TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG.

 

Chúa Nhật 4C Phục Sinh.

 

 

Làm sao tìm được hướng đi giữa trăm ngàn nẻo đường hôm nay ?   Tìm đâu ra người mục tử có khả năng giúp quần chúng đi đúng hướng ?    Bao nhiêu hiểm nguy đang chờ đón bước chân đoàn chiên.  Nhưng đoàn chiên vẫn không sợ.   Tại sao ?

 

GIỮA HAI BÀN TAY.  

 

Đoàn chiên không sợ vì đã đón nhận được tất cả lòng yêu thương trìu mến và bảo đảm vững chắc nhất.   Chính Mục tử bảo đảm : “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.   Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.” (Ga 10:28,29)   Được hai bàn tay uy quyền đó nâng đỡ, hỏi ai có thể làm chi được đoàn chiên ?   Đúng là người tin theo Chúa được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.”  Đó là hai thành trì vững chắc nhất che chở đoàn chiên khỏi những giông tố trần gian.   Sở dĩ họ có thể lọt vào khoảng giữa hai bàn tay uy quyền đó, vì Chúa Giêsu quả quyết : “Cha Tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả.” (Ga 10:29)      Con chiên thuộc về vị Mục tử vì đã nằm trong kế hoạch vĩnh hằng của Thiên Chúa.  Uy quyền Chúa bao trùm cả vũ trụ.   Phán quyết của Người tuyệt đối.  Bởi vậy, không một nỗi lo sợ nào có thể lọt vào trong trái tim con chiên. 

 

Đoàn chiên thuộc quyền sở hữu của Chủ chiên, là gia tài Chúa Cha trao phó vào tay Chúa Con.  Chính con chiên là tặng phẩm quí báu nhất Chúa Cha trao vào tay Chúa Con.   Một trong những dấu chỉ cho thấy Chủ chiên hoàn toàn làm chủ và kiểm soát được đoàn chiên, đó là “tôi biết chúng.” (Ga 10:27)    Người làm chủ không phải để thống trị, nhưng để bảo vệ, chăm sóc, yêu thương và đùm bọc đoàn chiên.   Khác hẳn các mục tử Ítraen, “những người chỉ biết lo cho mình, mà không chăn dắt đàn chiên của Ta,” (Ed 34:9)  Đức Giêsu luôn lấy uy quyền toàn năng nâng đỡ đoàn chiên.   Vì hiểu biết, nên Chúa sẽ vận dụng tối đa quyền năng để ngăn ngừa đoàn chiên khỏi mọi đau khổ,ø sự dữ và hiểm nguy đang vây bủa chung quanh.  

 

Nguy hiểm trước tiên cần phải ngăn ngừa đó là những tiếng gầm gừ của thú dữ, hay những lời đầy quyến rũ đang cố lấn át tiếng gọi thân thương của Chúa.  Có những tiên tri giả nhái tiếng Chúa y hệt, làm sao con chiên có thể phân biệt được ?   Nhưng Đức Giêsu quả quyết : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi.” (Ga 10:27)   Sở dĩ không nghe được tiếng Chúa, vì họ “không thuộc về đoàn chiên của tôi.” (Ga 10:26)   Thuộc về đoàn chiên của Chúa nghĩa là tin theo Chúa.  Quả thực, không có niềm tin, không thể thấy được như Chúa.  Không tin, cũng không thể giải thích được tại sao có nhiều người ăn ngay ở lành suốt đời nhưng vẫn gặp toàn đau khổ, tai họa và nghèo đói.   Trên đời không ai “hiền lành và khiêm nhường” như Đức Giêsu.   Với con mắt bình thường, người ta cũng thấy không ai đau khổ và xui xẻo như Chúa.  Chết oan ức vì những phán quyết bất công trong khi cuộc đời đang lên như gió.  Chắc chắn Đức Giêsu phải được Chúa Cha yêu thương đặc biệt hơn mọi người, vì chính Chúa Cha đã xác nhận : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn.” (Lc 9:35)  Cứ sự thường Người phải được bảo vệ chặt chẽ khỏi mọi đau khổ và hiểm nguy.   Thế nhưng, Người đã đón nhận cái chết tất tưởi trên thập giá giữa bao lời chế nhạo, khinh chê và chửi rủa.   Cái chết của Người không phải là một bằng chứng bất lực của tình yêu Thiên Chúa.   Thực vậy, Thiên Chúa đã chứng tỏ quyền năng vô hạn nơi cuộc phục sinh của Đức Giêsu.   Phục sinh chính là đối tượng của lòng tin chứ không phải của khoa học.  Nói khác, chỉ có niềm tin mới thấy được quyền năng Thiên Chúa nơi những nghịch lý cuộc đời hôm nay.   Có tin, mới có thể phóng tầm nhìn xa hơn cõi đời này, để thấy việc theo Chúa hôm nay là hợp lý, vì Chúa quả quyết : “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong.” (Ga 10:28)   Phục sinh chính là một bảo đảm cho cuộc sống đích thực. 

