưng khi mầm sống ấy đâm ra khỏi lớp vỏ bao bọc nó và chui lên mặt đất, một phần biến thành rễ hút chất dinh dưỡng dưới đất, một phần là lá non vươn lên hấp thụ ánh nắng mặt trời.  Tiến trình phát triển bắt đầu tăng, hạt lúa đã thành cây lúa, chẳng bao lâu trổ đòng đòng và sau cùng mang một “bông lúa nặng trĩu hạt”.  Sự phát triển không những ở chính cây lúa, mà còn ở kết quả nó mang lại, từ một hạt biến thành “ba mươi, sáu mươi hay một trăm” hạt khác (Mc 13:8)!  Vậy dụ ngôn này áp dụng vào Nước Thiên Chúa thế nào?  Bác nông phu “vãi hạt giống xuống đất” là chính Thiên Chúa.  Nếu chúng ta hiểu “hạt giống là lời Thiên Chúa” thì quả thực lời Chúa được gieo vào tâm hồn người ta sẽ đem lại kết quả phong phú do quyền năng và ân sủng của Người.  Ngôn sứ I-sai-a đã nói về sức mạnh của lời Chúa:   Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11).  Tóm lại, sự phát triển của Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của quyền năng và ân sủng Chúa được tâm hồn chúng ta đón nhận. 

        Dụ ngôn Hạt cải cho chúng ta một cái nhìn khác về sự phát triển của Nước Thiên Chúa.  Khi nói về hạt cải, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng nó là loại “nhỏ nhất” trong các hạt giống trên mặt đất khi được gieo xuống.  Nhưng khi mọc lên, nó lại “lớn hơn mọi thứ rau cỏ”.  Từ nhỏ nhất biến thành lớn nhất, đó là sự phát triển chúng ta không bao giờ ngờ được!  Rồi cây cải không chỉ phát triển cho chính mình, mà còn phát triển cả cho “chim trời có thể làm tổ dưới bóng” nữa.  Cũng vậy, lời Chúa không những đem lại sự lớn mạnh của tâm hồn chúng ta mà còn sinh ích cho những người chung quanh chúng ta, giống như chim trời được thừa hưởng bóng rợp của cây cải.  Nếu chúng ta sống lời Chúa thì không những bản thân chúng ta được biến đổi, mà cả cộng đồng quanh ta là gia đình, giáo xứ và xã hội cũng được biến đổi theo.  Với dụ ngôn này Chúa Giê-su cho chúng ta thấy sự phát triển của Nước Thiên Chúa mang một sức mạnh vô song không gì có thể ngăn cản được.

 

        2.  Sức mạnh của quyền năng Thiên Chúa làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh.  Chúa Giê-su cho chúng ta thấy sự phát triển của Nước Thiên Chúa là một mầu nhiệm và là một thực tại có ảnh hưởng lớn lao.  Vậy thì ai tạo ra sự phát triển ấy?  Ngôn sứ I-sai-a khẳng định lời Chúa có sức mạnh tạo nên những biến đổi khôn lường.  Còn trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ Ê-dê-ki-en lại cho chúng ta một hình ảnh khác nói lên tác nhân của mọi biến đổi chính là Thiên Chúa, Đấng “hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp”.  Đây là một sự đảo ngược toàn diện, là công việc chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới làm được.  Hạ thấp cây cao không phải là chặt bớt đi cho nó hết cao và nâng cao cây thấp không phải là nối thêm vào cho nó cao lên.  Nhưng đây là cách nói để cho thấy quyền năng của Thiên Chúa làm được mọi sự, như lời sứ thần nói với Đức Ma-ri-a rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).  Đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói tiên tri về việc Thiên Chúa sẽ thiết lập một nước Ít-ra-en Mới.  Thiên Chúa sẽ ngắt “một chồi non từ ngọn cây hương bá cao chót vót” rồi đem trồng nó trên đỉnh núi cao vòi vọi.  Nhánh hương bá này sẽ trở thành “cây hương bá huy hoàng” làm chỗ cho muông chim đến nương náu ẩn thân.  Cây hương bá cao chót vót là dòng dõi vua Đa-vít và chồi non chính là Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.  Hình ảnh về Nước Thiên Chúa đã được ngôn sứ báo trước và chúng ta phải ngỡ ngàng trước sự phát triển của Giáo Hội được Chúa Ki-tô thiết lập.  Ngoài Giáo Hội ra, chúng ta cũng nghĩ đến ảnh hưởng của Tin Mừng đã biến đổi tâm hồn biết bao người để tạo thành một vương quốc vô hình và không biên giới gồm các người làm môn đệ Chúa Ki-tô và đi theo lối sống cũng như tinh thần (Thần Khí) của Người.  Đường lối của Thiên Chúa thường đảo ngược, hoàn toàn khác với đường lối chúng ta.  Thiên Chúa chọn Đa-vít, người yếu đuối nhất trong số các con trai ông Giét-sê để làm lãnh đạo Ít-ra-en.  Người đã chọn Đức Ma-ri-a, thiếu nữ khiêm nhường Na-da-rét, làm thân mẫu Đấng Cứu Độ.  Đó là đan cử một vài thí dụ về đường lối đảo ngược của Thiên Chúa.  Ê-dê-ki-en còn đưa thêm một lời nói của Thiên Chúa về sự phát triển của vương quốc Đức Ki-tô:  “Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết Ta là Đức Chúa”.  Cây cối ngoài đồng ruộng ám chỉ mọi người trên thế gian này.  Rồi đây, nhờ “cây hương bá huy hoàng là Chúa Ki-tô và Tin Mừng của Người, Nước Thiên Chúa sẽ lan rộng và mọi người sẽ nhận biết Thiên Chúa là Cha.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta chiêm ngưỡng công trình thiết lập và củng cố Nước Thiên Chúa để nhận ra đường lối hành động của Người.  Chúng ta là công dân của vương quốc Đức Ki-tô tức Giáo Hội.  Chúng ta cũng mang trong tâm hồn “Nước Thiên Chúa” là ảnh hưởng và sức mạnh của đức tin.  Vậy chúng ta sẽ làm gì để giúp cho Nước Thiên Chúa tiếp tục lớn mạnh, trước hết trong tâm hồn mình, sau là lan rộng đến tâm hồn những người khác?  Thánh Phao-lô thấy mình đang sống trong một tình trạng mâu thuẫn.  Một đàng ngài muốn “ra khỏi thân xác”, nghĩa là chết để được kết hiệp vĩnh viễn với Chúa Ki-tô.  Đàng khác, ngài vẫn đang sống bên cạnh các tín hữu khác và hăng say rao giảng Tin Mừng để mở mang Nước Thiên Chúa.  Không biết phải chọn lựa thế nào giữa ở lại và ra đi nên ngài tiến tới quyết định là “chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Chúa” bằng những việc tốt đang khi ngài còn sống trên đời này.  Đó cũng là chọn lựa của mọi Ki-tô hữu, dù thức hay ngủ, dù sống hay chết, thì sự phát triển của Nước Thiên Chúa vẫn cần đến bàn tay xây dựng của chúng ta, xây dựng bằng những việc tốt của chúng ta để làm đẹp lòng Thiên Chúa.  Như thế, sống mà làm những việc đẹp lòng Chúa chính là cách giúp cho Nước Thiên Chúa được phát triển nơi tâm hồn chúng ta và mọi nơi chúng ta được Chúa sai đến.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B