TIN MỪNG HÔM NAY

Chúa Nhật 3C Thường Niên

 

Nkm 8:2-4a.5-6.8-10

Lc 1:1-4; 4:14-21

1 Cr 12:12-30

 

Cơ chế xã hội bất công đã tạo nên bao thảm cảnh trong cuộc đời. Người nghèo chính là nạn nhân của những cơ chế bất công đó. Vấn đề muôn thuở đó vẫn luôn mang tính thời sự. Đức Giêsu tự nhận có sứ mạng giải thoát những người nghèo khổ và bị áp bức. Nhưng sứ mạng đó chỉ có thể thực hiện được khi được Thánh Linh yểm trợ và Chúa Cha ủy thác. Hôm nay mọi người sẽ thấy sứ mạng đó được thực hiện như thế nào nơi Đức Giêsu Kitô.

 

SỨ MẠNG CAO CẢ

Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai với một sứ mạng rõ rệt. Nhưng sứ mạng đó không thể hoàn thành nếu không có sự cộng tác của Thánh Linh. “Được quyền năng Thần khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê” (Lc 4:14), để rao giảng Nước Thiên Chúa.  Thánh Linh không chỉ tác động nội tâm, nhưng còn hướng Đức Giêsu đến sứ mạng liên quan đến người nghèo. Họ là những người bị đàn áp bất công.  Bởi đó Thánh Linh hướng dẫn Đức Giêsu vào sứ mạng giải thoát con người hoàn toàn khỏi mọi cảnh bất công xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa hay tôn giáo. Trong Nước Thiên Chúa không còn cảnh người bóc lột người. Trái lại, mọi người đều bình đẳng trước nhan Thiên Chúa. Hình ảnh lý tưởng ấy đang hiện diện một cách huyền nhiệm trong Giáo hội (xc. LG 3).

Nước Thiên Chúa không phải là chuyện tầm thường như miếng cơm manh áo, nhưng là “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần”. Nghĩa là những vấn đề lớn lao liên quan tới sứ mạng Đức Giêsu trong  việc giải phóng nhân loại. Nhưng Nước Thiên Chúa cũng không nằm trên mây gió, trái lại rất thiết thân với cuộc sống con người. “Những ai thực tình hướng về Nước Thiên Chúa sẽ lấy việc khắc phục mọi loại đàn áp trong thế giới hôm nay làm công việc của mình” (Farrelly 1993:503).

Dù tại miền dân ngoại Galilê hay tại nơi chôn nhau cắt rốn Nadarét, Người cũng vào hội đường để gặp gỡ đồng hương chia sẻ sứ mạng cao cả ấy. Ngôn sứ Isaia đã là đầu mối cho cuộc gặp gỡ. Tại hội đường Nadarét, Người đã dõng dạc tuyên bố lời ngôn sứ Isaia : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn” (lc 4:18). Thế là sứ mạng đã có đối tượng phục vụ thật rõ ràng. Sứ mạng mang tính toàn cầu đó thật nặng nề và khó khăn. Sứ mạng Chúa Cha đã trao cho Chúa Con thật vô cùng cao cả. Nhưng sứ mạng đó lại được thực hiện trong một hoàn cảnh thật tầm thường, với những con người nghèo hèn.

Nghèo chính là thân phận Đức Giêsu. Từ thời thơ ấu, tại Bêlem và Nadarét, Người đã nếm tất cả mùi vị của cảnh nghèo hèn. Trên cây thập giá, Người đã bị lột bỏ đến chiếc áo cuối cùng (Mt 27:35).   Chính Người cũng đã dạy các môn đệ sống khó nghèo và chia sẻ khổ giá với Người. Họ không được mang theo “vàng hay bạc” (Mt 10:9) và phải rao giảng một cách vô vị lợi (1 Cr 9:18).   Gương khó nghèo lớn nhất luôn nhắc người môn đệ nhớ “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa . . . đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2:6-7). Do đó chính cái nghèo đã giúp Người có sức mang hồng ân cứu độ đến cho muôn dân.

Người nghèo không còn phải là phương tiện để người giàu lập công phúc. Nếu không, người nghèo chỉ còn là đối tượng của những người hoạt động xã hội.  Nhưng vấn đề không được giải quyết thuần túy về mặt xã hội. Trái lại, vì chính Đức Giêsu cũng là người nghèo, nên những người nghèo cũng trở thành những người mang ơn cứu độ đến cho người khác nữa.

