CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm C

Lc 3, 15-16.21-22

 

SỰ KHIÊM NHƯỢNG TUYỆT ĐỈNH

 

Không ai hiểu được thánh Gioan Tẩy Giả rửa tội cho Chúa Giêsu bằng cách dìm Ngài xuống nước hay lấy nước đổ trên đầu Ngài ? Tuy nhiên, nói gi thì nói nhưng việc Chúa Giêsu chịu phép rửa bởi tay ông Gioan tẩy giả cũng nói lên con người khiêm hạ thẩm sâu của Chúa Giêsu. Đấng sẽ rửa người ta trong Thánh Thần và nước lại cúi rạp mình chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả. Vấn đề không phải là dìm hay rửa, hay xối nước lên đầu của Chúa mà nói lên ý nghĩa và giá trị của việc ông Gioan Tẩy Giả làm cho Chúa Giêsu. Tin Mừng nhất lãm đều đồng loạt ghi lại:” Đây là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người”. Thì ra Chúa Giêsu khi khiêm hạ chịu phép rửa sám hối, Ngài được Thiên chúa Cha tôn vinh.

PHÉP RỬA CỦA GIOAN TẨY GIẢ : Phép rửa của Gioan đang làm trong dòng sông Giođăng là phép rửa thống hối, dành riêng cho các tội nhân. Đọc Tin Mừng nhất lãm chúng ta sẽ hiểu rõ câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa. Quả thế, cả ba Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca đều diễn tả chi tiết về việc Chúa xếp hàng cùng với đoàn người xin Gioan làm phép rửa cho mình. Chúa Giêsu là Đấng đại thánh, đáng lẽ không cần phải xin Gioan rửa tội cho mình. Gioan cũng hiểu điều đó. Do đó, Gioan đã nói với Chúa Giêsu:” Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa nhưng Ngài lại đến với tôi “. Chúa Giêsu muốn làm như thế để chứng tỏ lòng tuân phục tuyệt đối ý Chúa Cha. Chúa Giêsu là Đấng công chính. Ngài không cần phải được thanh tẩy vì Ngài hoàn toàn trong sạch, thánh thiêng. Chúa Giêsu hoàn toàn làm theo ý Chúa Cha. Do đó, Thiên Chúa đã long trọng tuyên bố Chúa Giêsu là con yêu dấu của Ngài. Người Cha nào cũng sung sướng và hài lòng khi con làm theo ý của mình. Làm được điều này điều nọ không quan trọng bằng việc làm theo ý của Cha khi người hiểu ý của Cha và tuân theo ý của Cha.

PHÉP RỬA TỘI CỦA CHÚA GIÊSU LÀM TA NHỚ LẠI VIỆC RỬA TỘI CỦA MỖI NGƯỜI CHÚNG TA : Chúa Giêsu lãnh nhận bí tích rửa tội gợi cho ta nhớ lại phép rửa tội ngày chúng ta được rửa tội. Rửa tội là chúng ta được làm con cái Chúa và con cái của Giáo Hội. Tuy nhiên,  chúng ta có trở nên người con dấu yêu và làm hài lòng Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc thái độ của con người. Ta có lắng nghe tiếng Chúa, hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa hay không? Đức Giêsu Kitô đã tự hạ, cúi mình thẩm sâu để làm theo ý Chúa Cha. Chiêm ngắm Đức Kitô tự ha là chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu:” một tình yêu sâu thẳm, vô biên”. Tình yêu hiến thân để cứu độ mọi người. Chiêm ngắm Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha nơi dòng sông Giođăng, chúng ta hiểu thế nào là tình yêu hiệp thông :” Con là Con của Cha. Hôm Nay, Cha đã sinh ra con”( Lc 3,22 ). Được rửa trong Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng ta trở nên hiệp nhất với Thiên Chúa Ba Ngôi. Mỗi người chúng ta được mời gọi lên đường phục vụ, sống yêu thương và chia sẻ với hết mọi người trong Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.

Đức Giêsu, Đấng thánh tuyệt đối lại chịu hóa thân làm kiếp người. Phép rửa của Chúa Giêsu mời gọi mỗi người lên đường phục vụ và chia sẻ Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Được làm con của Chúa, chúng ta liệu có phải là” con chí ái “ của Chúa hoặc được Chúa hài lòng hay không, tất cả đều tùy thuộc xem chúng ta có tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý của Ngài hay không ?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn yêu mến phép rửa chúng con đã lãnh nhận và luôn luôn tìm ý Chúa, đồng thời thực hiện ý của Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C