CHÚA NHẬT 3 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 7: 29-31

          Bài đọc hôm nay trích từ những lời thảo luận của thánh Phao-lô về đời sống hôn nhân và độc thân mà tín hữu Cô-rin-tô đã viết thư hỏi ngài (7:1). Không rõ họ đã viết những gì cho ngài, nhưng hình như trong cộng đoàn có một nhóm người sống khổ hạnh đã chủ trương rằng: khi trở lại đạo, không chỉ những người sống một mình (độc thân, mới đính hôn, góa chồng) mà cả những cặp vợ chồng nữa (cả hai đều là Ki-tô hữu, hoặc một người là Ki-tô hữu và một người là ngoại đạo), cũng không được gần gũi nhau. Ðể trả lời, Phao-lô đưa ra nguyên tắc chung: mỗi người nên giữ thân phận đang sống lúc được Chúa gọi vào đạo (7:17-24). Nếu lúc trở nên Ki-tô hữu bạn đang sống trong bậc hôn nhân, thì cứ tiếp tục sống bậc hôn nhân; nếu đang độc thân thì cứ ở vậy, nhưng nếu có lập gia đình thì cũng không có gì là xấu cả. Cuộc giao lưu giữa văn hóa Hy-lạp và đức tin Ki-tô giáo trong thời điểm ấy đã nảy sinh không biết bao nhiêu vấn đề. Thánh Phao-lô sau khi đưa ra nguyên tắc chung là hôn nhân và độc thân cả hai đều tốt và bổ sung cho nhau, đã không quên đề cập tới một yếu tố quan trọng áp dụng cho mọi bậc sống, đó là Ki-tô hữu phải có não trạng nào đối với những giá trị của cuộc sống.

 

a) Não trạng về thời gian

          Ðiểm gây chú ý trong bài đọc là thánh Phao-lô mở đầu và kết thúc lời khuyên bằng cách nêu lên ý niệm về thời gian: "Thời gian chẳng còn bao lâu," và "Bộ mặt thế gian này đang biến đi." Với hai hình ảnh này về thời gian, ngài muốn nhấn mạnh rằng khoảng thời gian giữa lúc chúng ta đang sống đây và ngày giờ Ðức Ki-tô quang lâm thật là ngắn ngủi. Do đó, chúng ta không thể sống bám chặt lấy những thực tại trần thế và coi đó là cùng đích, nhưng trái lại, cần phải cảnh giác nhận định giá trị tương đối của thực tại ấy và làm như phương tiện để giúp chúng ta đạt tới giá trị tuyệt đối là chính Thiên Chúa.

          Thời gian là một đặc tính nói lên giá trị. Cuộc sống tạm đời này so với cuộc sống vĩnh cửu chỉ có giá trị tương đối vì thời gian của nó ngắn ngủi và thay đổi. Sự sống đời này là phương tiện để tiến tới sự sống vĩnh cửu, chuẩn bị cho sự sống mai sau.

 

b)Não trạng Ki-tô hữu về thời gian nói lên hai chân lý:

          - Sự ngắn ngủi của cuộc sống: khi khẳng định "thời gian chẳng còn bao lâu," thánh Phao-lô hiểu thời gian này là lúc Ðức Ki-tô quang lâm. Dù việc Chúa quang lâm có thể không xảy ra lúc chúng ta còn đang sống, nhưng giờ chết của chúng ta chắc chắn sẽ đến và ngày ấy chúng ta sẽ phải đứng trước tòa phán xét của Ðức Ki-tô. Ý thức sự ngắn ngủi của cuộc sống có thể ảnh hưởng đến lối sống. Nếu chỉ là "chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì theo sau!" thì đúng là mới nhận ra thời gian ngắn ngủi của mình thôi mà quên rằng ngay sau đó là thời gian của Chúa, thời gian Người phán xét chúng ta. Não trạng của nhiều người hôm nay là não trạng hiện sinh, hưởng thụ, vịn vào lý do thời giờ ngắn ngủi để hô hào cho lối sống trác táng và vô luân.

          - Tính cách tạm bợ của cuộc sống: "Bộ mặt thế gian này đang biến đi." Nêu lên một số sinh hoạt cơ bản của con người, thánh Phao-lô đã diễn tả thế nào là "bộ mặt thế gian," thế nào là cuộc đời. Cuộc sống có những lúc vui vẻ hạnh phúc, những khi ngậm đắng nuốt cay, những ngày huy hoàng tiền bạc, tha hồ mua sắm, hưởng thụ, rồi những ngày kinh tế tuột dốc hoặc thất nghiệp dài dài, phải bán xe, để cho nhà băng xiết nhà. Ðúng là bộ mặt thế gian này đang biến đi, lui dần vào dĩ vãng. Bạn bè cùng học ngày xưa, sau khi ra trường mấy năm còn lại mấy người? Các hội cựu học sinh không đủ khả năng ràng buộc họ với nhau..., cùng lắm chỉ còn là một hội để các trường học kiếm tiền tài trợ cho trường!

