CHÚA NHẬT 19 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Ê-phê-xô 4:30-5:2

 

          Đoạn thư hôm nay là huấn dụ thứ hai (4:25-5:2) trong ba huấn dụ nhỏ, khích lệ tín hữu Ê-phê-xô sống sao cho phù hợp với Tin Mừng họ đã nhận lãnh.  Với tính duy nhất của Giáo Hội, Ki-tô hữu học sống hiệp nhất với nhau để thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội.  Với sự thánh thiện của Giáo Hội, Ki-tô hữu thực thi đúng theo căn tính Ki-tô hữu của mình để “thực sự sống công chính và thánh thiện.”  Để quảng diễn thêm những phạm trù căn bản của đời sống Ki-tô hữu, thánh Phao-lô hướng về đời sống cộng đoàn để mời gọi tín hữu hãy nỗ lực làm cho đời sống cộng đoàn được mỗi ngày một tốt đẹp hơn.  Các phần tử của Giáo Hội có trách nhiệm đối với nhau, vì họ đều là chi thể của cùng một thân thể Chúa Ki-tô.  Họ thuộc về nhau là vì họ thuộc về Đức Ki-tô.  Nói về đời sống cộng đoàn, thánh Phao-lô không thích lý thuyết dài dòng, nhưng ngài nhìn vào những gì thường xảy ra và căn cứ vào kinh nghiệm mục vụ của mình để đưa ra một số kết luận thực hành hết sức thực tế.

 

a)  Làm tổn thương đời sống cộng đoàn là “làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa.”

          Chúa Thánh Thần là mối dây độc nhất liên kết mọi chi thể trong nhiệm thể Chúa Ki-tô.  Nếu hiểu Thánh Thần là Đấng ghi dấu ấn trên tín hữu để họ thực sự thuộc về Thiên Chúa, thì chúng ta có thể tưởng tượng Thánh Thần sẽ “buồn lòng” biết mấy khi dấu ấn ấy bị làm phai mờ đi do lối sống không phù hợp với lối sống và Tin Mừng của Đức Ki-tô.  Chúa Thánh Thần không tách rời với cộng đồng Ki-tô.  Sự hiện diện của Người nơi mỗi Ki-tô hữu là dấu ấn bảo đảm họ sẽ được cứu chuộc nếu họ giữ dấu ấn ấy cho tới khi Đức Ki-tô trở lại với họ. 

Vai trò của Thánh Thần đã được thánh Phao-lô nói đến trước đây trong vinh tụng ca mở đầu:  “Vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa.  Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1:13-14).  Có hai điểm được nói đến ở đây.  Trước hết ân huệ Thánh Thần là bảo chứng cho phần rỗi chúng ta.  Thứ hai, vì Thánh Thần xác định căn tính của các tín hữu là những kẻ sẽ được cứu chuộc, nên lối sống vô luân là lối sống đi ngược lại căn tính của họ.  Người ta sẽ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa khi họ tuy đã có phận được cứu chuộc mà lại còn sống theo con người cũ của mình. 

Vậy để khỏi làm phiền lòng Thiên Chúa, theo lời khuyên của thánh Phao-lô, tín hữu “hãy bắt chước Thiên Chúa.”  Lời khuyên có vẻ khác thường, gần như không ăn nhập gì với ý tưởng “đừng làm phiền lòng Thánh Thần.”  Thực ra thì lời khuyên “hãy bắt chước Thiên Chúa” là câu trả lời đi thẳng vào vấn đề.  Thánh Thần hướng dẫn chúng ta sống theo lối sống mới, tức là sống bác ái, yêu thương, hiệp nhất...  Mà tất cả những điều này chúng ta sẽ học được ở nơi Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban Con Một cho chúng ta.  Đó là bài học để chúng ta làm đẹp lòng Thánh Thần khi chúng ta sống trong tình bác ái.

 

b)  Sống trong tình bác ái

          Bác ái là then chốt của đời sống cộng đoàn.  Chúng ta trở lại với hai câu 31-32 chương 4 để lắng nghe những lời khuyên thực tế của thánh Phao-lô về đời sống cộng đoàn.  Về phương diện tiêu cực, chúng ta tránh những thái độ tai hại sau:  chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ.  Chắc chắn chúng ta ai cũng từng có những kinh nghiệm về những hành vi kể trên, hoặc mình là chủ nhân hoặc là nạn nhân!  Những hành vi này phá hoại tình bác ái thật trầm trọng, nhiều khi vĩnh viễn không sao hàn gắn hay hòa giải được.  Chúng đi ngược hẳn với đức ái đích thực (1 Cr 13:4-7) hoặc sinh ra những hoa trái ngược lại với những hoa trái của Thần Khí (Gl 5:22-23a).

          Về phương diện tích cực, thánh Phao-lô khuyên tín hữu hãy đối xử tốt với nhau, biết thương xót và tha thứ cho nhau.  Sống giữa dòng đời, đối xử tốt với người khác thường bị coi là để cho người ta lợi dụng mình.  Thương xót và tha thứ được coi là nhu nhược.  Não trạng của người đời là vậy.  Nhưng não trạng Ki-tô thì khác.  Không phải chỉ thương xót tha thứ thôi đâu, mà còn phải đi xa hơn nữa, đó là yêu thương kẻ thù là điều Thiên Chúa đã dạy con cái Người qua Đức Ki-tô.

 

c)  Hướng về đời sống cộng đoàn

          Hơn lúc nào hết, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại cần phải bước ra khỏi lối sống cá nhân, đèn ai nhà nấy rạng, để dấn thân vào đời sống cộng đoàn nhiều hơn.  Chúng ta không truyền giáo một cách đơn độc, cá nhân, nhưng như một cộng đoàn.  Đời sống yêu thương bác ái là một bài giảng hùng hồn nhất và một chứng từ có sức mạnh lớn lao nhất.  Phải chăng Thánh Thần của Thiên Chúa ít được chúng ta để tâm tới cho nên chúng ta cứ “làm phiền lòng” Người?  Phải chăng chúng ta không nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần giữa cộng đoàn, nên chúng ta tưởng cộng đoàn là của riêng chúng ta và chúng ta muốn làm gì thì làm, bất kể bác ái yêu thương là gì, miễn là chúng ta không bị “làm phiền lòng”!

          Lời khuyên của thánh Phao-lô tuy ngắn gọn, nhưng vô cùng thâm sâu và cốt lõi, đi thẳng vào những nhược điểm của con người.  Lời khuyên càng ngắn gọn và rõ ràng thì sứ điệp càng mạnh mẽ và thúc giục chúng ta thực hành dễ dàng hơn.  Mong được như vậy nơi mỗi anh chị em Ki-tô hữu chúng ta.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

          Nhận định về đời sống cộng đoàn của tôi một cách khiêm nhượng và thẳng thắn.  Tôi rút được những bài học nào về sự chia rẽ rạn nứt và về bác ái yêu thương nhau?

          Thái độ nào của tôi dễ làm tổn thương tình bác ái cộng đoàn nhiều nhất?  Tôi có ý thức điều ấy trước đây không?  Tôi phải làm gì để sửa đổi?

          Não trạng của tôi là não trạng nào?  Của người đời hay của Chúa Ki-tô?  Tôi học hỏi và tập sống não trạng Ki-tô ở đâu và như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Đâu có tình yêu thương”.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà