Chúa Nhật VI Phục Sinh, C

2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 14:23-29)

 

          Trong đoạn tâm sự Chúa Giê-su nói với các Tông đồ hôm nay, chúng ta nhận ra hai điểm chính tuy khác nhau nhưng lại liên hệ mật thiết với nhau, đó là việc tuân giữ lời Chúabình an Chúa ban.  Chúng ta hiểu Chúa muốn dạy rằng nếu chúng ta làm theo lời Chúa dạy thì chúng ta sẽ được bình an.  Vậy làm sao lại có sự liên hệ ấy?

          Chúa Giê-su là Ngôi Lời, tức Lời của Thiên Chúa.  Trước đây, Lời Thiên Chúa được ban cho nhân loại qua những trung gian là các ngôn sứ, nhưng từ khi Ngôi Lời xuống thế làm người, Thiên Chúa nói trực tiếp với chúng ta bằng tiếng nói và đời sống của một người phàm là Chúa Giê-su Ki-tô (Dt 1:1).  Do đó việc tuân giữ Lời Chúa không chỉ là làm theo sách luật dạy, nhưng còn là làm theo gương mẫu và lối sống của Chúa Giê-su.  Trước đây, liên hệ giữa kẻ tuân giữ và Lời Chúa được duy trì trong thái độ sợ hãi hoặc mong đợi được thưởng công.  Nhưng nay mối liên hệ giữa kẻ tuân giữ và Lời Chúa nhập thể được xây dựng trên lòng yêu mến.  Não trạng giữ luật Mô-sê là làm theo bề ngoài và nặng phần trình diễn.  Còn não trạng giữ luật Chúa theo lời dạy và gương mẫu của Chúa Giê-su là não trạng tuân giữ vì yêu mến.  Do đó việc giữ luật là một sinh hoạt mới mẻ, tức là sống mối quan hệ với Chúa Giê-su, là chúng ta ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong chúng ta.  Mối quan hệ yêu thương này đích thực là dấu chỉ nói lên Chúa Thánh Thần đang hiện diện trong chúng ta.  Một khi Chúa Thánh Thần là tình yêu thúc giục chúng ta tuân giữ lời Chúa, thì chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta mọi điều và giúp chúng ta nhớ lại mọi điều Chúa Giê-su dạy chúng ta.  Dạy và nhớ là hai điều căn bản của việc tuân giữ lời Chúa.  Chúa dạy và chúng ta nhớ.  Như cha mẹ, Chúa chỉ dạy để giúp chúng ta nên người.  Còn chúng ta nhớ để chúng ta thực hành.

          Nếu xác tín việc tuân giữ lời Chúa là sống mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa Giê-su, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao bình an là kết quả của việc tuân giữ ấy.  Điều làm chúng ta mất đi bình an không phải là không còn những tranh chấp, tị hiềm hoặc khổ đau, nhưng là vì những mối quan hệ của chúng ta đang bị tổn thương.  Một đứa con phạm lỗi biết là mình đang làm trái lời cha mẹ dạy nên chính nó cảm thấy không yên ổn, hoặc vì sợ bị trừng phạt, hoặc vì sợ cha mẹ không vui.  Đã lần nào chúng ta lái xe vô ý vượt đèn đỏ hay bảng stop chưa?  Mặc dù cảnh sát thực sự không có mặt lúc đó, thế mà chúng ta vẫn không an tâm, thỉnh thoảng nhìn vào kiếng chiếu hậu xem có xe cảnh sát nào theo và bật đèn chớp lên không!  Đúng là tâm trạng mất bình an!  Cũng thế, nếu còn giữ mối quan hệ với Chúa, mỗi khi chúng ta phạm tội là mỗi lần chúng ta mất bình an.  Ngược lại, khi mối quan hệ với Chúa diễn tiến tốt đẹp, chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc vì không có gì làm chúng ta phải lo lắng hay hãi sợ cả, mà chỉ thấy từ nơi Chúa chúng ta cảm nghiệm được bình an lạ lùng, không như kiểu bình an của người đời.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Chúa Giê-su bảo các môn đệ đừng xao xuyến và đừng sợ hãi.  Người nói điều này đang khi Người nghĩ đến giờ phút cuộc Thương khó đã gần kề và sẽ ảnh hưởng trên các môn đệ.  Người kêu gọi họ hãy liên kết với Người và Người sẽ giúp họ thắng vượt mọi khó khăn và đứng vững giữa thử thách.  Hôm nay Chúa vẫn nói cùng những lời hứa ấy với chúng ta và cũng trong cùng hoàn cảnh khó khăn thử thách.  Cũng như các môn đệ Chúa ngày xưa, chúng ta hãy lấy tình yêu làm động lực tuân giữ lời Chúa và chắc chắn sẽ được sống trong bình an của Người.

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C