 

Không phải đợi tới sau khi chết, cuộc sống đời đời mới xuất hiện.  Ngay từ bây giờ, Thiên Chúa “đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác phải chết của anh em được sự sống mới.” (Rm 8:11)  Sự sống mới đó chính là sự phục sinh do Đức Giêsu thực hiện nơi những ai đặt trót niềm tin vào Người.   Thực vậy, Đức Giêsu chia sẻ một quyền bính với Chúa Cha, khi quả quyết : “Tôi vàChúa Cha là một.” (Ga 10:30)  “Lời này hé mở một sự hợp nhất rộng hơn và sâu xa hơn (x.8:29; 10:38; 14:10; 17:11,21,22,23)” (TKTƯ 1995:440)   Ở đây Đức Giêsu quả quyết  “Người chia sẻ trọn vẹn công việc của Thiên Chúa.  Thiên Chúa chia sẻ quyền hành Thiên Chúa với Đức Giêsu trên sự chết, sự sống và phán xét thời cánh chung.” (NIB 1995:677)  Nếu Chúa Cha đã có thể dùng Thần Khí phục sinh Chúa Con, chắc chắn Chúa Con cũng có thể phục sinh những người tin vào Chúa bằng chính Thần khí đó.  Đó là một bằng chứng “người tín hữu cũng được thông phần vào vinh quang mà Đức Giêsu có do Chúa Cha sau cái chết của Người.  Họ cũng trở thành nơi vinh quang của Đức Kitô tỏ hiện.” (TKTƯ 1995:472)   Đó là lý do tại sao, các thánh tử đạo vẫn reo vang niềm vui phục sinh giữa rừng gươm giáo gậy gộc.  

 

Tất cả đều bắt nguồn từ mạc khải : “ Chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17:23)  Tình yêu được chia sẻ trọn vẹn và chan hòa đến các tín hữu.  Nhưng ai sẽ là tín hữu ?   Phải chăng là con cháu Abraham như  Thiên Chúa tiền định ?  Ông Phaolô đã nói thật với người Do thái, những người vẫn tự hào là con cái Abraham : “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại.” (Cv 13:46)   Thế là từ nay, những người cứ tưởng được tiền định lại bị lọt sổ.   Còn những người tưởng bị lên án, lại được Thiên Chúa xót thương.   Thực ra, tất cả không ra ngoài đường lối quan phòng đầy yêu thương của Chúa.   Thánh Phaolô xác tín : “vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này : Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.” (Cv 13:47)   Biên giới Nước Chúa không đóng khung trong dân tộc Do thái, nhưng mở rộng tới khắp tứ phương thiên hạ.  Việc truyền giáo cho dân ngoại đã phát triển rất nhanh nhờ người Do thái khước từ Tin Mừng (Rm 11:11tt).   Họ “ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ.” (Cv 13:50)    Nhờ rảnh tay với đồng bào, vị Tông Đồ dân ngoại đã dồn hết nỗ lực cho muôn dân.  Đúng hơn, “nhờ Thánh Linh hướng dẫn Giáo hội, lệnh truyền của chính Đức Giêsu (Cv 1:8) và sứ mệnh tiền định của Phaolô đã được hoàn thành (9:15)” (Faley 1994:326)   Chính vì thế, thay vì buồn tủi vì sự ngược đãi của anh em, “các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.” (Cv 13:52)   Nhờ đó, các ông mới đủ nghị lực và hăng say đến với dân ngoại.   Từ nay Dân Chúa “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ.” (Kh 7:9)   Dù vậy, Nước Chúa không bị lệ thuộc bất cứ nền văn hóa hay dân tộc nào.

 

PHỤC VỤ CON NGƯỜI.

 

 

Làm sao có thể phục vụ nhân loại trong một chiều kích lớn lao đó ?  Mọi người sống trên mặt đất đều là con của đất.   Nhưng thử hỏi mẹ đất có được đôi bàn tay như Thiên Chúa nâng đỡ con người không ?   Noi gương Thày chí thánh, Giáo hội không ngừng tìm cách làm cho đôi bàn tay Mẹ đất cũng có một vẻ đẹp giống như bàn tay Cha trên trời.  Vì con người cũng là hình ảnh của Cha trên trời, là con Thiên Chúa như Đức Giêsu.   Bởi thế, con người là một tặng phẩm cao quí đáng được cả bàn tay Thiên Chúa lẫn mẹ đất chăm sóc.  Sống giữa trăm ngàn khổ đau, con người cần phải được cứu độ, để những giá trị cao cả không bị vùi lấp đi với thời gian. Muốn thế, một mình Giáo hội không đủ khả năng.   Bởi vậy, Giáo hội không ngừng kêu gọi mọi người thiện chí hợp tác để đem lại cho thế giới một nền hòa bình và ấm no thực sự.

