Chúa Nhật II mùa Chay

(Lu-ca 9: 28b-36)

 

          Biến cố Chúa Giê-su biến đổi hình dạng có quan hệ chặt chẽ với sứ mệnh cứu độ của Người, nhưng lại được ba thánh sử Tin Mừng thuật lại qua những chi tiết đặc biệt để làm nổi bật những khía cạnh khác nhau của sứ mệnh ấy.  Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến cuộc Xuất hành và vinh quang rạng ngời của Chúa Giê-su như một mời gọi và khích lệ cho những ai muốn làm môn đệ Chúa.  Đó cũng là con đường thiêng liêng Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình bước đi theo Chúa trong thời gian đặc biệt của mùa Chay thánh.  Vậy cuộc Xuất hành của Chúa Giê-su là gì và nó sẽ đưa Người đi tới đâu?

 

1)  “Ông Mô-sê và ông Ê-li-a nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem”

 

          Trong cuộc biến đổi hình dạng trên núi, ta thấy bên cạnh Chúa Giê-su xuất hiện hai nhân vật: ông Mô-sê tiêu biểu cho Lề Luật và ông Ê-li-a tiêu biểu cho lời các ngôn sứ.  Hai vị là chứng nhân của Cựu Ước làm chứng cho sứ mệnh Đấng Mê-si-a của Chúa Giê-su.  Hoặc nói khác đi, sự hiện diện của hai vị nói cho ta biết sứ mệnh của Chúa Giê-su là đến trần gian để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Tình yêu ấy được biểu lộ qua Lề Luật Người ban cho dân Ít-ra-en và những kêu gọi nhắc nhở Người nói với họ qua các vị ngôn sứ.  Tuy nhiên, những biểu lộ tình yêu ấy vẫn chưa đủ để nhân loại hối cải và trở về với Thiên Chúa.  Do đó, giờ đây đến lúc Thiên Chúa sẽ đích thân nói với nhân loại qua Con Một của Người (Dt 1:2).  Người thực hiện kế hoạch cứu độ qua sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Theo kế hoạch ấy, Chúa Giê-su, “trưởng tử của nhân loại mới” sẽ làm một cuộc Xuất hành, dẫn đưa nhân loại về với Thiên Chúa.  Người rao giảng Tin Mừng, giúp ta nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa.  Người còn tỏ ra tình yêu của Thiên Chúa bằng những việc làm của Người như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo (Lc 4:18-19).  Cách sau cùng và cũng là cách rõ ràng nhất để nói cho nhân loại biết về tình yêu Thiên Chúa, đó là Chúa Giê-su sẽ hoàn tất cuộc Xuất hành tại Giê-ru-sa-lem.  Không phải là hoàn tất cuộc Xuất hành để làm ông vua trần gian cai trị nước Ít-ra-en, nhưng là hoàn tất cuộc Xuất hành bằng cái chết, sống lại và lên trời như lời tiên báo của các ngôn sứ về Đấng Mê-si-a.  Như thế, cuộc Xuất hành của Chúa Giê-su bắt đầu bằng mầu nhiệm Nhập Thể, tiếp tục với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và hoàn tất với mầu nhiệm Phục Sinh.

          Khi kể lại các ông Mô-sê và Ê-li-a đàm đạo với Chúa Giê-su về cuộc Xuất hành của Người, thánh sử Lu-ca muốn nói lên một diễn tiến tâm lý trong tâm hồn Chúa Giê-su trước quyết định đi Giê-ru-sa-lem.  Người nhìn thấy được phần nào những gì sẽ chờ đợi Người tại Giê-ru-sa-lem.  Một đàng là sự an toàn của cá nhân mình, một đàng là thánh ý Chúa Cha muốn Người phải sẵn sàng chịu chết để biểu tỏ tình yêu Thiên Chúa.  Quả thực là một cuộc phân định thánh ý Chúa vô cùng cam go.  Đàng khác, sự hiện diện của Mô-sê và Ê-li-a mang ý nghĩa chứng nhân Cựu Ước cũng cho ta thấy sự quyết tâm trung thành với thánh ý Thiên Chúa Cha ở nơi Chúa Giê-su rồi.  Chính lúc Người “nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (Lc 9:51) là lúc các môn đệ “nhìn thấy vinh quang của Người” (Lc 9:32; xem 9:26). 

 

2)  Ý nghĩa cuộc biến đổi hình dạng của Chúa Giê-su đối với các môn đệ

 

          Với Chúa Giê-su, cuộc biến đổi hình dạng là cuộc phân định và chọn lựa thánh ý Chúa Cha để sẵn sàng chịu chết vì phần rỗi nhân loại.  Nhưng biến cố ấy cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng cho các môn đệ Người.

