PHỤC HỒI NIỀM TIN.

Thứ Năm Tuần Thánh.

 

Như một tổ hợp làm ăn, cộng đoàn tông đồ cuối cùng đã bị phá sản.   Bao nhiêu mộng ước tiêu tan.   Những người được tin tưởng nhất lại trở mặt phản bội.  Phêrô là người thân tín nhất.   Vào  giờ phút chót ông còn lên giọng củng cố niềm tin của Thầy : “Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” (Ga 13:37)   Mới bước ra khỏi phòng Tiệc Ly ghi đậm nét tình yêu, vậy mà ông đã trở mặt nhanh chóng.   Nói theo giáo luật ngày nay, ông mới lãnh nhận thừa tác vụ linh mục, bàn tay còn nóng hổi, vậy mà ông đã mạnh mẽ phủ nhận hồng ân cao quí.   Ông đã làm cho mọi người thất vọng chừng nào khi nhất quyết chối Thầy tới ba lần.   Bầu khí thù nghịch chung quanh cũng đang dâng cao tột độ.   Đại diện cho lòng căm thù đó đang có mặt ngay trong phòng tiệc : “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simôn Ítcariôt, ý định nộp Đức Giêsu.” (Ga 13:2)  .  Giuđa đã được Thày và đồng bạn tin tưởng bao nhiêu khi giao tất cả tài sản trong tay.  Thế mà cuối cùng ông lại là người dẫn cờ đầu trong việc phá sản.   Tất cả cột cái trong tòa nhà đã bị sụp đổ.   Giả sử chính tảng đá góc tường cũng tiêu tan, việc gì sẽ xảy ra ? Qua biến cố đau thương này, Chúa Giêsu muốn mạc khải một sự thật : ngoài Chúa ra, chẳng có ai quan trọng cả.   Chúa không đến bất cứ ai.   Chẳng có ai là quan trọng cả.   Cho dù mọi người đều bỏ Chúa, công việc cứu độ vẫn hoàn thành.

Tổ hợp Đức Giêsu không bị phá sản về kinh tế, nhưng về niềm tin.  Làm cách nào lấy lại tất cả những gì đã mất ?   Làm sao lấy lại niềm tin ban đầu ?   Làm sao phục hồi sức mạnh để thực hiện tất cả mộng ước của Thầy  ?   Chỉ có tình yêu mới cứu vãn nổi tình hình quá đen tối đó.   Chính vì thế, Đức Giêsu đã vận dụng tất cả sáng kiến và khả năng để diễn tả sức mạnh tình yêu vào phút chót.   Chính sức mạnh đó sẽ lôi kéo mọi người, chiếm lại những gì đã mất và mở rộng cộng đoàn gấp trăm ngàn lần lúc ban đầu.

Tình yêu Thiên Chúa đã tìm được tất cả cách thế thể hiện tuyệt vời trong Bữa Tiệc ly.   Đêm nay Đức Giêsu sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13:1)    Đâu là những nét yêu thương đến cùng ?     Không thể tưởng tượng tình yêu có thể hạ mình xuống thấp tới tột cùng như vậy.  Oâng Phêrô bàng hoàng trước một tình yêu lạ lùng như thế.   Bởi vậy, khi thấy Đức Giêsu bê chậu nước rửa chân tới, lập tức ông phản ứng : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” (Ga 13:8)  Oâng chỉ nói theo phản ứng tự nhiên phát xuất từ tấm lòng khiêm cung.   Nhưng không ngờ còn có Đấng khiêm cung sâu thẳm hơn ông.   Không phải chỉ cúi xuống chân ông, nhưng thực tế “Người hạ mình xuống trong cái chết nhục nhã trên thập giá để làm cho nhân loại được sạch, để mang ơn cứu độ đến cho loài người.” (TKTƯ 1995:451)   Quả thực, khiêm cung không những là một điều kiện nhưng còn là dấu chỉ của hồng ân cứu độ.   Ngoài khiêm cung, không thể có tình yêu đích thực.   Chắc chắn khi chứng kiến cảnh tượng Đức Giêsu hạ mình thấp tới mức đó, các môn đệ không thể cầm được nước mắt vì cảm phục trước tấm lòng yêu thương lạ lùng của Thày.