Sứ mạng Người còn đi đến tận nơi cùng khổ nhất nhân loại. “Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:19). Người bị áp bức cũng là những người nghèo khổ.  Người đến cho con người được làm người, đem lại ý nghĩa cho những tháng ngày đen tối nhất của con người. Tự do là một món quà quí giá nhất chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho nhân loại.  Aùnh sáng là một báu vật  cho những người đang chìm trong tăm tối. Tất cả là hồng ân !  Hồng ân đó phải do Con Chúa công bố vào thời thuận tiện nhất, tức là thời gian cứu độ. Chính Đức Giêsu cũng đã là một tử tội. Người đã là nạn nhân của những cơ chế tôn giáo và chính trị bất công. Người đã thấu hiểu hơn ai hết những giây phút kinh hoàng và nhục nhã của kiếp tù nhân. Có ai mong tự do mà Người không khao khát một cuộc sống bình thường ?  Hơn nữa, Người còn muốn đánh đổi cả cuộc đời để mua lấy tự do cho toàn thể nhân loại.  Quả thế, “nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào biết mấy cho muôn người” (Rm 5:19).

 

HỒNG ÂN HÔM NAY

Tin Mừng Đức Giêsu luôn mang tính thời sự. Đúng như Đức Giêsu đã nói : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4:21). Sứ mạng cứu thoát con người khỏi những kiếp lầm than đã ứng nghiệm hoàn toàn nơi Đức Giêsu. Chính nhờ những kinh nghiệm và cảm nghiệm trong kiếp nghèo, Đức Giêsu đã làm cho sứ mạng của Người không rời xa thực tế. Nhưng để Tin Mừng luôn mang tính thời đại, Người phải nhờ đến sức mạnh Thánh Linh. Chính Thánh Linh đã làm cho Ngôi Hai mặc lấy xác phàm trong cung lòng trinh nữ Maria. Giờ đây, cũng chính Thánh Linh khiến cho sứ mệnh của Người luôn mang chiều kích nhân loại và nhập thể vào từng thời đại. Nói khác, nếu Thánh Linh không can thiệp, không bao giờ Tin Mừng có thể mang tính “hôm nay”.

Lịch sử Giáo Hội cho thấy những gương mẫu sáng chói về sức mạnh cứu độ trong những tinh thần nghèo khó rất thời đại.  Thế kỷ 12 và 13, thánh Phanxicô đã noi gương Đức Giêsu gia nhập hàng ngũ những người nghèo khó, sống giữa những người phong cùi. Dưới con mắt thánh nhân, “người nghèo không còn là đối tượng của những việc bố thí hay bác ái, nhưng là nhưng anh chị em được Đức Kitô mang tất cả các môn đệ của Người tới. Số phận và cuộc sống người nghèo phải được môn đệ Chúa Kitô chia sẻ”  (Hellmann 1993:744). Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã thể hiện trọn vẹn nét độc đáo đó của môn đệ Đức Kitô khi xuống tận những căn nhà ổ chuột hay cúi sát xuống những vết  thương lở lói của người cùi.

Sứ mạng Đức Giêsu vẫn được tiếp nối nơi các môn đệ của Người qua mọi thời đại. “Thánh Vinh Sơn Phaolô còn nhận ra người nghèo là chi thể của Đức Giêsu. Quan điểm này đã khiến rất nhiều người chú ý và thi nhau làm việc bác ái phục vụ người nghèo” (Hellmann 1993:744). Con cái thánh Vinh Sơn vẫn xông xáo khắp nơi tìm kiếm người nghèo và tận tâm săn sóc những người cùng khổ theo đường lối thánh nhân đã vạch ra. Nhưng tổ chức Vinh Sơn cũng chỉ đảm nhận một trong những công cuộc bác ái lớn lao của Giáo Hội. Các tổ chức bác ái Công giáo không thua bất cứ tổ chức từ thiện nào trên thế giới. Muốn thực hiện được sứ mạng phục vụ lớn lao đó, Giáo Hội đã bắt các người Công giáo đóng góp bao nhiêu phần trăm lợi tức hằng năm ?  Có phải mười phần trăm như nhiều Giáo Hội anh em Kitô khác không ?  Thực tế, Giáo hội hoàn toàn dựa vào lòng hảo tâm của Kitô hữu. Nếu không có Thánh Linh thúc đẩy, làm sao có họ có thể đóng góp lớn lao đến như thế ?   Tất cả đều nhằm thực hiện sứ mạng Đức Giêsu, vì “tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:13) để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C