Chúa Nhật Phục Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:1-9)

 

          Bài Tin Mừng không kể lại tỉ mỉ Chúa Giê-su đã sống lại như thế nào, nhưng kết thúc bằng một chân lý dựa trên Kinh Thánh:  Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.  Những nhân chứng đầu tiên không tận mắt nhìn thấy Chúa Giê-su sống lại.  Tuy nhiên với một số dấu tích Chúa để lại, như ngôi mộ trống, khăn che mặt, băng vải liệm xác, họ đã dùng con mắt đức tin để nhận ra một thực tại lớn lao hơn nhiều là sự kiện Chúa sống lại.  Thánh sử Gio-an đã viết xuống một nhận định hết sức ý nghĩa về biến chuyển đức tin của ngài vào biến cố Phục Sinh:  Ông đã thấy và đã tin.  Nhận định này nói lên thái độ của ba nhân chứng đầu tiên đối với việc Chúa sống lại từ cõi chết, là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và ông Gio-an.

          Vậy họ đã thấy gì?  Vừa đến mộ, bà Ma-ri-a thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.  Đứng ở cửa mộ nhìn vào, ông Gio-an  thấy những băng vải còn ở đó.  Vào thẳng trong mộ, ông Phê-rô thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giê-su.  Nếu để ý, chúng ta nhận ra một chuyển động nói lên biến chuyển của lòng tin, bắt đầu từ bên ngoài mộ tới cửa mộ, rồi từ cửa vào thẳng trong mộ.  Chuyển động đó diễn tả biến chuyển từ thấy đến tin, từ trước kia chưa hiểu lời Kinh Thánh đến nay hiểu lời Kinh Thánh nói về Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.

          Tuy nhiên, đức tin vào Chúa Giê-su sống lại không chỉ dừng lại ở sự kiện Phục sinh, mà còn đưa họ đi xa hơn nữa:  theo lệnh truyền của Chúa, họ “sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8).  Chúng ta không được biết bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã làm gì để làm chứng Chúa Giê-su sống lại, nhưng hai ông Phê-rô và Gio-an cùng các bạn Tông đồ của họ thì đã tuân lệnh Chúa, lên đường truyền giáo và lấy cái chết để làm chứng cho Tin Mừng.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Trong cuộc đời Ki-tô hữu, chúng ta đã thấy gì làm chứng rằng Chúa phục sinh đang hiện diện trong cuộc đời chúng ta?  Đâu là những dấu vết chúng ta giúp người khác nhận ra chúng ta đang sống trong niềm hy vọng được sống lại với Chúa trong ngày sau hết?

          Trước hết chúng ta nhận ra những dấu vết của Chúa phục sinh trong cuộc đời.  Đó là đức tin Chúa in sâu vào linh hồn, giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và dẫn dắt chúng ta.  Đức tin ấy đem chúng ta vào đời sống mới theo lối sống của Chúa Giê-su để phụng thờ Thiên Chúa và yêu thương anh chị em.  Đức tin ấy cũng thúc đẩy chúng ta biết chu toàn những việc bổn phận của mình trong đời sống hằng ngày.  Nhưng nhất là đức tin ấy sẽ đưa chúng ta về sum họp với Chúa và với anh chị em trong hạnh phúc vĩnh cửu mai sau.

          Nhưng Chúa cũng truyền dạy chúng ta phải biểu lộ đức tin ấy qua việc làm, những việc làm trở thành dấu chỉ cho người khác nhận biết Chúa.  Nếu Kinh Thánh làm chứng Chúa Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết, thì những việc làm của đức tin chúng ta cũng phải làm chứng rằng chúng ta là những Ki-tô hữu đích thực.  Chúng ta tin vào lời dạy của Chúa, tin vào căn tính làm con cái Chúa, tin vào lời hứa cứu độ của Chúa… thì việc làm của đức tin chúng ta là sống yêu thương như Chúa dạy, sống đàng hoàng, đạo đức và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, sống như là đang bước đi về quê hương đích thực là nhà Cha.  Sống đức tin như thế là chúng ta tạo ra thật nhiều dấu vết trong cuộc đời chúng ta, để nhờ đó những anh chị em chưa nhận biết Chúa có thể tìm thấy Người và trở về với Người.

 

Lm. Dominic TTL


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C