CHÚA NHẬT XXXIII
THƯỜNG NIÊN


Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

Tối 31.10 tôi rời Houston như dự định. Máy bay Continental đưa tôi đến San Francisco vào lúc 9g 15 tối giờ địa phương. Và 0g 55 máy bay tiếp tục cất cánh về Taipei. Chúng tôi tới Taipei vào lúc 6g 15 sáng 2.11.2000 giờ địa phương, sau gần 14g vượt biển Thái Bình Dương. Lẽ ra chuyến bay phải tiếp tục vào lúc 9g 15 giờ địa phương, nhưng phải đình lại ngày hôm sau: Ðài Loan mới trải qua cơn bão lớn : một máy bay rớt ngay khi cất cánh : nghe nói trên 60 người thiệt mạng. Chúng tôi ở khách sạn và gặp rất nhiều tốp thân nhân những nạn nhân từ Singapore tới, với sự đau đớn không gì chia sẻ được.

Ở khách sạn vào bậc lớn ở Ðài Bắc này, nhà hàng cũng tổ chức theo lối ăn tự chọn ở Mỹ. Tôi hay đùa gọi là lối ăn của những người có của, nhưng không có giờ ăn. Nhiều người cũng về VN bằng hãng EVA tỏ ra bất mãn về cung cách xử lý của hãng này. Riêng tôi khi mua vé khứ hồi tại văn phòng của Hãng ở TPHCM, vì không định được ngày trở lại VN, nên vé để OPEN, nghĩ rằng khi check in ở điểm bắt đầu chuyến về, sẽ được hãng có trách nhiệm để đăng ký toàn bộ chuyến bay. Nhưng sự việc không như thế. Hóa ra nếp sống văn minh của trời Tây ngoài cái giá trị khoa học, kỹ thuật, làm ra nhiều của cải cũng không đồng nghĩa với việc hoàn thành nhân cách con người.

Vì đang trên đường bay, tôi không có sẵn các bài đọc CN XXXI, nhưng thường chủ đề phụng vụ hướng về ngày cánh chung trong những tuần cuối năm. Một đề tài cũng thật gần những gì tôi đang chứng kiến ở đây.
Bởi vì, trong những ngày trên đất Mỹ cũng có người đã so sánh những diễn biến của xã hội Mỹ đương đại với thời đế quốc Roma suy thoái : Những công trình tiêu biểu và vĩ đại xem ra là những công trình phục vụ cho sự tha hóa con người với những danh xưng thật đẹp : người ta bảo, đến Mỹ mà không tới Las Vegas thì không hiểu gì về Mỹ cả. Ðấy là cách tiếp thị Las Vegas của những con người hoàn toàn thấy xã hội Mỹ quả thật là ngọn đuốc tự do, nhân đạo và bác ái.

Từ cái tâm trạng kiêu hãnh về những công trình tha hóa ấy, đời sống luân lý không còn theo chuẩn mực khách quan , mà chỉ cần né tránh được những luật lệ xã hội. Các mệnh phụ phu nhân thời Roma rực rỡ ấy đã chẳng từng đăng ký là khách làng chơi trong một kỹ viện, để hợp thức hóa những cuộc tình sôi nổi đó sao. Người ta sợ chiến tranh, quân đội không còn lính tự nguyện, người ta phải bỏ tiền quốc khố để thuê dân man ri làm lính đánh thuê. Cũng vào thời điểm ấy, cái học thuật của Roma, không còn được tổ chức và soi sáng bởi triết học nữa, mà nó chạy theo cái hoa mỹ của văn từ...làm đồi trụy cái lý nơi con người, và thúc đẩy cái dục nơi họ.

Roma, cuối cùng đã bị chôn vùi trong chính cái hố nó tốn kém tự đào sâu cho mình. Chính dân man-ri đã trở nên chủ nhân ông của đất nước. Ðó là cánh chung của Roma? Có thể nói như vậy khi nhìn vào tập đoàn lãnh đạo thế lực Roma. Tập đoàn ấy cùng bị chôn vùi rồi. Nhưng Roma vẫn còn đây trong những tinh hoa của nó. Sự tồn tại có được thật là trớ trêu lại là nhờ ở tập thể bị chính Roma khai trừ khỏi thành đô ánh sáng: những người Kitô mà suốt 300 năm từ lúc chào đời cho đến lúc Roma diệt vong luôn bị truy nã bách hại. Chính nhờ cái giáo hội bị coi là kẻ thù của văn minh Roma ấy đã cứu cho nền văn minh ấy tồn tại trong nhân loại. Và khi văn minh không còn là cái công cụ cho tập đoàn quyền lực để khống chế xã hội, văn minh mới đạt tới những chiều kích phục vụ con người.

Roma đã làm ra một thế hệ con người tự đào hố chôn mình. Tôi cũng có cái cảm tưởng như vậy khi nhìn vào Las Vegas, nhìn vào các võ đài, nhìn vào các giải người mẫu, người đẹp, những giải thể thao...

Ngày cánh chung như vậy, không phải là ngày do chính con người là một tác viên chính hay sao? Trong ý nghĩ ấy, Ðức Giêsu đến là con người đã mở ra cho chính mình ngày cánh chung độc nhất hoàn toàn khít khao với hành động cứu độ của Thiên Chúa. Và Người quy tụ chúng ta trong Giáo Hội với cùng một lối sống như thế. Ngày cánh chung nằm trong chính đôi tay con người nhờ Ðức Giêsu vậy.

Có điều là lối sống như vậy luôn nằm bên lề xã hội tự hãnh về văn minh của mình, câu chuyện chỉ là thế, vượt ra khỏi cái khung tù hãm ấy, con người mới thấy một cánh chung hy vọng.


Trở Về Mục Lục