          Ðiểm quan trọng tuy thánh Phao-lô không nói ra nhưng muốn chúng ta phải nghĩ tới, đó là nếu bộ mặt thế gian này đang biến đi thì sẽ còn lại cái gì? Tất cả thế giới của tôi đi dần vào dĩ vãng, nhưng sẽ đưa tôi tiến đến mỗi ngày một gần hơn cái gì trước mặt? Sa lầy trong những vật chất tạm bợ, hay là tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát? Ðến gần Chúa Ki-tô và anh chị em, hay là cứ để mình bị giam hãm trong cái tôi ích kỷ? Tóm lại, chúng ta cần phải nhận ra những gì có giá trị tuyệt đối và vĩnh cửu, tức là sự sống đời đời với Thiên Chúa. Chúng ta phải đặt lại vấn đề về ý nghĩa cuộc đời: sống là Chúa Ki-tô.

 

c)Vậy phải sống thế nào với não trạng Ki-tô về thực tại trần thế?

          Thoạt mới đọc lời khuyên của thánh Phao-lô: "hãy sống như... hãy làm như..." chúng ta dễ hiểu lầm ngài muốn nói đến một cách sống giả vờ. Cô vợ kè kè bên cạnh mà lại bảo như không có! Nước mắt nước mũi đẫm cả mặt mà lại nói là không khóc! Cái xe Lexus đậu chình ình trước nhà để cho thiên hạ lé mắt và mình ngồi êm ru mà lại bảo là không hưởng! Thế là chúng ta hiểu sai ý của Phao-lô rồi. Ngài không chối bỏ những thực tại trần thế. Nhưng ngài bảo: ngoài những thực tại ấy, chúng ta đừng quên những thực tại khác, có giá trị cao hơn hoặc tuyệt đối. "Như không có, như không hưởng" có nghĩa đây không phải là cùng đích, không phải là vĩnh cửu, mà chỉ là những trang bị cuộc đời để giúp chúng ta trở về với Ðấng Tạo dựng. Trái lại, sống "như là có vĩnh viễn, như là hưởng hoài không bao giờ mất" mới thực sự là sống giả vờ, vì mình đã biết rõ dù đến tóc bạc răng long thì vợ mình cũng phải lìa trần, chuyện buồn rồi cũng qua đi, cái xe cái nhà cũng cũ mèm...! Ðừng lẫn lộn phương tiện với cứu cánh.

          Não trạng Ki-tô về thực tại trần thế đã thay đổi lối sống của biết bao người. Có người đã để lại kinh nghiệm về sắp đặt lại bậc thang giá trị cuộc đời mình, loại bỏ đi "những quyến luyến lệch lạc", thí dụ như thánh I-Nhã thành Loyola. Có người đã nhận ra ưu tiên nhu cầu giúp đỡ những người nghèo khổ nhất và đã hy sinh cuộc đời mình để phục vụ tha nhân, như Mẹ Tê-rê-xa. Còn rất nhiều không sao kể hết. Nhưng còn tôi?

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðặt lại ý nghĩa cuộc đời có phải là một câu hỏi để tôi hồi tâm mỗi ngày không? Tôi có luôn luôn hỏi đời mình có ý nghĩa gì không? Những gì giúp tôi thấy là có ý nghĩa, hoặc những gì khiến tôi thấy là đời vô nghĩa?

          "Những quyến luyến lệch lạc" nào làm cho tôi không nhận ra được giá trị vĩnh cửu của đức tin? của đời sống thiêng liêng? của phục vụ và bác ái?

          Thánh Phao-lô nói: "Vậy từ nay..." Khi nào mới là "từ nay..." đối với tôi? Còn quá sớm hay bắt đầu muộn rồi? Tôi có kế hoạch gì để thay đổi não trạng và lối sống?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

"Lạy Chúa, xin dạy con vững bước trong đêm trăng mờ ảo hay ngày sáng rạng ngời.

Xin dạy con nhìn phía trước, đừng lầm lẫn những gì của ngày mai với hôm qua.

Xin dạy con cùng Ngài làm nên ngày mới, đừng tích tụ hoa tàn nhụy rữa bên lối cũ đường xưa.

Xin dạy con mở toang những vách ngăn thành cánh cổng của một lộ trình mới."

                             (ÐHY Roger Etchegaray, trích trong RABBOUNI, lời nguyện 75)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà