CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 17,11-19

 

TÌNH YÊU TUYỆT VỜI

 

Chúa Giêsu đã nói:” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Chúa Giêsu đã minh chứng cho nhân lọai, cho con người, cho mỗi biết tình yêu cao vời, tình yêu vô vị lợi của Người. Đây là tình yêu tự hiến, tình yêu xả kỷ, tình yêu từ bỏ để làm đẹp lòng người mình yêu. Các thánh noi gương bắt chước Chúa, đã sống tình yêu tuyệt vời để chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân, cho nhân loại. Có nhiều vị đã sống phục vụ những người nghèo, các bệnh nhân những người bị bệnh phong cùi. Nhiều nữ tu đã hy sinh cuộc đời mình để giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh phong. Gương hy sinh của họ thật cảm động biết chừng nào. Tin Mừng Chúa Nhật 28 thường niên, năm C nói lên lòng nhân từ, thương xót của Chúa Giêsu, Người chỉ phán một lời căn bệnh quái ác ấy biến sạch. Chúa đã đem lại niềm tin, nhân phẩm cho những con người xấu số bị xã hội ruồng bỏ, khinh chê…

LỀ LUẬT TRÓI BUỘC CON NGƯỜI : Lòng Chúa bao la. Tình thương Chúa dạt dào sao kể cho xiết. Dân Do Thái trong suốt nhiều thế kỷ đã phải lao động cật lực, đã phải còng lưng dưới sức nặng của khổ sai, của lao động không công cho người Ai Cập. Môsê theo lệnh Chúa đã giải thoát dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ của người Ai Cập. Để ghi nhớ ngày ấy, Thiên Chúa đã thiết lập ngày hưu lễ. Do đó, dân Do Thái rất trân trọng ngày hưu lễ. Đây là biểu tượng của sự tự do vì dân Ai Cập bắt người Do Thái phải lao động bảy ngày trên bảy ngày trong tuần.Thay vì là biểu tượng củasự tự do, những nhà thần học Do Thái đã biến ngày hưu lễ thành gánh nặng cho dân bằng những kê khai tỉ mỉ, rất chi tiết mà người Do Thái phải giữ trong ngày hưu lễ. Họ đã thay đổi tất cả thay vì được tự do, họ biến sự tự do thành nô lệ và thay vì gần gũi Thiên Chúa, họ biến con người xa dần Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đánh đổ quan niệm và tâm thức này…

PHÉP LẠ CỦA CHÚA GIÊSU GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI: Tin Mừng Lc 17, 11-19 thuật lại phép lạ Chúa Chữa lành mười người phong cùi. 9 người là người Do Thái luôn phải sống dưới ách lề luật khắt khe của những nhà thông luật Do Thái. Luật lệ họ trưng ra không vì con người, không giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người :” con người chú tâm thi hành luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân”. Cái trớ trêu của lề luật Do Thái vẫn coi những người bệnh họan, tật nguyền do tội lỗi họ gây ra và Chúa phạt họ, đặc biệt là bệnh phong cùi, ai mắc vào bệnh nan y này, đều ghê tởm và khiếp sợ. Những người phong cùi không những bị đau về thể xác mà tâm hồn họ còn đau khổ không ít. Họ bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi, xa mọi người, xa người thân. Họ phải mặc áo rách rưới, đầu để trần, miệng bịt lại và phải hô to mình đã bị bệnh truyền nhiễm để cho mọi người biết mà tránh xa. Đó là cái bi đát của cuộc đời những người bệnh, đặc biệt những người phong cùi thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chỉ một lời của Chúa Giêsu:” Hãy đi trình diện với các tư tế “. Đang khi đi thì họ được sạch ( Lc 17, 15 ). Một lời của Đức Giêsu, cả mười người bị bệnh phong đều được chữa lành. Họ được chữa lành về một chứng bệnh nan y, một chứng bệnh nhục nhã, ê chề, đau khổ thân xác và đau khổ tâm hồn. Những người cùi này nhờ vào quyền năng và lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa mà họ tưởng như đã chết nay được sống lại, họ vui mừng đến không còn nhớ lại sự ê chề họ đã chịu đựng. Chúa Giêsu đã giải phóng họ, đã đem lại sự sống mới cho họ như người con hoang đàng đã tìm lại sự sống tốt đẹp mà Cha của anh đem lại cho anh.

LỜI CẢM ƠN CỦA NGƯỜI SAMARI LUÔN LÀ LỜI CÓ GIÁ TRỊ : Cả mười người đều được chữa lành. 9 người phong cùi là dân Do Thái. 9 người này sống trong sự cản trở của lề luật, bởi đó, họ chỉ mong sao sớm đi trình diện hàng tư tế để họ được phép trở về đời sống bình thường, hòa nhập với xã hội. Họ không biết cảm ơn và tôn vinh Chúa. Người Samari là người ngoại giáo, họ không bị cản trở bởi lề luật, nên anh được tự do để nói lên tình cảm chân thành, tình cảm thật người của mình. Anh đã trở lại cám ơn Chúa khi thấy mình được lành sạch. 9 người Do thái được lành sạch, họ vẫn tự hào là dân Chúa chọn nhưng họ lại sống thật vô ơn đến nỗi Chúa phải thốt lên :” Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngọai bang này ?”( Lc 17, 17-18 ). Người Samari trở lại cám ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác thì Chúa lại ban cho anh ơn phần hồn, củng cố đức tin cho anh và xác nhận niềm tin tôn giáo của anh :” Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh “ ( Lc 17, 10 ). Do đó, cám ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

TẤT CẢ ĐỀU LÀ HỒNG ÂN : cuộc đời của mỗi người là một chuỗi những ơn huệ cao quí Thiên Chúa tặng ban. Ơn huệ là hồng ân tuyệt vời Thiên Chúa trao ban cho mỗi con người. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, nhưng có những ơn đến tự con người. Tất cả đều là hồng ân. Con người luôn phải biết nói lên lời cảm tạ tri ân. Đời của Chúa Giêsu là lời tạ ơn Thiên Chúa Cha không ngừng. Thánh Phaolô cũng luôn nói lên tấm lòng cảm mến của Người đối với Thiên Chúa :” Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô “ ( 1 Co 1, 4 ).

Lạy Chúa xin cho chúng con luôn biết nói lên lời “ cảm tạ “. Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi ( Tv 88 ).

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi    DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C