Lễ Sinh nhật thánh Gio-an Tẩy Giả

(Lu-ca 1: 57-66,80)

 

          Khi sinh một đứa con, việc đặt tên quả thực là quan trọng đối với nhiều bậc cha mẹ, nhất là khi họ có đứa con đầu lòng.  Tường thuật Tin Mừng hôm nay cho ta một khung cảnh khác thường khi gia đình ông Da-ca-ri-a và họ hàng cử hành nghi thức đặt tên cho em nhỏ mới sinh.  Tên của em là Gio-an, một cái tên không phải của cha em, cũng không phải của người nào trong họ hàng, nhưng là tên do sứ thần đã cho ông biết trong cuộc truyền tin tại Đền Thờ.  Vậy sự can thiệp của Chúa trong nghi thức đặt tên này chắc chắn mang một ý nghĩa đặc biệt, không riêng đối với gia đình họ hàng của ông Da-ca-ri-a, nhưng còn đối với toàn thể nhân loại trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

 

1)  Đặt tên hoặc đổi tên thường mang ý nghĩa một sứ mệnh

 

          Nhiều lần trong Kinh Thánh đã có việc đặt tên hoặc đổi tên theo lệnh của Thiên Chúa.  Tên của ông Áp-ram được đổi thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của vô số dân tộc” (St 17:5).  Nhận cái tên mới, ông Áp-ra-ham hoàn toàn tín thác nơi sự an bài của Thiên Chúa và đã trở thành tổ phụ của dân được Người tuyển chọn.  Trong Tân Ước, Chúa Giê-su đổi tên ông Si-mon thành Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, để “trên tảng đá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18).

          Sau khi con trai của ông bà Da-ca-ri-a sinh ra được tám ngày, người ta tổ chức lễ đặt tên cho em.  Bà con lối xóm đến tham dự và chia vui với gia đình.  Họ đề nghị lấy tên ông Da-ca-ri-a mà đặt cho em, theo tập tục hoặc để nói lên ý nghĩa tiếp nối dòng dõi.  Nhưng Thiên Chúa đã có kế hoạch riêng và em bé này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch ấy.  Vai trò của em được gói ghém trong cái tên do sứ thần truyền cho ông Da-ca-ri-a phải đặt cho em, đó là Gio-an, nghĩa là “Chúa ban ơn”.

          Vậy thì Gio-an sẽ làm gì cho kế hoạch “Chúa ban ơn”?  Trong cuộc truyền tin cho ông Da-ca-ri-a, sứ thần nói về những điều Gio-an sẽ làm sau này:  “Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.  Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.  Em sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Ê-li-a, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1:15-17).  Chúa ban ơn.  Nhưng làm sao để những người nhận lãnh ơn biết đường mà đến với Đấng ban ơn?  Làm sao giúp đỡ họ có được tâm hồn xứng đáng để lãnh nhận ơn Chúa?  Tóm lại, sứ mệnh của ông Gio-an là chuẩn bị cho kế hoạch “Chúa ban ơn” được thực hiện và thu hoạch thành quả tốt đẹp.

 

2)  “Chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”

 

          Chúa Giê-su là “ân sủng tràn đầy” (Ga 1:14c) được Chúa Cha ban cho nhân loại trong kế hoạch cứu độ của Người.  Chuẩn bị cho nhân loại sẵn sàng đón nhận “ân sủng tràn đầy” này chính là sứ mệnh của Gio-an.  Công việc chuẩn bị đã được sứ thần nói cho ông Da-ca-ri-a biết.

          Trước hết Thiên Chúa tuyển chọn Gio-an ngay từ trong lòng mẹ.  Thai nhi “đã đầy Thánh Thần” nên nhảy mừng lúc được gặp gỡ Đấng Mê-si-a khi Mẹ Ma-ri-a đến viếng thăm vợ ông là bà Ê-li-sa-bét.  Cũng như Chúa Giê-su luôn luôn đầy tràn Thánh Thần từ khi được thụ thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, qua suốt sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho tới lúc “trao ban Thần Khí” trên thập giá, thì thánh Gio-an cũng được “đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Ê-li-a” từ lúc được thụ thai cho đến khi bị chém đầu theo lệnh của bạo chúa Hê-rốt.  Tiếp đến, công việc của Gio-an là công việc của một ngôn sứ thời Tân Ước cũng giống như công việc của các ngôn sứ thời Cựu Ước.  Ông là gạch nối giữa Cựu Ước với Tân Ước, để “làm cho lòng cha ông quay về với con cháu”.  Ông thi hành công việc cốt lõi của một ngôn sứ, đó là “làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay”.