Sau khi đã được rửa sạch, các môn đệ mở mắt trước một thực tại : “Nếu Thày là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13: 14)  Rửa chân chỉ là một hình thức phục vụ.   Không có tình yêu không thể phục vụ đích thực.  Nhưng phục vụ không chỉ thể hiện bên ngoài.  Phục vụ cần một nội dung và bắt rễ sâu trong tình yêu.   Nơi Đức Giêsu, người ta mới hiểu tại sao “phục vụ là con đường chính của mọi tương quan đích thực giữa con người với nhau.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 5/4/2001)   Chính khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã giúp chúng ta “khám phá lại nguồn mạch và ý nghĩa sâu xa của tình huynh đệ.” (ĐGH Gioan Phaolô II, CWNews 5/4/2001)

Không thể ngờ khoảng cách vô cùng bỗng dưng mất hút trong tương quan giữa Thiên Chúa và tội nhân.  Không còn một khoảng cách nào còn ý nghĩa, sau khi khoảng cách vô cùng đó đã bị phá tan.    Oâng Phêrô đã từng chứng kiến vẻ siêu việt ngàn trùng của thày chí thánh trên núi Tabor, quyền lực vô song của Thầy sau mẻ cá lạ lùng, sau phép lạ hóa bánh v.v.   Hình ảnh Thầy đã bao trùm toàn thể tâm trí và cuộc đời các môn đệ.   Thầy không phải chỉ làm gương, nhưng còn thúc đẩy con người đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu.  Từ đó, con ngươi có thể nhận ra nhau là anh em.   Nếu Thầy chí thánh còn có thể yêu con người tội lỗi, làm sao tội nhân lại không thông cảm với tội nhân ?   Lấy lý do gì biện hộ cho sự xa cách giữa con người và con người ?

Tình yêu còn xuống sâu hơn nữa, xuống tận lòng người.  Bất thần “trong đêm bị nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi bẻ ra và nói: ‘Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em.’   Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : ‘Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy.’” (1 Cr 11:24,25)   Đức Giêsu không trối lại huyết nhục như một hiện diện bất động trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng thực sự như một tác động cứu độ.    Có thể cảm nghiệm tất cả tình yêu sâu xa và bao la của Thiên Chúa nơi Thánh thể, vì chính ở đây Thiên Chúa đang thi hành tất cả Giao Ước lịch sử của Người.   Người hiến dâng không ngừng để tất cả được hiệp nhất và yêu thương nhau trong tình yêu Thiên Chúa.   Chính khung cảnh yêu thương đã là bức nền chiếu lên bản chất Thánh Thể là tình yêu.   Tin Đức Giêsu, nhưng không tin Người hiện diện trong bí tích Thánh Thể không thể hiệp nhất với anh em.   Tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh thể, nhưng không hiệp nhất với anh em là làm cho niềm tin bị phá sản nhanh chóng !   

Đức Giêsu không muốn tác động tình yêu chỉ dừng lại trong đêm Tiệc ly.  Người muốn hành động đó tiếp tục tới tận thế.  Bởi vậy sau khi mạc khải sự hiện diện lạ lùng trong Bánh và Chén, Người đều cẩn thận nói : “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11:24, 25)  Ai có thể thi hành được điều trăn trối của Thầy, nếu không phải là các tông đồ và những người kế vị trong chức linh mục ?  Linh mục làm ra Thánh Thể không những để nhắc lại kỷ niệm xưa, nhưng còn hướng toàn thể dân Chúa về tương lai.  “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết,” (1 Cr 11:26) “để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.” (Ga 11:52)  

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C