Chúa Nhật 4 quanh năm, C (2007)

(Lu-ca 4: 21-30)

 

          Khen chê là thói đời khi người ta vừa lòng hay không được như ý.  Nó có thể ảnh hưởng lớn tới việc thực thi lý tưởng của ta nếu ta không biết tự chủ trước dư luận.  Do đó, được khen không kiêu căng và bị chê không nản lòng.  Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước kể lại biến cố Chúa trở về quê nhà Na-da-rét, đọc và giải thích Kinh Thánh trong hội đường.  Tiếp theo câu truyện, thánh sử Lu-ca ghi lại hai phản ứng đối nghịch của người đồng hương Chúa Giê-su.  Khen thì ít (câu 22a), nhưng chê thì nhiều (câu 22b-24,28-29).  Điều ấy nói lên thử thách của sứ vụ cứu độ Chúa Giê-su đã bắt đầu sau khi lãnh nhận phép rửa của ông Gio-an.  Vậy Chúa Giê-su đã xử trí ra sao trước khó khăn khởi đầu này?

 

1)  Chúa Giê-su công bố thời ân sủng bắt đầu

 

          Sau khi đọc đoạn sách ngôn sứ I-sai-a kể ra những hồng ân Thiên Chúa sẽ thực hiện cho con người trong thân phận khốn cùng, Chúa Giê-su mở đầu cuộc chia sẻ lời Chúa bằng một câu tuyên bố:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.  Sau lời ấy, thánh sử Lu-ca không ghi lại những gì Chúa Giê-su giải thích cho đám thính giả về đoạn Kinh Thánh.  Nhưng ta biết chắc chắn những điều Người nói với dân chúng trong hội đường hôm ấy đều là “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”.

          Mặc lấy thân phận con người, Chúa Giê-su thấu hiểu những hậu quả tội lỗi đã gây nên cho nhân loại.  Từ cái chết là “lương bổng tội lỗi trả cho ta” (Rm 6:23) tới những đau khổ thể xác lẫn tinh thần, Chúa Giê-su đều trải qua (Dt 5:7-8).  Hơn ai hết, Người nhận thức được nhu cầu cứu độ của nhân loại và thấu hiểu ý nghĩa của thông điệp mà ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo về sứ vụ của Người.  Do đó Chúa Giê-su đã giúp họ hiểu cặn kẽ lời Kinh Thánh Người vừa tuyên đọc để họ nhận ra thân phận tội lỗi con người và lòng khao khát được giải thoát khỏi tất cả những hậu quả tai hại do tội lỗi gây ra.  Chúa Giê-su đang chỉ cho họ thấy một viễn tượng mới:  thời ân sủng bắt đầu ngay bây giờ và tại đây, ý nghĩa của từ “Hôm nay”, và rõ ràng hơn, bắt đầu ngay từ con người đang đứng trước mặt dân chúng trong hội đường, là Chúa Giê-su Ki-tô.

          Có lẽ ta cũng học được một điều hết sức tế nhị và sâu sắc, đó là cách Chúa Giê-su tuyên bố.  Người không vỗ ngực nghênh ngang tự xưng là Đấng Mê-si-a, giống như những chính trị gia dương dương tự đắc về xuất xứ của họ.  Người không đề ra một chương trình quy mô đủ điều và vẽ vời ra một tương lai không tưởng như những ứng cử viên tổng thống đã làm.  Nhưng Người chỉ nói lên một thực tại:  “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.  Người khai mở một con đường mới dẫn người ta về nguồn cội là Thiên Chúa và mời gọi người ta cùng lên đường với Người.  Chính Người sẽ là “trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29), đồng hành với các anh chị em mọi nơi mọi thời để tiến về nhà Cha.  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9:23).  Người không ép buộc ai, nhưng để cho họ hoàn toàn tự do chọn lựa.

          Ước chi ta luôn luôn nghe được “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, vì những lời đó là những lời ân sủng vẽ đường chỉ lối cho ta.  Rồi không những nghe được mà thôi, nhưng đi xa hơn những người Na-da-rét đã chỉ biết tán thành và thán phục Chúa, ta còn phải sẵn sàng rũ bỏ mọi sự để lên đường làm môn đệ Người nữa.

 

2)  Chúa Giê-su bị chống đối    

 

          Lòng người thay đổi thật mau chóng, vừa mới hoan hô đấy, nhưng ngay sau đó lại cực lực đả đảo.  Chúa Giê-su vừa cho dân chúng Na-da-rét biết Thiên Chúa yêu thương họ thế nào và Người đã được sai đến với họ để thể hiện tình yêu thương ấy trong vai trò Đấng Mê-si-a.  Nhưng họ không muốn chấp nhận Người, chỉ vì họ muốn có một Đấng Mê-si-a theo khuôn mẫu và đòi hỏi của họ.  Họ muốn Người thực hiện cho họ những gì Người đã làm ở Ca-phác-na-um, và còn phải làm hơn thế nữa.  Để “một người làm quan, cả họ được nhờ”.  Để họ cũng được nổi tiếng như Người và phá bỏ được thành kiến của toàn dân miền Ga-li-lê về họ:  “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1:46).

          Chúa Giê-su đã biết thái độ họ đối với Người như thế nào rồi.  Nhưng Người vẫn bình tĩnh đưa ra những dữ kiện lịch sử thời ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa để biểu dương lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không phải để biện hộ cho chính mình.  Tình thương của Thiên Chúa không có biên giới, nhưng bất cứ ai biết đón nhận và đáp trả, người ấy sẽ được cứu độ.  Nói như thế, Chúa Giê-su vẫn mở cho họ một lối thoát và kêu gọi họ tiếp nhận Đấng Cứu Độ được Thiên Chúa sai đến, trước hết với nhà Ít-ra-en và tiếp đến là Dân ngoại.  Tuy nhiên đối với một dân cứng đầu và kiêu căng, thái độ khiêm nhường và kiên nhẫn của Chúa Giê-su chỉ làm họ nổi giận thêm.  Kết quả là Người bị họ lôi ra khỏi thành phố và muốn giết Người đi cho khuất mắt.  Thành kiến và lòng ganh ghét thúc đẩy họ chối bỏ Ân Sủng Thiên Chúa sai đến với họ.  Sự kiện dân Na-da-rét đối xử bạc bẽo với người con thân yêu của thành phố là điềm báo trước về những thử thách gian nan và cái chết đang chờ đợi Chúa Giê-su trong những tháng ngày sắp tới.

 

3)  “Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”

 

          Giữa cảnh dân chúng Na-da-rét hùng hổ muốn xô Chúa Giê-su xuống vực sâu, ta lại thấy thánh Lu-ca mô tả một cảnh trái ngược:  Chúa vẫn an nhiên đi qua giữa đám đông và rời bỏ họ.  Không ai làm gì được Người.  Phải chăng là một phép lạ?  Ta có thể hiểu như vậy.  Nhưng ta cũng có thể hiểu cách khác.  Một người có thẩm quyền khi dạy dỗ (xem Mc 1:21-28; Lc 4:32,36) sẽ làm cho người khác phải kính nể, cũng giống như trường hợp trong Vườn Ô-liu khi Chúa nói với những kẻ đến bắt Người:  “Chính tôi đây”, họ phải lùi lại và ngã xuống đất (Ga 18:5-6).  Chúa Giê-su là người đầy lòng tin vào Thiên Chúa, luôn luôn có thể làm chủ bất cứ tình huống nào, dù là đối đầu với cái chết đi nữa.

          Hơn nữa, khi viết rằng Chúa Giê-su “băng qua giữa họ mà đi” và Người vẫn không một lời nói nặng đối với những kẻ toan hại mình, thánh Lu-ca muốn nói lên lòng trung thành và kiên trì của Chúa đối với sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Đường ta, ta cứ đi.  Con đường rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cần phải tiếp tục qua mọi khó khăn và chỉ kết thúc tại Giê-ru-sa-lem.  Lý tưởng của Người đã rõ ràng.  “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.  Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13:32-33).

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Chúa Giê-su là tột đỉnh mặc khải của Thiên Chúa.  Vậy nơi Chúa Giê-su, tôi nhận ra được điều gì Thiên Chúa muốn cho tôi biết?  Tôi đáp lại mặc khải ấy như thế nào?

          Thành kiến và ganh ghét có phải là một vấn đề lớn của tôi không?  Tôi đã nhìn người khác theo cái nhìn nào?

          Chúa Giê-su băng qua dân thành Na-da-rét mà đi vì họ không muốn tiếp nhận Người.  Có khi nào tôi làm cho Chúa phải băng qua tôi mà đi không?  Tôi thử nhìn kỹ lại một vài trường hợp cụ thể và xét xem phải làm gì để giữ Chúa ở lại với tôi?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          dân làng Na-da-rét đã không tin Chúa

          vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

          Các môn đệ đã không tin Chúa

          khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

          Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

          chỉ vì Chúa sống như một con người.

          Cũng có lúc chúng con không tin chúa

          hiện diện dưới hình bánh mong manh,

          nơi một linh mục yếu đuối,

          trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

          Dường như Chúa thích ẩn mình

          nơi những gì thế gian chê bỏ,

          để chúng con tập nhận ra Ngài

          bằng con mắt đức tin.

          Xin thêm đức tin cho chúng con

          để khiêm tốn thấy Ngài

          tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.”

                             (Trích RABBOUNI, lời nguyện 52)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi.

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C