Lễ Hiển Linh

Tin Mừng cho lương dân

(Isaia 60,1-6; Thư Êphêsô 3,2-3a.5-6; Matthêô 2,1-12)

 

Phúc Âm: Mt 2, 1-12

"Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua".

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Suy Niệm:

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

Chúng ta đọc: Isaia 60,1-6 ; Thư Êphêsô 3,2-3a.5-6 ; Tin Mừng Matthêô 2,1-12

Lễ Hiển linh ngày nay không còn long trọng như ngày trước. Nó không còn là cao điểm có nhiều Chúa Nhật theo sau làm thành một mùa phụng vụ Hiển linh nữa. Nay, Hiển linh chỉ còn là lễ sau hết của mùa Giáng sinh. Và như thế cũng dễ hiểu. Vì Hiển linh là gì, nếu chẳng phải là việc Ðấng Linh thiêng tỏ hiện ra? Thế mà còn việc tỏ hiện nào rõ rệt hơn chính Ðấng Linh thiêng mặc lấy xác thịt sinh ra làm người? Giáng sinh là Hiển linh vậy.

Tuy nhiên, lễ Hiển linh hôm nay cũng có một đối tượng rõ rệt. Nó nói đến việc Thiên Chúa Giáng sinh làm người tỏ mình ra cho dân ngoại, cũng như Người đã tỏ mình ra cho dân Dothái khi gọi mục đồng đến thờ lạy và khi để cho ông Simêon và bà Anna nhìn thấy Người nơi Ðền thờ. Lễ Hiển linh nằm trong mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ bản tính thần linh của Người ra cho mắt phàm của loài người chúng ta được nhìn thấy Người. Nhưng những kẻ được nhìn thấy Người hôm nay không phải là dân Dothái nữa, mà là các dân ngoại. Và điều này được cả ba bài đọc Kinh Thánh của Phụng vụ Thánh lễ hôm nay đồng thanh nói lên.

1. Isaia Ðã Tiên Báo Mầu Nhiệm Này

Bài sách của ông ngày nay được thẩm định như một bản văn khởi hứng vào mùa thu năm 520. Dân Dothái mới được phép hồi hương. Ðoàn người đạo đức về trước đã lập lại được bàn thờ ở Yêrusalem và đang xây dựng lại cả ngôi thánh đường ngày trước. Ai ai cũng phấn khởi. Dịp lễ Trại càng nô nức hơn nữa. Có lẽ chính bối cảnh đó đã khởi hứng cho tác giả của đoạn tiên tri hôm nay.

Ông nhìn vào các tường thành đang mọc lên và ông thốt ra lời phấn khởi: hãy vùng đứng, hỡi Yêrusalem; vì ánh sáng của Thiên Chúa cứu độ đã tỏa xuống trên ngươi. Hết rồi các thời ngươi bị nhục nhã tiêu điều trong cảnh lưu đày.

Ngược lại, kìa xem các dân tộc đang tối tăm trong gió bụi. Bàn tay Thiên Chúa đang đè nặng trên họ. Còn ngươi, bây giờ bình an đang xây lại giao ước với Thiên Chúa tín thành... Người mà vùng lên trong chiều hướng này thì rõ ràng các Lời Thiên Chúa cùng tổ phụ chúng ta sẽ thực hiện. Mọi dân đang đi trong tối tăm lầm lạc sẽ nhìn thấy ánh sáng chiếu trên ngươi mà tuôn đến. Họ đem theo cả con cháu ngươi đã phân tán trong thời lưu lạc trở về. Họ mang nhiều thổ sản đến dâng lễ cho Thiên Chúa.

Như vậy tác giả đã căn cứ vào thực tại để nói lên niềm tin vào tương lai theo như lời Chúa hứa. Lời của ông đúng thật là lời tiên tri, theo nghĩa tiên báo về thời sau hết, khi mọi Lời Hứa được thực hiện. Do đó nó vượt xa hơn cả thời thiên sai nữa, nếu ta hiểu thời này là lúc Chúa Cứu thế sinh ra trong xác thịt. Nó nói về thời cánh chung, khi mọi sự được hoàn tất. Và như thế, tác giả sách Khải huyền thật có lý khi mượn lại những lời tiên tri hôm nay để nói về Yêrusalem trên trời (21,9-27).

Nhưng không thể có Yêrusalem trên trời trước khi có Yêrusalem dưới đất. Không phải Yêrusalem "hình bóng" nơi dân Dothái mà là Yêrusalem "chân thật" là Hội Thánh chúng ta.

Do đó, lời tiên tri hôm nay cũng đưa về Hội Thánh đang trên đường lữ thứ trần gian, Hội Thánh mà Công đồng Vatican 2 đã tuyên xưng là "ánh sáng muôn dân". Và trong thực tế, Hội Thánh này đang quy tụ muôn dân muôn nước, mà trước đây là dân ngoại. Hội Thánh đã được ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi ngay từ hôm Thánh Thần hiện xuống. Các dân tộc bắt đầu đến với Hội Thánh ngay từ hôm đó. Sự hiện diện của Hội Thánh ở giữa thế giới nói lên rằng lời tiên tri Isaia đang được thực hiện.

Và như thế là nhờ ở ánh sáng của Thiên Chúa cứu độ đang tỏa trên Hội Thánh như mây sáng phủ trên Lều Giao ước trên đường đi giữa sa mạc. Vì nếu không có "Chúa ở với Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế", Hội Thánh không thể quy tụ được muôn dân nước như vậy. Chính Ðức Yêsu, Con Thiên Chúa giáng trần làm người đã đem ánh sáng mới vào thế gian và đặt nơi Hội Thánh. Chính Người sau khi tử nạn và phục sinh đã tuôn đổ Thánh Thần xuống dưới hình lưỡi lửa để Hội Thánh trở thành ánh sáng muôn dân.

Và như thế lời Isaia nói về Yêrusalem ở thời cánh chung cũng như trong giai đoạn lữ thứ trần gian, cuối cùng phải căn cứ vào việc Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh trong xác thịt để tỏ vinh quang Thần tính cho thiên hạ được thấy. Phụng vụ có lý để đọc bài tiên tri này trong ngày lễ hôm nay. Và chúng ta được khuyến khích nhìn vào con trẻ thành Bêlem như là cứu tinh các dân tộc, vì Người thật là ánh sáng chiếu trong Hội Thánh.

2. Thánh Mátthêu Nhìn Thấy Mầu Nhiệm

Người diễn tả mầu nhiệm trong bài Tin Mừng hôm nay. Bề ngoài người như muốn thuật truyện, nhưng thật ra người đã mượn truyện để nói lên niềm tin Ðức Yêsu là ánh sáng muôn dân và là nhà của Người là Hội Thánh sẽ tập họp muôn nước. Chính vì vậy mà câu truyện người kể có nhiều thiếu sót về văn chương khiến hậu thế đã tìm cách bổ sung bằng nhiều ý kiến khác thường.

Người ta muốn xác định có những vị vua từ Batư tới mang theo các lễ vật để dâng Chúa. Vìcó vàng, hương và mộc dược nên hãy quy định họ là phái đoàn 3 người cho tiện. Ðàng khác, con số 3 này lại nhắc nhở tới 3 người con Noe là tổ phụ của tất cả loài người sau nạn lụt. Họ có thể đã từ Batư tới bởi vì năm 614 khi quân đội nước này đến tàn phá thánh địa họ đã kính trọng đền thờ ở Bêlem vì trong đó có họa những người mặc y phục Batư đến thờ lạy Hài nhi. Nhưng nếu như vậy thì không nên coi họ là vua cho dù danh từ hợp với những câu thánh vịnh (72,10) nói rằng: "Vua Chúa Tarsis và các đảo sẽ kiệu đến lễ vật; Vua Chúa Sêba và Saba sẽ đem triều cống lại chầu". Ở Batư không có nhiều vua cùng một lúc, nhưng lại có nhiều đạo sĩ, cũng là những nhà hiền triết thông thạo Kinh Thánh Batư và thường được các hoàng đế Batư thỉnh vấn. Nabuchodonosor khi đến Yêrusalem (Yr 39,3-13) cũng đem theo một vị đạo sĩ như thế để bàn hỏi.

Nhưng tất cả những yếu tố đó không quan trọng đối với thánh Matthêu. Người chú trọng giới thiệu Ðức Yêsu là Cứu thế, Ðấng mà ở thời thánh Matthêu, người Dothái không chịu công nhận đang khi các dân ngoại gia nhập Hội Thánh. Thế nên vai trò chính trong câu truyện là những con người đến từ phương Ðông và các tư tế ở Yêrusalem. Dân ngoại nhờ đường lối tự nhiên đã khởi sự tìm ra Chúa; trong khi dân Dothái có sách Thánh mà không biết đến Người. Nói đúng hơn, dân ngoại cũng phải nhờ người Dothái công bố sách Thánh thì mới thành công trong việc đi theo đường lối tự nhiên, bởi vì ơn cứu độ bởi dân Dothái mà đến. Nhưng dân này đọc sách Thánh mà không hiểu, đang khi chỉ một vài chỉ dẫn của Thánh Kinh đã giúp được dân ngoại lên đường gặp Chúa.

