Chúa Nhật 15 Thường niên, C

2010

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 10:25-37)

 

          Để trả lời câu hỏi “Ai là người thân cận của tôi”, Chúa Giê-su kể một câu truyện, vì nếu trả lời cách bình thường, có lẽ khó trình bày vấn đề một cách sâu sắc mà lại đơn sơ được.  Vậy Chúa kể câu truyện gì? 

Đây là một câu truyện thời sự, có thể đã xảy ra nhiều lần rồi.  Truyện kể về một người bộ hành gặp nạn cướp trên đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô.  Chắc chắn đây là một người Giu-đê, vì ông ta khởi hành từ Giê-ru-sa-lem.  Đoạn đường hai mươi lăm cây số này là nơi làm ăn của bọn cướp.  Không biết bao nhiêu người đã rơi vào tay bọn chúng.  Người bộ hành trong câu truyện hôm nay cũng chung một số phận.  Ông ta bị chúng đánh gần chết và bỏ mặc bên vệ đường.  Người thứ nhất đi ngang qua là một tư tế, nhưng vị tư tế nghĩ bổn phận phục vụ tại Đền Thờ không cho phép ông đụng tới người sắp chết nên ông tránh qua bên kia đường và đi thẳng, mặc cho người gần chết kêu cứu.  Người thứ nhì đi tới cũng là một chức sắc, một thầy Lê-vi.  Nhưng ông ta làm như không thấy nạn nhân và cũng “tránh qua bên kia đường mà đi”.

Nạn nhân may mắn gặp được một người Sa-ma-ri dừng lại và tận tình săn sóc.  Người Sa-ma-ri này gạt bỏ mọi trở ngại để cứu giúp nạn nhân.  Người ấy đã vượt hàng rào ngăn cách chủng tộc mà đến với người Giu-đê.  Ông đã không ngần ngại mất thì giờ để dừng lại, dành thời gian chăm sóc nạn nhân.  Ông đã không quan tâm tới tiền bạc, tốn phí, miễn là tính mạng và sự an toàn của nạn nhân được bảo đảm.  Sau hết ông còn đề ra cả một kế hoạch lâu dài để thực hiện việc chăm sóc cho nạn nhân đến cùng, bằng cách kéo thêm người khác tham gia vào công cuộc bác ái.

Chúa Giê-su đã diễn tả dung mạo người thân cận của chúng ta qua hình ảnh vô cùng sống động người Sa-ma-ri nhân hậu.  Câu truyện này giúp chúng ta khám phá những đặc tính của một người chúng ta gọi là “người thân cận”.  Người thân cận không dựa trên những phân biệt chủng tộc, giai cấp xã hội, nhưng dựa trên mẫu số chung là tương quan giữa những con cái có cùng một Cha trên trời.  Người thân cận là người thực sự sống mối tương quan ấy, không chỉ qua xã giao bề ngoài hay tình cảm, mà qua đời sống bác ái biết chăm sóc cho nhau về mọi phương diện.  Người thông luật trong câu truyện cũng cho chúng ta một định nghĩa cụ thể về người thân cận:  “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Kết thúc câu truyện Tin Mừng, Chúa Giê-su nói với nhà thông luật:  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.  Chúa đã giúp chúng ta nhận diện người anh chị em được gọi là “người thân cận”.  Xã hội hôm nay là môi trường của “những người thân cận”.  Những người khác mầu da chủng tộc và ngôn ngữ sống bên cạnh nhau.  Những người có lý lịch và văn hóa khác nhau ở cùng trong một khu phố.  Chính chúng ta cũng đang sống trong môi trường những người thân cận đó.  Vậy mà nhiều khi chúng ta chẳng phải là người thân cận của họ, hay ngược lại họ cũng không phải là những người thân cận của chúng ta!  Vì thế, chúng ta hãy đáp lời Chúa Giê-su dạy:  “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy”.  Chúng ta hãy đi băng bó vết thương cho anh chị em, không hẳn vết thương thể xác, nhưng hầu hết là những vết thương tâm lý, những nỗi đau, nỗi buồn, nỗi cô đơn… của họ.  Chúng ta hãy lấy “dầu, rượu” là biểu tượng của tình yêu thương, lòng cảm thông, sự tha thứ để hàn gắn những sứt mẻ, mất mát của anh chị em. Nếu cần, chúng ta cũng phải hy sinh cả tiền bạc, thì giờ để sống như người Sa-ma-ri nhân hậu đã sống.       

Lm. Dominic TTL    


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C