NGÔN SỨ

Chúa Nhật 4C Thường Niên

 

 

Gr 1:4-5.17-19

Lc 4:21-30

1 Cr 12:31 – 13:13

 

Thiên Chúa muốn và thực sự đã nói với con người qua trung gian là các ngôn sứ.  Nhưng ngôn sứ đã trở thành một vấn đề lớn cho dân Chúa. 

 

MỘT ƠN GỌI

 

Vai trò ngôn sứ bắt đầu từ một niềm tin.  Nếu chỉ đóng khung tầm nhìn trong những giới hạn trần gian, không thể chấp nhận được sứ mệnh ngôn sứ.  Thực vậy, ngôn sứ là người đại diện Chúa nói cho dân biết về những mạc khải của Người.  Nếu không tin nơi Chúa, không thể đón nhận những lời ngôn sứ.  Nhưng nếu tin Thiên chúa, sẽ thấy ơn gọi ngôn sứ vượt qua mọi tính toán trần gian.

Thật vậy, Thiên Chúa từng mạc khải cho ngôn sứ Giêrêmia : “Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1:5)  Ơn gọi ngôn sứ hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa.  Bởi đó, ngôn sứ không thể nói theo thị hiếu quần chúng, nhưng phải theo ý Thiên Chúa.  Ý Thiên Chúa luôn là sự thật.  Sự thật mất lòng.  Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” (Lc 4:24)  Quê hương là hình ảnh thân thương.  Nhưng quê hương cũng có thể giới hạn tầm nhìn con người.  Nói khác, quê hương quá gần khiến con người không thể nhìn xa hơn.

Đây là một cơ hội tốt hay xấu cho ngôn sứ ?  Có những ngôn sứ đã run sợ trước những trở ngại từ chính đồng hương.  Trước những đe dọa, tù đầy, giết chóc, nhiều người đã không dám nói sự thật.  Nhưng cũng không thiếu những ngôn sứ vững tin vào ơn gọi và sứ mệnh.  Họ dám đánh đổi mạng sống lấy sự thật.  Tận thâm tâm, họ luôn nghe thấy tiếng Chúa : “Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.  Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ.” (Gr 1:17)  Phải được phấn khích như thế, họ mới có đủ can đảm lên đường làm chứng. 

Lời ngôn sứ bao giờ cũng tạo hai phản ứng ngược chiều.  Có thể thuận lợi.  Chẳng hạn sau khi nghe Đức Giêsu nói, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4:22)  Nếu thực tế lúc nào cũng như thế, chắc chắn ngôn sứ đã thành điểm hấp dẫn muôn dân.  Biết đâu ngôn sứ không là một nghề nuôi sống nhiều gia đình ?

Thế nhưng, trong lịch sử Dân Chúa, đã có nhiều ngôn sứ bị bỏ mạng vì sứ mệnh.  Hoàng hậu Giêdêben đã từng giết nhiều ngôn sứ Giavê (x. 1 V 18:4,13)  Chính ngôn sứ Êlia cũng làm chứng “con cái Ítraen đã dùng gươm sát hại các ngôn sứ.” (1 V 19:10, 14)  Chút xíu nữa Đức Giêsu cũng phải chung số phận với các ngôn sứ rồi.  Nếu không nhờ Thần Khí hướng dẫn “băng qua giữa họ mà đi,” (Lc 4:30) Người đã bị vùi thân dưới lòng vực thẳm, vì “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.” (Lc 4:28)  Thái độ quần chúng thật khó hiểu. Khen chê thất thường.  Không còn biên giới giữa thán phục và phẫn nộ.  Cùng một cử tọa, một thời điểm đã diễn ra hai cảnh ngộ trái ngược nhau.  Chẳng qua chỉ vì Đức Giêsu không màng tới những tham vọng đầy ích kỷ của họ mà thôi.

Nhưng chính khi bị từ chối, ngôn sứ mới có cơ hội vượt qua biên giới quê hương.  Từ xưa, ngôn sứ Êlia đã “phớt lờ” các bà góa đồng hương.  Vượt qua biên giới đồng hương, ông “được sai đến giúp bà góa thành Xêrépta miền Xiđôn.” (Lc 4:26)  Giữa bao tiếng kêu gào của những “người phong hủi trong nước Ítraen,” tại sao ngôn sứ Êlisa chỉ chữa lành cho “ông Naaman, người xứ Xyria.”  (Lc 4:27)  Lịch sử chứng minh, ngôn sứ không được sai đến để chiều theo thị hiếu hay thỏa mãn óc tò mò, nhưng chỉ để đáp ứng khát vọng của những con người chân thành.

Chỉ với niềm tin, mới có thể thấy được tất cả chiều kích lớn lao của sứ điệp Thiên Chúa.  Niềm tin sẽ mở rộng nhãn quan và làm nền tảng đức ái, khiến con người có thể “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13:6) phát xuất từ miệng ngôn sứ.  Nếu quả thực đồng hương chấp nhận Đức Giêsu, nghĩa là tin Người là Con Thiên Chúa, họ đã có một trái tim rộng mở để “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả,” (1 Cr 13:7) chứ không đòi nhốt chặt ngôn sứ trong biên giới Do thái.  Lời Chúa luôn mang chiều kích phổ quát.  Tin mừng dành cho muôn dân.

 

THÂN PHẬN

 

Sứ mệnh và số mệnh ngôn sứ luôn gắn liền với Lời Chúa.  Lời Chúa luôn tra vấn và xoáy sâu vào lòng người.   Theo chân Thày chí thánh, rất nhiều ngôn sứ đã đi đến tận cùng trái đất để làm chứng cho Thiên Chúa và bỏ mạng vì Lời Chúa.  Theo Thông tấn xã Fides, năm 2003 vừa qua, ít nhất 29 người Công giáo đã bị giết trong khi đang làm việc truyền giáo.  Trong số đó, có bốn giáo dân, một tu sĩ, ba chủng sinh, 20 linh mục và một tổng giám mục.   Dẫn đầu trong việc sát hại các nhà truyền giáo là Colombia với sáu vị, Châu Mỹ La tinh bốn vị, El Salvador hai vị, Ba tây và Guatemala mỗi nơi một vị.  Phi châu 17 vị : sáu tại Uganda, năm tại Congo, và mỗi vị tại các nước Cameroon Burundi, Nam Phi, Equatorial Guinea, Somalia và Kenya.  Á châu hai vị : một tại Ấn độ và một tại Pakistan.

Dù sống giữa bao hiểm nguy và ngộ nhận, Giáo hội không bao giờ lùi bước trước vai trò ngôn sứ.  Nếu những miền đất đó đón nhận ngôn sứ, chắc chắn hòa bình đã ngự trị.  Vì Lời ngôn sứ sẽ là sức mạnh nối kết con người với Thiên chúa và với nhau.  Quả thế, “sống giữa nhân loại, Kitô giáo có sứ mệnh tạo lập tình thân hữu, sự hiểu biết, cổ võ, thăng tiến, nâng cao tinh thần.  Đó là sứ mệnh cứu độ.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 06/01/2004)  Nói khác, đó là sứ mệnh tình yêu, một sứ mệnh vô cùng cần thiết giữa một thế giới hận thù.  Hình ảnh ngôn sứ càng trổi vượt, nhân loại càng tiến gần chân lý.  Ngôn sứ cao cả nhất và quyền năng nhất đó chính là Đức Giêsu Kitô.  Thực vậy, chỉ “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C