SỨC MẠNH TÌNH YÊU !

Chúa Nhật Phục sinh

 

Nhân loại hôm nay vẫn xôn xao đi tìm hạnh phúc.   Đã có nhiều người vẫn cứ tưởng hạnh phúc nằm trong thực tại trần gian.   Nhưng hạnh phúc vẫn vuột khỏi tầm tay.   Chỉ có Đấng Phục sinh mới mạc khải cho mọi người biết hạnh phúc nằm ở đâu.

 

 CÒN MỘT CHÚT GÌ

Sau ba năm vất vả gầy dựng cộng đoàn niềm tin, Đức Giêsu đã hoàn toàn trắng tay.  Công xây dựng bao năm một sớm một chiều tan thành mây khói.  Bao nhiêu giây phút dặn dò, tâm sự đều trôi vào hư vô.  Bao nhiêu tin tưởng đã tan thành mảnh vụn.  Bằng chứng, vào giây phút nguy khốn nhất, các môn đệ đã bỏ trốn hết.   Niềm tin đặt nơi con người nguy hiểm chừng nào !   Cái chết thể xác chỉ là dấu chỉ băng hoại của niềm tin bấy lâu tưởng đã bén rễ và vươn lên.

Khi chọn các môn đệ, chắc chắn Đức Giêsu rất sáng suốt.   Nhưng Chúa không dùng quyền năng để phá hủy tự do con người.  Tự do cộng với nhát đảm có thể sinh ra phản bội.  Ngay cả khi tỏ ra khẳng khái nhất trong các tông đồ, Phêrô vẫn không che dấu nổi sự hèn nhát.   Trong biến cố đau thương nhất cuộc đời, Đức Giêsu muốn mạc khải Người lệ thuộc ai.   Chắc chắn con người không thể là điểm tựa.  Bởi vậy, cho dù tất cả đều bỏ cuộc, Đức Giêsu vẫn kiên cường đứng vững.   Đối với Chúa, chẳng ai là quan trọng cả !   Công cuộc cứu độ tùy thuộc một mình Thiên Chúa mà thôi.  

Điểm tựa duy nhất của Đức Giêsu chính là tình yêu Thiên Chúa.  Tình yêu Thiên Chúa không hề vơi bớt chút nào trong suốt cuộc đời Đức Giêsu.   Bởi thế, Người tin tưởng mãnh liệt và hiên ngang lên đường đi Giêrusalem nộp mạng.   Tình yêu sẽ phục hồi tất cả và làm nên tất cả.   Chính “Thiên Chúa (là tình yêu) đã làm cho Người trỗi dậy.” (Cv 10:40)   Bởi đó, tình yêu có một sức mạnh lạ thường !  Từ ngàn xưa, chính tình yêu đã tự vẽ đường cho mình.   Thật vậy, “tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người” (Cv 10:43) như một Đấng chết vì tình yêu và cho tình yêu.  

 

Không những có các chứng nhân quá khứ, tình yêu còn chuẩn bị những chứng nhân tương lai đẩy mạnh niềm tin nhân loại vào mầu nhiệm tình yêu nơi biến cố Đức Giêsu Phục sinh.   Thiên Chúa “cho Người xuất hiện tỏ tường trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.” (Cv 10:41)   Từ nay, mọi người sẽ thấy ơn cứu độ chỉ tùy thuộc vào một người duy nhất là Đức Kitô.  Thực vậy, “phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội,” (Cv 10:43) nghĩa là được hòa giải với Thiên Chúa và chia sẻ gia sản Thiên quốc với Đức Giêsu. 

 Chỉ tình yêu mới có sức mạnh biến thù thành bạn !  Không những thế, từ nay một sức sống mới đã ùa vào nhân loại.   Thật vậy, tận chiều sâu con người, “sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.” (Cl 3:3)   Sự sống đã trào vọt lên từ nguồn mạch Phục sinh của Đức Giêsu.   Sự sống ấy không tự nhiên chiếm hữu được. Nhưng từ cõi chết “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô,” (Cl 3:1) nhờ sức mạnh tình yêu Thiên Chúa.   Chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa đang làm những việc kỳ diệu trong Giáo hội và khắp thế giới.  Hơn nữa, tình yêu luôn hướng con người lên cao.  Bởi thế, “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa,” (Cl 3:1)    Từ nơi đầy sức mạnh tình yêu đó, Đức Giêsu sẽ làm cho vạn vật được phục sinh trong ánh sáng của Người.

 

CHỨNG TỪ TÌNH YÊU.

 

Nhìn vào cuộc sống với bao nhiêu thứ tin tưởng hiện tại, chúng ta thấy tình yêu vẫn còn là một sức mạnh áp đảo trước những cơ chế văn minh vật chất.  Giáo hội vẫn hiện diện như một dấu chỉ cho mọi người biết con đường giải thoát ở đâu.  Ngày nay, như Maria Mácđala, con người vẫn thắc mắc : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu ?” (Ga 20:2)   Nhiều người vẫn còn tin Chúa nằm chết trong mộ.  Nhiều tín hữu vẫn trình bày cho mọi người như thể Đức Giêsu chưa bao giờ trỗi dậy.  Nhưng “theo Thánh Kinh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20:9)  Phải, chỉ khi nào sống theo Lời Chúa, mới có thể làm chứng Đức Giêsu đã Phục sinh !  Ngày nay, cũng như ông Simôn Phêrô, nhân loại đi vào Giáo hội như “đi thẳng vào trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu.” (Ga 20:6)  Một cái nhìn quá cơ chế như con mắt Phêrô dễ làm lạc hướng con tim muốn khám phá Đức Giêsu đang Phục sinh trong từng mạch sống và hơi thở thiên nhiên và lòng người.  Có thể người ta thấy Giáo hội rất có tổ chức và trật tự.   Nhưng họ không như Gioan.  “Ông đã thấy và đã tin.” (Ga 20:8)   Oâng thấy cái gì và tin cái gì ?   Oâng thấy mọi sự như Phêrô.   Nhưng ông tin Đức Giêsu đã từ cõi chết trỗi dậy, vì ông là môn đệ đã nằm sát ngực Đức Giêsu.  Chỉ có con tim mới đọc được ý nghĩa của những bằng chứng tình yêu. 

Nhân loại đang cần những con tim hơn những khối óc !   Văn minh cực kỳ như thế giới hôm nay, vẫn còn hằng triệu người đau khổ vì anh em đồng loại.  Trên thế giới hiện tại vẫn còn trên 200 triệu Kitô hữu đang bị bách hại và hằng tỉ người nghèo đói vì cơ chế bất công vàsự thờ ơ hay thù ghét của đồng loại.   Bao giờ chúng ta mới có thể cùng mở hội ăn mừng đại lễ Phục sinh “bằng bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật.” (1 Cr 5:8) giữa một thế hệ gian tà và bất công này ?   Bao giờ mới có thể vùng dậy khỏi thế giới hạn hẹp, trần tục này để “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3:1) ?      Thế giới đang thèm khát hòa bình.  Chính Đức Giêsu Phục sinh đã trả lại niềm hi vọng lớn lao cho nhân loại khi nối kết con người với Thiên Chúa và tha nhân.

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C