HAI NGÀN NĂM TRƯỚC

(LỄ CHÚA GIÁNG SINH)

(Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

 

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta đã dâng nhiều hy sinh hãm mình, cầu nguyện, lãnh phép Giải Tội để dọn tâm hồn hầu xứng đáng long trọng mừng Đại Lễ Chúa Giáng Sinh. Ở nhiều nơi, Lễ Chúa Giáng Sinh cũng được gọi là Lễ No-en (Noel: từ tiếng Latinh: “Natalis Dies”) và mừng vào ngày 25 tháng 12 hàng năm (Về ngày “Sinh Nhật của Chúa Giêsu”, xin đọc bài “Nhân Mùa Giáng Sinh: Tìm Hiểu Ngày Sinh Nhật của Chúa Giêsu Kitô”).

 

Hôm nay, nhân loại ở khắp nơi hân hoan  mừng ngày Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và ở giữa chúng ta (Emmanuel). Vâng, từ hơn hai ngàn năm trước, khi “thời gian đã viên mãn”, Ngôi Lời Thiên Chúa đã mặc lấy thân xác người phàm nơi lòng Trinh Nữ Maria qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, Ngài đã sinh ra và lớn lên như một con người trần thế. Ngài đã không sinh ra trong ‘lầu cao, gác tía’, trong cảnh quyền qúy cao sang; nhưng Ngài đã sinh ra trong cảnh khó nghèo cùng cực, nơi hang bò lừa. Ngài đến để đem thình thương, hoà bình cho nhân loại.

 

Đại lễ Chúa Giáng Sinh được mừng qua nhiều Thánh Lễ khác nhau:

 

Lễ Vọng Giáng sinh được mừng vào chiều ngày 24/12. Lễ Nửa Đêm thường được cử hành vào chính nửa đêm. Lễ Rạng Đông mừng vào lúc sáng sớm ngày 25/12, và Lễ Ban Ngày.

 

Thánh Lễ Vọng, Bài Phúc Âm (Matthêu 1: 1-25) kể lại gia phả của Chúa Giêsu bắt đầu từ tổ phụ Abraham. Tiếp theo là câu chuyện Trinh Nữ Maria chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần, và Thánh Giuse, sau khi được Thiên Thần cho biết “Đức Maria mang thai là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần”, liền vui mừng rước Maria về làm vợ theo luật pháp. Bài Đọc I (Isaia 62:1-5) nói đến Đấng Công chính xuất hiện như ánh sáng soi chiếu trần gian. Ngài đến để mang ơn cứu độ cho nhân loại”. Bài Đọc II (Công Vụ Tông Đồ 13: 16-17, 22-25) nói đến Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Vua David, và Thánh Gioan Tiền Hô đã ban Phép Rửa Thống Hối để dọn tâm hồn dân chúng đón Ngài đến.

 

Lễ Nửa Đêm thường được cử hành rất long trọng vào đúng nửa đêm để kỷ niệm việc Chúa Giêsu sinh ra  nghèo khó trong hang bò lừa giữa đêm khuya. Bài Phúc Âm (Luca 2: 1-14) kể rõ thời gian Chúa giáng sinh là vào đời Augusto (Hoàng Đế Rôma từ năm 29 trước Chúa giáng sinh đến năm 14 sau Chúa giáng sinh). Vì lệnh kiểm tra, thánh Guise phải đưa Đức Maria về khai sổ nơi nguyên quán là thành Vua David (Bêlem); hai ông bà đã đến nơi vào đúng lúc Đức Maria đến giờ sinh con, và vì không còn chỗ trong các nhà trọ, nên phải sinh con trong hang đá bò lừa giữa đồng trống lạnh giá. Các mục đồng là những người đã được Thiên Chúa báo tin mừng trước hết để đến kính viếng Chúa Hài Nhi được “bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”, và cả đạo binh Thiên Thần ca hát chúc mừng Chúa Hài Nhi giáng trần: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương!”

 

Bài Đọc I (Isaia 9: 1-6) ghi lại những lời tiên tri Isaia nói trước về ngày Đấng Cứu Thế đến “như ánh sáng chiếu soi bóng tối… Ngài là Người Cha muôn thuở, là Hoàng Tử Thái Bình…” Bài Đọc II (Thư Titô 2: 11-14): Thánh Phaolô nói đến ân sủng Chúa giáng trần đem đến cho nhân loại: “Dạy chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, sống công chính và đạo đức… Vì Ngài đã hiến thân để cứu chuộc chúng ta, và quy tụ chúng ta thành một dân riêng của Ngài, một dân chỉ chăm lo làm việc thiện.”

 

Lễ Rạng Đông được dâng vào lúc trời bừng sáng để nói lên tư tưởng chính trong Lễ Rạng Đông: Hôm nay, sự sáng chiếu soi trên nhân loại, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta …” (Ca Nhập Lễ). Bài Phúc Âm (Luca 2: 15-20) kể lại việc các mục đồng được Thiên Thần báo tin để đến thờ lạy Chúa Hài Nhi, và họ đã thấy “Đức Maria, Thánh Giuse và Hài Nhi nằm trong máng cỏ…” Sau đó, các mục đồng đi loan truyền cho mọi người biết; họ “vừa đi vừa ca tụng Thiên Chúa về những điều đã được mắt thấy tai nghe…” Bài Đọc I (Isaia 62: 11-12) nói về  niềm vui mừng ngày Đấng Cứu Thế đến. Những ai tin và được Ngài cứu chuộc sẽ được gọi là dân thánh của Chúa. Bài Đọc II (Thư Titô 3: 4-7), Thánh Phaolô nói đến ơn cứu độ Chúa ban cho chúng ta do lòng nhân từ của Chúa, chứ không do công nghiệp của chúng ta; nhờ ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta “được tái sinh trong Phép Rửa và được canh tân nhờ ơn Chúa Thánh Thần.”

 

Lễ Ban Ngày, nhấn mạnh đến niềm vui Chúa Giáng sinh: “Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta… Thiên Chúa đã đến với chúng ta …” (Ca Nhập Lễ). Khắp mọi nơi trên thế giới được nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa; nên hãy “hân hoan hát lên một Bài Ca mới…” (Đáp Ca, theo Thánh Vịnh 97). Bài Phúc Âm (Gioan 1: 1-18): Thánh Gioan Thánh Sử nói đến ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Nhập Thể; “Ngôi Hai Thiên Chúa vẫn có từ trước đời đời, đã nhập thể mặc lấy thân xác loài người để ở giữa chúng ta và ban ơn cứu độ cho chúng ta . Thánh Gioan Baotixita đã được sai đi trước dọn lòng dân chúng để  đón Đấng Cứu Độ. Bài Đọc I (Isaia 52: 7-10): Tiên Tri Isaia loan báo trước về ngày Đấng Cứu Thế đến và ban ơn cứu độ cho nhận loại, và khắp mọi nơi trên mặt đất đều được hưởng ơn cứu độ của Người”. Bài Đọc II (Thư  Do Thái 1: 1-6): Thánh Phaolô nói đến lịch sử ơn cứu độ qua các thời gian: từ thuở xa xưa, Thiên Chúa nói qua các tiên tri nhiều lần và dưới nhiều hình thức, và nay đã được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô giáng sinh. Ngài đã đến chịu đau khổ để cứu chuộc chúng ta , tẩy sách tội lỗi chúng ta. Ngài đã sống lại và lên trời vinh hiển để mở đường giải thoát chúng ta. Vì thế, muôn loài, muôn vật đều thờ lạy Ngài trong vinh quang.

 

Mùng ngày Chúa giáng sinh, chúng ta hãy cùng hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa mở rộng lòng chúng ta để chúng ta luôn biết noi gương Chúa dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khó, những người bị xã hội bỏ rơi. Xin Chúa ban hòa bình của Chúa cho mọi gia đình, cho thế giới chúng ta, cho quê hương và Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Xin Chúa nhân từ chúc lành cho chúng ta cũng như cho các vị Chủ Chăn, các Linh Mục, Tu sĩ nam, nữ và toàn thể dân Chúa trong Năm Linh Mục này.

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C