 

Nỗ lực đó đòi nhiều thời gian và phải bắt đầu từ sự kiên trì giáo dục con người.   Góp phần đào tạo con người, “nhà trường Công giáo nên là ‘những cộng đồng đức tin và phúc âm hóa năng động.’  Vào thời các bạn trẻ phải đối diện với một tương lai bất định vì sự toàn cầu hóa, văn hóa đảo lộn, chủ thuyết luân lý tương đối, và sự sụp đổ đời sống gia đình, nền giáo dục Công giáo nên cung cấp cho học sinh một cơ hội ‘đạt đến sự trưởng thành về nhân bản, luân lý, và thiêng liêng.  Nhờ được trang bị đặc tính kiên cường đó, chính các học sinh có thể trở thành những người tham gia tích cực vào việc tạo nên một thế giới công lý và hòa bình hơn.’” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 30/04/2001)   Không có một cái nhìn trung thực về con người không thể đào tạo con người theo chiều hướng tốt đẹp đó.   Thực vậy, nếu bị tha hóa vì những nhu cầu kinh tế và chính trị, làm sao con người có thể thấy được giá trị đích thực nằm sâu trong nhân tính và hoạt động nhân loại ? Ngay từ nhỏ nếu không được đào luyện theo hướng trung thực nhằm phục vụ nhân loại hữu hiệu hơn, làm sao con người có khả năng nhìn thấy nhu cầu lớn lao của người khác ?  Nếu được đào luyện trong một văn hóa cứng ngắc và chật hẹp, chắc chắn con người không thể thấy hết những chiều kích đích thực của con người.   Do đó, một cái nhìn hạn hẹp có thể giết chết con người và phá hủy xã hội.

 

Nhưng nếu đẩy con người lên mức toàn cầu hóa mà cũng chỉ giới hạn trong những phát triển kinh tế và kỹ nghệ, con người vẫn không thể phục vụ đúng mức.   Chỉ lo tới việc phát triển những giá trị thị trường, tất nhiên chính con người có thể bị quên lãng.   Chỉ phục vụ phương tiện, còn cứu cánh là con người lại bị bỏ rơi hay chà đạp.   Bởi đấy, “tiến trình toàn cầu hóa phải được ‘kiểm soát’ để kìm hãm những lạm dụng.  Việc toàn cầu hóa không thể trở thành một hình thức tân thuộc địa.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 27/04/2001)   Nhân loại đã quá đau khổ vì những chính sách thuộc địa đầy tham vọng trong quá khứ.   Không thể để bóng ma đó lại đè bẹp tương lai nhân loại.   Nói khác, việc toàn cầu hóa có thể loại trừ những nước kém mở mang và dành ưu đãi cho những nước phát triển.  Cộng đồng nhân loại cũng như cộng đồng dân Chúa không thể dành ưu đãi cho bất cứ hạng người nào.  Mọi người đều bình đẳng vì đều được Thiên Chúa yêu thương.

 

Muốn đạt được mức tiến bộ thực sự trong việc toàn cầu hóa, mọi người phải lấy con người làm gốc.   Muốn thế, “các nhà lãnh đạo phải ‘đặc biệt chú ý tới những hàm ẩn luân lý’ trong tiến trình toàn cầu hóa.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 27/04/2001)  Nếu không, tất cả tương quan xã hội đều qui về các yếu tố kinh tế.   Nói khác, “thị trường đã áp đặt lối suy nghĩ và hành động của nó, và ghi dấu bậc thang giá trị của nó trên cách cư xử.  Những người tùy thuộc vào đó thường thấy thị trường như một nạn lụt phá hoại, đe dọa những qui luật xã hội và văn hóa đã hướng dẫn họ trong cuộc sống. ” (ĐGH Gioan Phaolô II, VietCatholic 1/5/2001)   

 

Tuy thế, việc toàn cầu hóa “ngày càng gia tăng việc hủy bỏ những rào cản di dân, chuyển vốn và hàng hóa.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 27/04/2001)    Chỉ cần một chút ý thức và kiểm soát, việc toàn cầu hóa có thể trở nên hoàn hảo và ích lợi cho nhân loại.  Tự bản chất “việc toàn cầu hóa không tốt không xấu.   Nó sẽ trở thành cái gì tùy nhân loại” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 27/04/2001)  có biết xây dựng  việc toàn cầu hóa trên nguyên tắc tôn trọng con người và những khác biệt văn hóa giữa các dân tộc hay không.  Phải chăng toàn cầu hóa là cơ hội lớn Chúa mở ra cho Giáo hội đến với muôn dân như thánh Phaolô xưa ?   Giáo hội cần phải mở tung nhãn giới để lợi dụng cơ hội phục vụ nhân loại ngày càng hữu hiệu hơn.   Biết đâu trên bước đường toàn cầu hóa, nhiều con chiên sẽ có cơ hội “nghe tiếng Chúa” và “theo Chúa” để hưởng tất cả những êm dịu của bàn tay Thiên Chúa toàn năng !   Phải chăng đây là lúc Thiên Chúa “sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng,” (Ed 34:13) để vui hưởng cảnh hòa bình ?!

 

 

Lm. Giuse Đỗ vân Lực, OP

 

 

 

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C