NHƯ CHIÊN GIỮA SÓI RỪNG

(CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN, NĂM C)

 (Linh Mục Anphong Trần Đức Phương)

 

 

 

Chúa Nhật hôm nay nói đến niềm hân hoan của những tâm hồn tôn thờ và đặt niềm tin nơi Chúa, sau khi đã vượt qua được những vất vả và thử thách. Bài Phúc Âm đặc biệt nói đến nhiệm vụ truyền giáo mà Chúa trao cho mỗi tín hữu chúng ta.

 

Bài Đọc I (Isaia 66: 10-14): Nói đến niềm vui mừng của Dân Chúa sau cuộc lưu đầy, được trở về tái thiết lại quê hương và thành thánh Giêrusalem, được Thiên Chúa thứ tha lỗi lầm và ban muôn vàn ơn an ủi. Bài Đọc II (Galat 6: 14-18): Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu hãy luôn cố gắng sống như “những con người mới” và hãy mang trong tâm hồn những hình ảnh khổ nạn của Chúa Giêsu trên thập giá để luôn sống bình an trong Chúa giữa mọi thử thách. Bài Phúc Âm (Luca 10: 1-12, 17-20): Chúa Giêsu sai thêm 72 môn đệ “đi từng hai người một đến các thành mà Chúa sẽ đến…” Chúa cũng dặn các ông những điều phải giữ và phải làm để đối phó với những hoàn cảnh khó khăn trên bước đường truyền giáo. Khi trở về sau những ngày truyền giáo, các ông rất đỗi vui mừng vì những thành quả thật lớn lao, Chúa Giêsu đã hướng tâm trí các ông về những niềm vui lớn hơn nữa là niềm vui được thưởng công trên Nước Chúa sau này, vì đó là mục đích cuối cùng của mọi nỗ lực sống đức tin và truyền giáo.

 

Chúng ta đều biết Chúa đã chọn 12 tông đồ, cũng đã sai các ông đi thực tập truyền giáo (Matthêu 10: 1-16; Luca 9: 1-6). Nhưng trong Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại việc Chúa “lại sai 72 người khác đi trước đến các thành mà chính Chúa cũng sẽ đến”. Các nhà chú giải Thánh Kinh cho là con số 72 (hoặc 70) để chỉ công cuộc truyền giáo sau này cho các dân ngoài Do Thái, và vì thế cánh đồng truyền giáo thật bao la và cần thật nhiều thợ gặt: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì it…”

 

Công việc truyền giáo là bổn phận của mỗi tín hữu chúng ta. Cánh đồng truyền giáo thật bao la. “Lúa thì đã chín đầy đồng” (nghĩa là đã có bao nhiêu người đã sẵn sàng đi theo Chúa); nhưng lại “thiếu thợ gặt” (nghĩa là thiếu nhiều người để giúp đỡ họ đến với Chúa và đi theo Chúa). Vì vậy, mỗi tín hữu chúng ta đều có bổn phận làm thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo của Chúa bằng cách này hay cách khác tùy theo hoàn cảnh. Đó là việc Tông Đồ Giáo Dân mà mỗi tín hữu chúng ta phải chu toàn.

 

Trên con đường truyền giáo, chúng ta thường phải đối phó với nhiều khó khăn, nhiều khi vượt quá khả năng của chúng ta, nên chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều; chúng ta phải nỗ lực, nhưng kết quả là do Ơn Thánh Chúa. “Nếu mà Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công!...”(Thánh Vịnh 127).

 

Hơn nữa, chúng ta cũng luôn gặp phải những chống đối, thù ghét và mưu mô hiểm độc của thế gian, nhất là của các “Ngôn Sứ Giả” (Matthêu 7: 15); đặc biệt nguy hiểm hơn cả là ‘những sói dữ đột nhập vào hàng ngũ của chúng ta...” (Công Vụ 20: 29; 1Gioan 2: 19); vì thế, Chúa bảo các Tông đồ  và mỗi người chúng ta phải coi chừng: “Thày sai các con đi  như chiên giữa bầy sói!” Chiên làm sao có thể đương đầu với sói dữ! Chúa lại bảo chúng ta: “Hãy khôn ngoan như con rắn, và đơn sơ như chim bồ câu!” Có Chúa phù trợ, chúng ta vẫn có thể vượt thắng tất cả! Giáo Hội Chúa mọi thời và mọi nơi luôn bị bách hại thảm khốc cách này hay cách khác; nhưng Chúa vẫn giúp Giáo Hội vượt qua tất cả. Các Hoàng đế Rôma đã bách hại tàn nhẫn Giáo Hội lúc ban đầu. Các Giáo Hội ở Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Phi Châu… cũng đều đã bị bách hại tàn khốc ngay từ lúc ban đầu. Nhưng thời gian qua đi, các triều đại Vua Chúa đó đều đã qua đi hết, nhưng Giáo Hội Chúa vẫn tồn tại và phát triển.

 

Chế độ Cộng Sản vô thần cũng tưởng sẽ tiêu diệt dễ dàng Đạo Thánh Chúa, nhưng rồi chế độ đó cũng đã tan rã dần dần, còn Giáo Hội Chúa lại vẫn tồn tại và phát triển. Chúa vẫn ở cùng Giáo Hội (Matcô 16:20; Matthêu 28:20). Thánh Thần Chúa luôn thánh hóa và gìn giữ Giáo Hội vượt qua mọi thử thách. Đừng sợ! Đừng la hoảng! Đừng trách cứ lẫn nhau! Vì Thánh Phaolô đã bảo chúng ta trong thư Galat (5: 15): “ANH EM HÃY COI CHỪNG, NẾU ANH EM CẮN XÉ LẪN NHAU LÀ ANH EM TỰ TIÊU DIỆT LẪN NHAU ĐÓ!”

 

Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung cho nhau, cho toàn thể Giáo Hội, cách riêng cho các nơi đang bị bách hại, cho Quê Hương và Giáo Hội Việt Nam.

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C