          Đọc phần Tin Mừng trước biến cố này, ta nhận thấy thánh Lu-ca ghi lại việc ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.  Sau đó là Chúa tiên báo cuộc Thương khó lần thứ nhất và tiếp theo nói về những điều kiện phải có để theo Chúa.  Ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, nhưng ý niệm của ông về Đấng Ki-tô không đúng.  Cũng như mọi người Do-thái khác, ông Phê-rô chỉ có duy một ý niệm về Đấng Ki-tô là một đấng mê-si-a trần thế, cần thiết cho nước Ít-ra-en để làm cho quốc gia được độc lập và dân chúng tự do hạnh phúc.  Giờ đây cuộc đàm đạo của Chúa với ông Mô-sê và Ê-li-a giúp làm sáng tỏ ý nghĩa đích thực về sứ mệnh của Đấng Ki-tô.  Nhờ vậy, ông Phê-rô và các môn đệ Chúa biết rõ họ phải đáp lại lời gọi của Chúa như thế nào trước những điều kiện Người đã đưa ra.  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23).

          Tuy nhiên, không phải theo Chúa là đi vào ngõ cụt của đời người.  Chúa đã hé mở cho các ông thấy tương lai của họ khi Người cho họ xem thấy một chút vinh quang Phục Sinh của Người.  Nếu họ trung thành cùng chịu đau khổ với Người, họ cũng sẽ được chung phần vinh hiển với Người, như thánh Phao-lô đã từng lập đi lập lại nhiều lần.

          Tin Mừng Mác-cô cho chúng ta một hình ảnh sống động về việc theo Chúa.  Sau hai lần tiên báo cuộc Thương khó, lần thứ ba Chúa Giê-su nói với các Tông đồ:  “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư...” (Mc 10:33).  Chúa Giê-su không nói để một mình Người lên Giê-ru-sa-lem thôi.  Nhưng Người cũng muốn tất cả những ai theo Người hãy cùng lên Giê-ru-sa-lem với Người, tham dự vào cuộc Thương khó của Người.

 

3)  Cuộc sống ta là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô

 

          Hơn ai hết, thánh Phao-lô Tông đồ là người sống cuộc sống biến đổi trở nên giống Chúa Ki-tô.  Trong các thư của ngài, tư tưởng “trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” (Pl 3:10) đã trở thành nguyên lý căn bản đưa ta đến sự cứu rỗi.  Hoặc nói khác đi, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô có nghĩa là ta được cứu rỗi.

          Nhưng cuộc biến đổi để trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn là một tiến trình kéo dài cả đời.  Mỗi ngày một chút, ta rũ bỏ đi con người cũ, loại dần đi lối sống tội lỗi của ta để sống theo lối sống mới theo Thánh Thần, ta sẽ thuộc về Chúa Ki-tô mỗi ngày một gắn bó hơn.  Muốn vậy, ta phải học biết lối sống của Chúa bằng cách đọc và suy gẫm Tin Mừng, để lắng nghe lời Chúa và chiêm ngưỡng Chúa.  Nhưng đọc và suy gẫm thôi thì chưa đủ.  Ta còn phải đem những điều suy gẫm ấy vào cuộc sống, để cho lời Chúa thay đổi cách suy nghĩ, nói năng và hành động của ta sao cho giống với cách của Chúa Giê-su.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Thiên Chúa phán với ba Tông đồ:  “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.  Chúa cũng phán với tôi những lời ấy.  Tôi sẽ làm gì để “vâng nghe lời Người”?

          Suy nghĩ về cuộc Xuất hành của Chúa Giê-su, tôi học được những gì?  Sứ mệnh của tôi là gì và tôi có cố gắng hoàn tất sứ mệnh ấy trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su không?

          Vinh quang của Chúa đã nâng đỡ đức tin của các môn đệ.  Còn với tôi, điều gì nơi Chúa nâng đỡ đức tin của tôi?  Tôi cảm tạ Chúa thế nào về điều ấy?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi con,

          xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

          Mỗi lần con thấy Chúa,

                   xin biến đổi ánh mắt con.

          Mỗi lần con rước Chúa,

                   xin biến đổi môi miệng con.

          Mỗi lần con nghe lời Chúa,

                   xin biến đổi tai con.

          Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn

          sau mỗi lần gặp Chúa.

          Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa

          trong nụ cười của con,

          thấy sự dịu dàng của Chúa

          trong lời nói của con.

          Thế giới hôm nay không cần những Ki-tô hữu

          có bộ mặt chán nản và thất vọng.

          Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

          cùng đi với Chúa và với tha nhân

          trên những nẻo đường gập ghềnh.  A-men”.

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 24)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C