          Thực thế, cả đời ông là để nói cho mọi người biết thời Cựu Ước đã mãn và một “trời mới đất mới” đang mở ra trước mặt nhân loại.  Một giao ước mới sắp được Thiên Chúa khai mở và ký kết bằng máu của “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29-30).  Giao Ước Mới mang giá trị trổi vượt trên Cựu Ước bội phần là vì sự cao trọng của Chúa Giê-su, Đấng xóa bỏ tội trần gian.  Ông Gio-an không mặc cảm thấp kém trước Đấng Mê-si-a, trái lại ông hãnh diện và thẳng thắn cho mọi người biết rằng Chúa Giê-su mới đích thực là cao trọng.  Ông nói :“Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi vì có trước tôi... Tôi xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Con Thiên Chúa)” (Ga 1:29.34).  Hơn nữa, sự trổi vượt của Tân Ước sẽ được chính Chúa Giê-su khẳng định sau này.  “Tôi nói cho anh em biết:  trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an;  tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28).

          Là một ngôn sứ, ông Gio-an rao giảng về việc sám hối và mời gọi người ta nhận phép rửa như một dấu chỉ biểu lộ lòng sám hối đích thực.  Các sách Tin Mừng nhất lãm đồng loạt ghi lại việc ông Gio-an rao giảng sự sám hối và thi hành sứ vụ chuẩn bị đường Chúa đến (Mt 3:1-12; Mc 1:1-8 và Lc 3:1-18).  Ông không vị nể ai.  Nếu cần phải khiển trách, ông sẵn sàng làm công việc đó, cho dù có thể nguy hiểm đến mạng sống.  Mà đúng thế, chỉ vì khiển trách tiểu vương Hê-rô-đê, ông Gio-an đã bị nhà vua bỏ tù và bị chém đầu (Lc 3:19-20; Mc 6:17-29).

 

3)  Tinh thần Gio-an:  Chúa Giê-su phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi

 

          Ông Gio-an ý thức chỗ đứng của mình:  “Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người” (Ga 3:28).  Khuôn mặt Gio-an đâu phải là lu mờ gì.  Bao nhiêu người đã đến với ông.  Có nhiều người còn muốn tôn ông làm Đấng Ki-tô nữa.  Cả đến nhà vua, tuy bắt ông bỏ tù nhưng cũng vẫn một lòng kính nể ông.  Nếu là người háo danh, chắc ông đã nắm bắt cơ hội để tạo cho mình một chỗ đứng và uy tín to lớn trước mặt dân chúng.  Nhưng tuyệt nhiên ông chỉ nhận mình là “tiếng kêu trong hoang địa”, hoặc nói một cách bình dân hơn, “không đáng cúi xuống cởi quai dép” cho Chúa Giê-su.  Chẳng những vậy, ông còn ví mình như người phù rể, cảm thấy “vui mừng hớn hở” vì được nghe tiếng nói của chú rể nữa (Ga 3:29).

          Tinh thần Gio-an có thể được áp dụng cho mọi người.  Những người lãnh trách nhiệm mục vụ như linh mục tu sĩ, hoặc những người làm việc tông đồ hay phục vụ cộng đoàn cần phải để “việc làm sáng danh Chúa” lên trên mọi quyền lợi của mình.  Là những chứng nhân của Chúa Ki-tô, Ki-tô hữu hãy làm sao cho hình ảnh Chúa nổi bật để người ta thấy được Chúa rõ ràng, chứ không phải để người ta thấy họ là những người đạo đức.  Trong tiến trình Ki-tô hóa, ta phải làm sao chết đi con người tội lỗi của ta, để sự sống của Chúa Ki-tô được phát triển và đầy tràn nơi ta.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Dân chúng miền núi Giu-đê hỏi nhau về em bé Gio-an:  “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.  Có khi nào tôi lấy câu hỏi đó áp dụng cho chính mình không?  Tôi sẽ trở thành một Ki-tô hữu tốt?

          Sứ mệnh của ông Gio-an cũng phải là sứ mệnh của mọi người.  Vậy tôi có giúp cho người khác biết Chúa và theo Chúa không?  Nếu có, tôi đã làm gì?

          Chúa Giê-su có được “nổi bật lên” qua lối sống của tôi không?  Hay ngược lại, tôi đã làm cho Người bị lu mờ đi?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Cha chí thánh, chúng con ca ngợi những kỳ công Cha đã thực hiện nơi thánh Gio-an Tiền Hô.  Cha đã thánh hiến người và cho người được vinh dự giữa các người thế.  Chưa sinh ra, người đả nhảy mừng khi Đấng Cứu Độ trần gian ngự đến.  Lúc chào đời, người đã đem lại nhiều niềm vui.  Người là vị ngôn sứ duy nhất chỉ cho dân chúng nhận ra Đức Ki-tô là Chiên Thiên Chúa đến cứu độ trần gian... 

Xin Cha rộng ban cho các tín hữu được đầy tràn niềm vui của Thánh Thần, và xin hướng dẫn chúng con bước vào con đường cứu độ và bình an.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.” (Lời tiền tụng và lời nguyện nhập lễ). 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C