CHÚA NHẬT 31 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 7: 23-28

 

        Chúa Ki-tô, vị Thượng Tế siêu phàm, đã đóng vai trò giúp cho Thiên Chúa siêu việt cảm thương nhân loại và nhân loại nhận biết được tình thương cứu độ của Thiên Chúa.  Vị Thuợng Tế siêu phàm ấy đã được Thiên Chúa tuyển chọn trong số người phàm, không phải từ dòng họ Lê-vi với chức tư tế chưa được hoàn hảo, nhưng “theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” với chức tư tế thập toàn.   Bài đọc hôm nay giải thích cho chúng ta thế nào là chức tư tế thập toàn theo phẩm trật Men-ki-xê-đê và trình bày hai đặc nét chính về Chúa Ki-tô Linh Mục:  Người là vị Thượng Tế đời đời và vị Thượng Tế thập toàn.

 

a)  Phẩm trật A-ha-ron và phẩm trật Men-ki-xê-đê

        Trước hết chúng ta nhìn lại cách lập luận của thư Do-thái đề cao chức tư tế của Chúa Ki-tô như thế nào.  Tất cả chương 7 thư Do-thái dành cho lập luận này.  Đầu tiên là trình bày về thân thế ông Men-ki-xê-đê và sự cao trọng của ông.  Với trích dẫn Sáng Thế 14:17-20 nói về thân thế ông Men-ki-xê-đê, thư Do-thái đi tới kết luận:  ông Men-ki-xê-đê là “vua công chính, vua bình an”, “mãi mãi ông vẫn là tư tế.”  So với tư tế thuộc dòng tộc Lê-vi, thân thế ông Men-ki-xê-đê cao trọng hơn bội phần.  Bởi vì dòng tộc Lê-vi là con cháu của ông A-ha-ron và cũng là hậu duệ của ông Áp-ra-ham, nên không thể cao trọng hơn ông Áp-ra-ham.  Thế mà so với ông Áp-ra-ham, ông Men-ki-xê-đê còn cao trọng hơn, vì ông Áp-ra-ham phải nộp cho ông một phần mười chiến lợi phẩm và hoa lợi cũng như nhận chúc lành của ông.

        Sau khi so sánh chức tư tế theo phẩm trật A-ha-ron với chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê, thư Do-thái dẫn đến kết luận là phải đạt tới sự hoàn thiện qua những thay đổi:  1)  Thay đổi chức tư tế: từ chức tư tế Lê-vi đến chức tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.  2)  Bãi bỏ Lề Luật cũ để thay thế bằng Lề Luật Mới là chính Đức Ki-tô.

        Với dòng tư tưởng lập luận trên, thư Do-thái nhắc lại lời thề của Thiên Chúa Cha nói với Chúa Ki-tô:  “Muôn thuở, Con là Thượng Tế,” và khẳng định hai điểm về chức Thượng Tế của Chúa Ki-tô:

 

b)  Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế đời đời        

        Đặc tính vĩnh cửu của chức Thượng Tế nơi Chúa Ki-tô là do Người “hằng sống muôn đời.”  Người đã đi qua cái chết thể xác, phục sinh để bước vào cung thánh trên trời và đời đời ngự bên hữu Chúa Cha mà chuyển cầu cho nhân loại.  Chức tư tế của Người cần phải vĩnh cửu để “đem lại ơn cứu độ vĩnh viễn” cho những ai muốn trở về và đến với Thiên Chúa.  Không ai có đủ tư cách để đảm nhận vai trò trung gian của Chúa Ki-tô giữa nhân loại và Thiên Chúa.  Với tất cả vinh hiển và quyền năng Thiên Chúa ban cho Người sau khi Người phục sinh, Người sẽ chuyển cầu cho chúng ta cách hữu hiệu, khác với cách chuyển cầu khi Người còn sống cuộc đời trần thế như chúng ta, nói khác đi cách chuyển cầu của một con người đang chiến đấu khác với cách chuyển cầu của một con người đã được vinh thắng khải hoàn.

 

c)  Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế thập toàn    

        Cuộc đời dương thế của Chúa Ki-tô đạt mới mức hoàn hảo khi Người vâng phục Thiên Chúa mà chấp nhận chịu đau khổ và chết khổ nhục trên thập giá (Dt 5:8-9).  Bước qua cái chết hy sinh, Chúa Ki-tô trở nên vừa là hy lễ, vừa là Đấng hiến lễ dâng chính mình lên Thiên Chúa Cha để đền thay cho tội lỗi nhân loại.  Đặc tính thập toàn đã được Dt 7:26 diễn tả dưới những khía cạnh khác nhau:  Chúa Ki-tô là “một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời.”  Người đã dâng chính mình làm của lễ vẹn toàn và dâng một lần là đủ.

        Trái lại, các thượng tế Lê-vi thì “mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân” chứng tỏ hy lễ cũng như người dâng hy lễ đều không toàn hảo và cần phải lập đi lập lại mãi.

        Chính tính cách trường cửu và thập toàn của chức tư tế nơi Chúa Ki-tô đã mở ra cho mọi người để họ có thể liên kết với Người.  Từ nay chỉ có một hy lễ và Thượng Tế duy nhất.  Mọi người được mời gọi hiệp nhất với Người để hiến lễ của chúng ta trở nên hiến lễ của Người và đáng được Chúa Cha chấp nhận.  Lời mời gọi linh mục xướng lên trong Thánh lễ cũng là lời mời gọi của chính Chúa Giê-su, Linh Mục Thượng Phẩm:  “Anh chị em hãy cầu nguyện để lễ vật của tôi và cũng là của anh chị em được Thiên Chúa là Cha Toàn năng chấp nhận.”

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Đoạn thư hôm nay giúp tôi hiểu được gì về vai trò trung gian của Chúa Ki-tô trong lãnh vực dâng lễ đền tội?  Chúa Ki-tô đang “đền tội” cho tôi trước mặt Thiên Chúa như thế nào?  (Atonement = at-one-ment).

        Thư Do-thái quả quyết:  “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến.”  Tôi đã xác tín mình cần đến Chúa Ki-tô chưa?  Tới mức độ nào?

        Tôi có tâm tình nào trước tình thương cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng tôi Chúa Giê-su Linh Mục Thượng Phẩm?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng nhau đọc lời nguyện sau đây cầu cho các linh mục:

 

        Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con những linh mục

có trái tim thuộc trọn về Chúa, nên cũng thuộc trọn về con người.

Xin cho chúng con những linh mục

có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,

một trái tim đủ lớn để chứa được mọi người và từng người,

nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.

Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,

có tình bạn thân thiết với Chúa, để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.

Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,

có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,

tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.

Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục có trái tim của Chúa,

say mê Thiên Chúa và say mê con người,

hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên

và dẫn đưa chúng con đến với Chúa là Nguồn Sống thật.

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 80)

 

Ðaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà