Chúa Nhật 2 Thường niên, C

2010

 

          Chúa Giê-su tỏ mình là Đấng cứu độ qua sự kiện ba nhà Đạo sĩ phương Đông tới kính thờ và qua việc Thiên Chúa Cha giới thiệu Người bên bờ sông Gio-đan.  Hôm nay, bài Tin Mừng kể lại phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su thực hiện tại Ca-na nhắm mục đích “bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người”.  Phép lạ đánh dấu khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su.  Sự xuất hiện của Chúa Giê-su khai mở một triều đại mới, triều đại của ơn cứu độ.  Vậy Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói gì về sự hiện diện và sứ vụ của Chúa Giê-su giữa lòng nhân loại?

 

1.  Viễn tượng thay đổi nhân loại do sự hiện diện của Đấng cứu độ theo cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a  (bài đọc Cựu Ước – I-sai-a 62:1-5)

 

          Đấng cứu độ được sai đến trần gian là để làm một cuộc thay đổi tận gốc rễ.  Ngay từ thời Cựu Ước, ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy viễn tượng thay đổi này.  Ngôn sứ lấy hình ảnh của Xi-on và Giê-ru-sa-lem được thay đổi để nói về một cuộc thay đổi toàn bộ cục diện nhân loại.  Vậy trước hết ta hãy nghe I-sai-a trình bày viễn tượng đổi thay của Xi-on và Giê-ru-sa-lem. 

Đồi Xi-on cũng như thành Giê-ru-sa-lem đã trở nên hoang tàn sau khi Ít-ra-en rơi vào tay đế quốc Ba-by-lon.  Dân cư thì bị phát lưu nơi xứ lạ quê người và làm thân nô lệ.  Đền Thờ bị tục hóa, các đồ thờ phượng bị lấy đi hoặc bị làm ô uế.  Thân phận của Xi-on và Giê-ru-sa-lem giờ đây quả là “đồ bị ruồng bỏ” và “phận bạc duyên ôi”.  Dường như Thiên Chúa cũng không thèm ngó ngàng cứu giúp.  Những người con của Giê-ru-sa-lem lúc này đang ngồi khóc bên bờ sông Ba-by-lon.  Hy vọng trở về cố hương mong manh như sợi chỉ.  Vậy mà giữa đám người lưu đày và thất vọng ấy, niềm hy vọng đã lóe sáng khi ngôn sứ I-sai-a loan báo:  “Ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông, ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc” (Is 62:1).

Mọi sự được đổi mới khi đức công chính xuất hiện và ơn cứu độ rực lên.  Đó là viễn tượng của Ít-ra-en mới theo cái nhìn của ngôn sứ I-sai-a.  Cuộc đổi mới này được I-sai-a thi vị hóa qua hình ảnh hôn nhân.  Nó làm cho Thiên Chúa vui mừng tựa như cô dâu là niềm vui cho chú rể. 

Tuy nhiên I-sai-a không dừng lại ở cuộc đổi mới Ít-ra-en, mà chỉ dùng hình ảnh ấy để nói về toàn thể nhân loại sẽ được đổi mới do công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su.  Ở đây vị ngôn sứ dùng nhiều hình ảnh ám chỉ về Chúa Giê-su.  Người là “đức công chính xuất hiện và ơn cứu độ rực lên”.  Người được Chúa Cha sai xuống trần gian, làm “chú rể” để cưới “cô dâu” nhân loại.  Người sẽ đổi tên của nhân loại, hay nói đúng hơn, Người sẽ đổi danh phận của nhân loại giống như Đức Chúa đổi danh phận của Giê-ru-sa-lem.  Một Giê-ru-sa-lem bị nguyền rủa là “Đồ bị ruồng bỏ” và “Phận bạc duyên ôi” được đổi thay thành “Ái khanh lòng Ta hỡi” và “Duyên thắm chỉ hồng”.  Cũng thế, Chúa Giê-su đến để thay đổi căn tính của nhân loại.  Từ những kẻ thù của Thiên Chúa, ta được mời gọi làm con cái của cùng một Cha trên trời.  Từ những kẻ bị tội lỗi tước đoạt hết mọi sự, nhất là sự sống đời đời, ta được phục hồi quyền thừa kế gia nghiệp của Thiên Chúa cùng với Con Một Người là Chúa Ki-tô.  Cuộc thay đổi này là nhiệm cục cứu độ đã được Thiên Chúa Cha hoạch định từ trước, nay đang được Chúa Ki-tô thi hành và sức mạnh của Thánh Thần tiếp tục hoàn tất.

 

2.  Thay đổi bộ mặt trái đất là công việc của Chúa Thánh Thần  (bài đọc Tân Ước – 1 Cô-rin-tô 12:4-11)

 

          Chúa Giê-su không thực hiện công cuộc cứu độ một mình, nhưng theo “kế hoạch yêu thương” (Ep 1:9) của Thiên Chúa Cha và trong sức mạnh của Thánh Thần (Ep 1:3.14).  Suy niệm của thánh Phao-lô trong bài đọc Tân Ước cho thấy Thánh Thần không chỉ hoạt động trong sứ vụ của Chúa Giê-su (Lc 4:1.18), mà còn tiếp tục hoạt động qua những đặc sủng nơi những ai mở lòng đón nhận ơn cứu độ.  Thực vậy, Thánh Thần hoạt động trong việc rao giảng ơn cứu độ thì cũng hoạt động trong việc lãnh nhận ơn cứu độ, nghĩa là Chúa Thánh Thần ảnh hưởng cả người rao giảng Tin Mừng lẫn người lắng nghe Tin Mừng. 

Trong đoạn thư hôm nay, tuy thánh Phao-lô nêu lên những hình thái hoạt động khác nhau của Chúa Thánh Thần, nhưng cốt ý là trình bày sự liên kết hài hòa của Thiên Chúa Cha, Chúa Ki-tô và Chúa Thánh Thần để thực hiện kế hoạch cứu độ.  Thánh Tông đồ khẳng định đặc tính duy nhất và hiệp nhất của kế hoạch ấy.  Để ơn cứu độ được rao giảng, đón nhận và viên mãn, đặc tính duy nhất này phải được thể hiện trong những “đặc sủng, việc phục vụ và hoạt động” khác nhau.  Đặc tính duy nhất ấy đưa ta trở về nguồn để nhận ra các đặc sủng là do một Thần Khí, các việc phục vụ là do một Chúa (Ki-tô) và các hoạt động là do một Thiên Chúa (Cha).  Sau khi trình bày đặc tính duy nhất và hiệp nhất của kế hoạch cứu độ, thánh Phao-lô đặc biệt nói đến những hoạt động cụ thể của Thánh Thần trong việc loan báo và đón nhận ơn cứu độ.  Để giúp việc loan báo ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần ban cho ta “ơn khôn ngoan để giảng dạy, ơn hiểu biết để trình bày”.  Để giúp ta đón nhận ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần ban cho ta “lòng tin”.  Để nói lên những dấu chỉ giúp người ta nhận biết ơn cứu độ, Chúa Thánh Thần ban những ơn đặc biệt cho một số người, như “ơn chữa bệnh, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định thần khí, ơn nói các thứ tiếng lạ, ơn giải thích tiếng lạ”.  Như thế, quả thực thánh Phao-lô đã cho ta một hình ảnh sinh động về kế hoạch cứu độ, được thực hiện trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa và trong sự loan báo cũng như đón nhận của tất cả những ai muốn cộng tác vào kế hoạch ấy.  Điều quan trọng là ta có thực sự nhận biết sự sinh động này hay không, nhờ đó ta không trở thành kẻ bàng quang hay thụ động đứng ngoài kế hoạch cứu độ yêu thương, nhưng tích cực làm kẻ đón nhận và giúp người khác đón nhận ơn cứu độ.

Đặc sủng của Thánh Thần có nhiều thứ khác nhau, được biểu lộ tùy theo hoàn cảnh và nhắm tới cùng một mục đích.  Ta không thể nói “tôi chẳng có đặc sủng nào của Thánh Thần”.  Ta có thể “chữa bệnh” khi đem lại cho anh chị em một niềm vui đích thực.  Ta có thể “phân định thần khí” khi giúp cho con cái nhận biết đâu là chọn lựa tốt hoặc xấu.  Ta có thể “nói tiên tri” khi chỉ dẫn cho những người ta có trách nhiệm biết hướng đến một tương lai tốt đẹp…  Tóm lại, Thánh Thần không hoạt động cách ồn ào nơi ta như thác nước đổ trên tảng đá, nhưng nhẹ nhàng như những giọt nước thấm vào miếng bọt biển.  Điều chắc chắn là Người vẫn tiếp tục những hoạt động của Chúa Ki-tô nơi tâm hồn ta và những người chung quanh ta, để “thay đổi bộ mặt trái đất”.

 

3.  Phép lạ Ca-na và khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su  (bài Tin Mừng – Gio-an 2:1-11)

 

          Kể lại phép lạ Chúa Giê-su biến nước thành rượu, thánh Gio-an không chỉ quan tâm đến việc làm của Người, nhưng ngài còn cẩn thận ghi chú:  “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.  Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11).

