Chúa Nhật II Mùa Vọng, C

(Lu-ca 3: 1-6)

 

          Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng giới thiệu Chúa Giê-su là Con Người sẽ đến xét xử trần gian và sứ điệp của Người kêu gọi ta phải chuẩn bị đón tiếp Người, hôm nay Phụng vụ Lời Chúa trình bày một gương mẫu đáp lại sứ điệp của Chúa:  ông Gio-an Tiền hô.  Ông mời gọi người ta chuẩn bị đón tiếp Chúa.  Nhưng lời mời gọi ấy lại chính là những điều ông đã sống và giờ đây ông đem chia sẻ với mọi người.  Vậy ông Gio-an là ai và sứ điệp của ông là gì?

 

1)  Thân thế và sứ mệnh của ông Gio-an Tiền hô

 

          Trước khi viết về sứ mệnh của ông Gio-an Tiền hô, thánh sử Lu-ca đã ghi lại bối cảnh lịch sử xã hội và tôn giáo thời ấy.  Các lãnh tụ đời cũng như đạo đều được nhắc tới.  Đây không chỉ là cách viết của một sử gia nói có sách mách có chứng, nhưng hơn thế nữa, thánh Lu-ca còn muốn trình bày một bối cảnh mà ông Gio-an sẽ thi hành sứ mệnh là kêu gọi người ta hối cải, nghĩa là cần phải đổi mới cả hai phương diện xã hội cũng như tôn giáo.

          Thân thế của ông Gio-an đã được nói đến trong Tin Mừng Lu-ca, chương 1.  Cuộc ra đời của em bé Gio-an mang những nét đặc biệt, cho thấy bàn tay Thiên Chúa can thiệp rõ ràng.  Mẹ em có thai trong tuổi già.  Cha em bị câm một thời gian vì hoài nghi lời sứ thần Gáp-ri-en tiên báo.  Mới là một bào thai, em bé đã biết nhảy mừng trong bụng mẹ khi bà đến viếng thăm Mẹ Ma-ri-a.  Ngay việc đặt tên cho em cũng khác thường, không phải bằng cái tên của họ hàng muốn đặt cho, nhưng cái tên Gio-an do thiên sứ truyền cho ông Da-ca-ri-a phải đặt.  Càng lớn lên, tinh thần cậu bé “càng vững mạnh”.  Khi lớn khôn, “cậu sống trong trong hoang địa, cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en”.

Trong hoang địa, Gio-an lãnh nhận sứ mệnh từ Thiên Chúa và ông chọn lựa một địa bàn hoạt động cũng rất khác thường, là “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.  Ta thử tưởng tượng mình sống vào thời ấy để thấy ông Gio-an thi hành sứ mệnh.  Phương tiện giao thông chỉ là đôi chân dày dạn.  Thế mà ông Gio-an đã đi khắp vùng ven sông Gio-an, đến các làng mạc chung quanh để rao giảng về sự sám hối.  Kèm theo lời giảng, ông chọn lựa một nghi thức để giúp người ta biểu lộ tâm tình sám hối, đó là phép rửa.  Mục đích sứ mệnh của ông là làm sao giúp người ta sẵn sàng “để được ơn tha tội”.  Ông ý thức rõ ràng phép rửa của ông chỉ là một nghi thức dùng nước để giúp người ta ý thức tình trạng tội lỗi của họ thôi, vì nước không thể rửa sạch tội lỗi cho ai được.  Chỉ có Đấng đến sau ông là Đức Ki-tô mới “làm phép rửa trong Thánh Thần” (Mc 1:8), nghĩa là chỉ Đức Ki-tô mới có thể tẩy rửa tội lỗi ta trong công trình cứu độ của Người.  Do đó, sứ mệnh của ông Gio-an là làm tiếng hô kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.

 

2)  Sứ điệp sám hối

 

          Dọn đường cho Đức Chúa đến, lối cho Người đi vào tâm hồn ta là mục tiêu của sứ điệp Gio-an.  Nhưng nếu đường đã bị cắt, lối đã bị ngăn thì làm sao Chúa đến với ta được.  Chúa không độc đoán dùng quyền năng của Người bắt ta phải để cho Người đến với ta, trái lại Người muốn có một cuộc gặp gỡ đồng tình, do ý muốn của đôi bên.  Nếu Người đã xếp bỏ thời gian và không gian vô biên của Thiên Chúa lại để chấp nhận chịu hạn hẹp trong thời gian và không gian của loài người qua Đức Ki-tô mà đến với ta, thì Người cũng mong ta hãy phá bỏ đi những giới hạn tâm hồn của ta để mở lòng cho Người tới.  Ngôn sứ I-sai-a đã dùng những hình ảnh thật quen thuộc để mô tả những giới hạn tâm hồn ấy.  Đó là thung lũng, núi đồi, quanh co, lồi lõm.  Đối với kỹ thuật và cơ giới hiện nay, thực hiện một con đường tại nơi gặp những trở ngại như trên không còn là vấn đề khó khăn.  Máy móc tối tân có thể giúp người ta xây một xa lộ trong thời gian thật ngắn.  Nhưng người ta lại bó tay không thể làm một con đường dẫn Chúa vào tâm hồn một người không muốn có sự thay đổi nào.