Ở đây nói cho đúng không phải là lời sách Isaia mà là lời tiên tri Mikê, cũng đồng thời với Isaia. Mikê thấy dân Chúa đang hoảng hốt trước sức mạnh xâm chiếm của ngoại bang (Assyria), ông được lệnh an ủi và củng cố dân... Không có gì phải sợ tên "Gôliát" ấy, vì Chúa sẽ cho xuất hiện một Ðavít mới từ Bêlem, làng nhỏ xíu của đất Yuđa. Như vậy thì Bêlem đâu có nhỏ nữa; nên thánh Matthêu mới đổi lại câu và viết: Bêlem hẳn không phải là nhỏ nhất trong hàng bộ lạc Yuđa. Thánh Matthêu nghĩ đến Chúa Yêsu sinh ra ở Bêlem, Người sẽ làm lớn vì sẽ chăn dắt Israel Dân Chúa.

Các đạo sĩ sẽ nhận ra Người khi nghe lời Kinh Thánh mà tiếp tục cuộc hành trình đã khởi sự từ phương Ðông. Ngôi sao lạ lại xuất hiện dẫn đường. Chính nó đã khiến họ biết có một vị cứu tinh hay cứu thế đã ra đời, vì người xưa vẫn quan niệm đời những nhân vật xuất chúng thường gắn liền với một vì sao. Chúa cho họ thấy một sao lạ hiện ra ở trên trời. Họ đinh ninh ngay rằng đó là ngôi sao của một vị cứu tinh mới. Chúa dùng đường lối tự nhiên, phù hợp với họ, để đưa họ lên đường cứu rỗi. Họ đến Yêrusalem. Ðiều này làm chứng nỗi chờ mong vị cứu thế ở trong dân Chúa đã được những dân tộc chung quanh nghe biết. Họ hỏi vua Hêrôđê. Nhưng nơi dân Chúa, muốn biết chân lý phải đọc Thánh Kinh Lời Chúa sẵn đó, nhưng phải thi hành, có đi đến Bêlem mới gặp; chứ không cố gắng như các luật sĩ ở lại Yêrusalem thì chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng cứu độ đã tỏa xuống trên Yêrusalem mới là Hài nhi thành Bêlem và Hội Thánh mới mẻ của Người.

Như vậy, thánh Matthêu đã có nhiều ẩn ý khi viết bài Tin Mừng hôm nay. Ðó là Tin Mừng cho lương dân và đúng hơn cho Hội Thánh của Chúa Yêsu. Ngược lại nó gây lo lắng buồn phiền cho Yêrusalem cũ, là những người Dothái không đón nhận Chúa Yêsu. Ðúng như Yoan viết trong chương mở đầu sách Tin Mừng thứ tư: "Người đã đến trong nhà Người mà gia nhân của Người đã không tiếp nhận. Còn ai tiếp nhận thì Người đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa... Và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người".

Ðiều này cũng là ý của bài thơ Phaolô hôm nay. Theo người: mầu nhiệm trong các thế hệ trước chưa hề thông tri cho con cái loài người, thì nay đã được mạc khải ra: ấy là dân ngoại cũng là kẻ thừa tự, là thân mình, và đồng hưởng lời hứa trong Ðức Yêsu Kitô nhờ Tin Mừng.

Nhưng không thể Phụng vụ hôm nay chỉ nói lên mầu nhiệm đó để Hội Thánh tạ ơn và để chúng ta biết mình đã được Chúa thương kêu gọi từ dân ngoại vào hưởng gia nghiệp Dân Chúa. Bài sách Isaia đã căn cứ vào thực tại nhưng muốn người ta nhìn xa hơn cho đến tận cùng lịch sử. Phụng vụ hôm nay cũng khuyên chúng ta hướng mắt về thời cánh chung mà vùng lên, bừng sáng lên để lôi cuốn, chỉ đường cho các dân tộc xây dựng ngày mai tươi sáng. Ý tưởng của bài thư Phaolô cũng vậy. Thánh Tông đồ viết ra để thúc đẩy chúng ta nhiệt tình với công cuộc truyền giáo. Và bài Tin Mừng rõ ràng khuyến khích mọi người lên đường tìm Chúa theo gương các đạo sĩ.

Chúng ta sẽ thành thật tham dự mầu nhiệm Hiển linh này, nếu sau khi thờ lạy Chúa trong Phụng vụ chúng ta cũng vươn lên, bừng sáng, tức là có nếp sống tốt đẹp hơn, để soi sáng cho người khác biết Chúa; chúng ta cũng phải lên đường với tha nhân, nêu lên với họ những câu nói về Chúa. Có khi chính chúng ta sẽ thấy phải rở lại sách Thánh; và lần này đọc lên chúng ta sẽ hiểu rõ thời điềm, tức là đọc thấy ý Chúa nơi mọi sự việc xảy đến hằng ngày. Có thể có nhiều ánh sao đang chờ đợi dẫn đưa chúng ta đến gặp Chúa và đưa người ta đến với Người. Và như vậy, năm nay cũng có một lễ Hiển linh cho chúng ta.

 

Đức Cố GM Bart. Nguyễn Sơn Lâm

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C