          Rõ ràng thánh sử muốn nói lên tầm quan trọng của phép lạ qua hai chi tiết:  dấu lạ đầu tiên và tạo lòng tin cho các môn đệ.  Ngài sử dụng từ dấu lạ thay vì phép lạ.  Dấu lạ là một sự kiện mắt thấy tai nghe, nhưng đưa ta đến việc nhận ra một điều gì đó sau khi chứng kiến hoặc nghe kể về sự kiện ấy.  Như thế, dấu lạ đầu tiên cho thấy phép lạ Ca-na mở đầu cho một loạt những dấu lạ khác, nhưng tất cả đều được nhắm vào cùng một mục đích là để bày tỏ vinh quang của Chúa Giê-su và tạo niềm tin vào Người.  Viết về những dấu lạ Chúa Giê-su đã làm, thánh Gio-an dám quả quyết:  “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm.  Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ:  cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21:25).  Điều này nhắn nhủ ta một sứ điệp:  Có thật nhiều “dấu lạ” để giúp ta nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Người, khiến ta không thể nhắm mắt làm ngơ.

          Sứ vụ của Chúa Giê-su là rao giảng Tin Mừng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm và lối sống của Người.  Việc làm hỗ trợ hoặc chứng minh cho lời giảng của Người.  Tuy nhiên, dù lời nói hay việc làm thì tất cả sứ vụ đều nhắm mục đích giúp “mọi phàm nhân nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giê-su Ki-tô” (Ga 17:3).  Vậy phép lạ Ca-na nhắm mục đích nào nơi ta?  Điểm cốt yếu dấu lạ muốn nói lên là:  Chúa Giê-su là Đấng cứu độ thay thế cho Lề Luật của Cựu Ước; và ta cần được biến đổi từ không tin đến có lòng tin vào Chúa Giê-su giống như nước được biến thành rượu.  Biến đổi nhân loại là mục tiêu của kế hoạch cứu độ.  Chúa Giê-su bắt đầu thực hiện kế hoạch ấy bằng việc rao giảng Tin Mừng và làm những dấu lạ.  Người sẽ kết thúc kế hoạch tại trần gian bằng cái chết của Người trên thập giá và sự sống lại vinh hiển.  Như thế, ngay trong phép lạ đầu tiên, Chúa Giê-su đã cho ta thấy hành trình cứu độ của Người, từ Nhập Thể tiến đến “giờ” vinh quang của Người trên thập giá.  Muốn tham gia vào hành trình cứu độ ấy, Chúa đòi hỏi ta phải để Người biến đổi ta  “tin vào Người” như các môn đệ đầu tiên đã tin vào Người sau dấu lạ đầu tiên Người làm tại Ca-na.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Trong bất cứ một kế hoạch nào, bước đầu tiên thật là quan trọng.  Trong nhiều lời nguyện Nhập lễ, phụng vụ thường có những lời nguyện:  Những gì Chúa đã khởi sự tốt đẹp, thì xin Chúa cũng hoàn tất toàn hảo nơi chúng con.  Khởi đầu sứ vụ cảu Chúa Giê-su đã được trình bày qua những hình ảnh tuyệt vời của Giê-ru-sa-lem mới, những đặc sủng của Thánh Thần và nhất là việc Chúa biến nước thành rượu trong tiệc cưới Ca-na.  Sứ vụ cứu độ ấy lại được tiếp nối trong sức mạnh hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Không những ta được mời gọi tiếp nhận ơn cứu độ, mà còn được mời gọi tham gia vào việc loan báo ơn cứu độ cũng như đồng hành với anh chị em trên con đường cứu độ nữa.

 

Suy nghĩ:  Nói về “việc phục vụ và hoạt động”, thánh Phao-lô viết:  “Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.  Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người”.  Trong việc loan truyền ơn cứu độ, những việc phục vụ và hoạt động của tôi có nhắm mục đích duy nhất là làm cho Chúa không?  Hay những việc phục vụ và hoạt động của tôi còn ẩn giấu những mục đích không chính đáng?

 

Cầu nguyện:  Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh, cùng được uống chung một chén rượu;  xin cho chúng con đây biết thành tâm hiệp nhất trong tình yêu của Đức Ki-tô, để nhờ đó mà cả thế giới này được hưởng ơn cứu độ.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  A-men.  (Lời nguyện Hiệp lễ, Chúa Nhật 5 Thường niên).

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

           

 

         

               

         

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C