          Ông Gio-an chỉ lập lại sứ điệp của ngôn sứ I-sai-a thôi.  Sứ mệnh của ông quả đơn giản, là kêu gọi mỗi người hãy tự mình dọn đường lối cho Chúa đến.  Đúng vậy, ngoài Chúa ra, ai có thể biết rõ được tâm hồn người khác.  Mà giả như người khác có biết được những thung lũng, núi đồi, quanh co và lồi lõm của tâm hồn ta, thì họ cũng chẳng có thể làm gì hơn ngoài việc nhắc nhở ta sửa đổi.  Ông Gio-an đã đem cả cuộc đời để làm công việc đơn giản là nhắc nhở kêu gọi người ta. Tiếng hô của ông trong hoang địa đã vượt biên tới tận kinh thành Giê-ru-sa-lem.  Mọi người mọi giới đạo đời đã đến xin ông cho biết họ phải làm gì.  Có nhiều người làm theo lời chỉ dạy.  Nhưng cũng có nhiều người chẳng những không muốn nghe mà còn muốn dập tắt tiếng hô của ông.  Ông chấp nhận mọi thử thách và cả cái chết đau thương để chu toàn sứ mệnh nhắc nhở ấy.

 

3)  Những Gio-an Tiền hô hôm nay

 

          Khi đem sứ điệp sám hối đến cho dân chúng, bản thân ông Gio-an đã sống sứ điệp ấy.  Ông từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của thành phố và những tham vọng để chọn lối sống trong hoang địa, giống như lấp đầy đi cái thung lũng tham sân si của ông.  Ông bạt phẳng núi đồi kiêu căng ganh tị ngấm ngầm trong lòng, để xác tín chỗ đứng của ông sau Chúa Giê-su:  “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.  Ông cũng không quanh co đánh lận con đen, vỗ ngực nói với dân chúng đang ngưỡng mộ ông:  Tôi chính là Đấng Mê-si-a đây! (xem Lc 3:15).

          Mẫu người Gio-an đã lấy đời mình làm sứ điệp, làm tiếng hô sám hối.  Ki-tô hữu hôm nay cũng ý thức sứ mệnh làm sứ điệp sám hối.  Ta sống tinh thần sám hối, thay đổi và phá bỏ đi những trở ngại tâm hồn, để từ đó ta sẽ trở thành một tiếng hô cho gia đình, xã hội và thế giới.  Kinh nghiệm cho ta biết rất nhiều bậc cha mẹ không thể bảo ban dạy dỗ con cái được, là vì “tiếng hô” của họ rỗng tuyếch, không có cơ sở bởi đời sống gương mẫu.

          Trong viễn tượng truyền giáo, ta không thể mời gọi anh chị em chưa được biết Chúa đón nghe Tin Mừng nếu chính đời sống của ta không phản ảnh những giá trị Tin Mừng.  Ta không thể nói với họ về bác ái, yêu thương, nếu chính ta thiếu lòng bác ái yêu thương.  Ta không thể loan báo cho người khác biết Chúa đến cứu độ ta, nếu ta chưa cho họ thấy con đường Chúa đến với ta đã được chuẩn bị sẵn sàng.

 

4)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tất cả cuộc sống Ki-tô hữu là một hành trình sám hối không ngừng để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.  Vậy tôi đang trên hành trình ấy hay vẫn giậm chân tại chỗ?  Tôi có ý thức sứ điệp Tin Mừng của Chúa Ki-tô cũng bắt đầu bằng việc kêu gọi sám hối không?  Tôi đọc Mác-cô 1:15 hoặc Mát-thêu 4:17 và trả lời Chúa.

          Những điểm xấu và tiêu cực nào trong tâm hồn tôi được ví như thung lũng, đồi núi, quanh co, lồi lõm?  Tôi có một vài phương thức cụ thể nào để thay đổi chúng, đặc biệt trong mùa Vọng này?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến.

          Xin đừng mỉm cười mà nói rằng

          Chúa đã ở bên chúng con rồi.

          Có cả triệu người chưa biết Chúa.

          Nhưng biết Chúa thì được cái gì?

          Chúa đến để làm gì

          nếu đời sống con cái của Chúa cứ tiếp tục y như cũ?

          Xin hoán cải chúng con.

          Xin lay chuyển chúng con.

          Ước gì sứ điệp của Chúa

          trở nên máu thịt của chúng con,

          trở nên lẽ sống của cuọâc đời chúng con.

          Ước gì sứ điệp đó

          lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,

          và đòi buộc chúng con,

          làm chúng con không yên.

          Bởi lẽ chỉ như thế,

          sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con

          bình an sâu xa,

          thứ bình an khác hẳn,

          đó là Bình An của Chúa.”

-          Helder Camara

(Trích RABBONI, lời nguyện 11)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C