Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm C

Sẽ Ðến Ngày Của Chúa

(Malaki 4,1-2a (theo Vulgata); 3,19-20a (theo HyLạp);

2 Thessalonica 3,7-12; Tin Mừng Luca 21,5-19)

 

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm C

Malaki 4,1-2a (theo Vulgata); 3,19-20a (theo HyLạp); 2 Thessalonica 3,7-12; Tin Mừng Luca 21,5-19

Sẽ có ngày cả thế giới và vũ trụ này biến đổi. Bao giờ, thế nào và có những dấu hiệu nào báo trước: đó là những câu hỏi mà luôn luôn người ta muốn biết? Người ta cố vặn vẹo các bản Kinh Thánh để đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Và các đoạn sách chúng ta đọc hôm nay cũng đã giải thích, khai thác rất nhiều.

Do đó chúng ta càng phải thận trọng khi tìm hiểu những bài Kinh Thánh này. Chúng ta sẽ trung thành và cởi mở đón nhận giáo huấn của Chúa chứ không tìm cách thỏa mãn tính tò mò tự nhiên về thời tận thế hay về lúc thời cơ biến đổi.

 

1. Sẽ Ðến Ngày Của Chúa

Trước hết chúng ta thường quan niệm tận thế là lúc tất cả thế giới và vũ trụ này đều biến đổi. Ðó cũng là ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại để mở cuộc chung thẩm, chấm dứt nếp sống trần gian và mở ra đời sống vĩnh cửu. Ngày ấy cũng thường được đồng hóa với ngày của Thiên Chúa mà các sách Cựu Ước và nhất là các sách tiên tri thường nói đến. Ít ra chúng ta vẫn coi những điều Cựu Ước viết về ngày của Thiên Chúa như là những mạc khải đầu tiên và xa xôi nhất về ngày trở lại của Ðức Giêsu, cũng còn được gọi là ngày thế mạt. Nhưng sự thật không quá đơn sơ như vậy.

Và ngay từ đầu chúng ta phải có những quan niệm rõ ràng. Nói đúng hơn, chúng ta phải cố gắng hiểu những từ ngữ trên cho thật đúng kẻo tư tưởng và đức tin đâm ra lộn xộn.

Nói một cách chung, khi nghe Cựu Ước nói đến ngày của Thiên Chúa thì chúng ta phải đặt mình vào trong tâm lý của người Do Thái mà tìm hiểu. Chẳng hạn bài sách Malaki hôm nay: Chúng ta sẽ không hiểu đúng, nếu không đặt nó vào khung cảnh của thời bấy giờ. Khi ấy vào khoảng năm 450 trước Ðức Giêsu ra đời; và là khoảng 40 năm sau khi con cái Israel lưu đày ở Babylon trở về. Những người này đang gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và nhất là về tinh thần. Chúa đã không hứa đưa dân lưu đày trở về một cách vinh quang ư? Người bảo đền thờ sẽ được xây lại một cách huy hoàng. Sion sẽ bừng sáng dưới ánh quang vinh của Người, khiến dân muôn nước sẽ đổ về thờ lạy ở Giêrusalem.

Nhưng sự thực, ngày trở về đâu có hiển hách gì? Chỉ có một nhóm ít người đã được nhờ ơn Hoàng đế Ba Tư trở lại khôi phục xứ sở. Về đến nơi, toàn "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Ðền thờ thì đổ nát, đất đai thì dân ngoại đã lấn chiếm... Thấy lệnh của Hoàng đế cho phép tái thiết thánh đường và cho phép dân lưu đày được chiếm lại đất đai, đám dân ngoại đâu có vui vẻ gì... Họ làm hết cách để cản trở. Họ khiến con cái Israel phải ngã lòng. May nhờ có Ezra và Nêhêmya mang uy tín và tiền nong của hoàng đế về giúp đỡ. Người Do Thái đã xây lại được một phần nhỏ của Giêrusalem ngày trước. Nhưng độc lập dân tộc đâu có thấy: nay Ai Cập xâm chiếm, mai Hy Lạp đô hộ. Chẳng thấy thời đại thiên sai đâu cả! Có lẽ vì vậy mà ngay đến hàng tư tế cũng đâm ra chán nản, không còn trung thành với sứ mạng phục vụ Lời Chúa và Bàn Thờ nữa. Giáo dân thì khỏi nói: Họ chểnh mảng lễ lạc và kinh kệ. Rồi đời sống luân lý xã hội cũng sa sút theo: gian thương bóc lột, phóng túng ngoại tình, chẳng còn đâu phân biệt được là dân của Chúa. Như vậy có phải là Người đã không trung thành giữ Lời đã Hứa? Và đã bỏ dân? Chấp nhận để thế giới và xã hội này nằm trong tay sự dữ và kẻ dữ? Nhiều người, ngay cả những người đạo đức nhất, cũng đang gặp khủng hoảng về niềm tin. Chúa sẽ trả lời thế nào?

Người sai Malaki và các ngôn sứ đến. Họ nói Lời của Người. Và bài sách hôm nay ghi lại những tư tưởng chính yếu nhất. Trước hết Ngày của Thiên Chúa sẽ đến. Ðừng tưởng mọi sự sẽ như thế này mãi. Thiên Chúa không bỏ dân Ngài. Sự dữ không thống trị mãi... Rồi ngày ấy sẽ phừng phừng cháy như một hỏa lò. Hình ảnh này được chọn vì "tất cả phường kiêu mạn và làm điều phi pháp chỉ là rơm rạ". Và như vậy Ngày của Thiên Chúa sẽ là lúc Người tiêu diệt, trừng phạt kẻ dữ, "không để lại cho chúng một rễ hay một cành".

Nhưng hình ảnh hỏa lò phừng phừng cháy cũng có ý nói về Thiên Chúa. Biết bao lần các sách Cựu Ước dùng hình ảnh "lửa" đi qua các miếng thịt mà Abraham đã phân ra. Người hiện ra với Môsê nơi một bụi gai cháy. Người dùng cột lửa cột mây dẫn dân trong sa mạc. Người lấy lửa thiêu đốt lễ vật của Êli... Thường khi các tác giả Thánh kinh cũng còn ví cơn thịnh nộ của Chúa như lửa... Do đó ở đây, Malaki muốn nói tới Ngày của Chúa có khía cạnh trừng phạt tiêu diệt kẻ dữ như lửa đốt cháy rơm rạ và cành khô. Sự thánh thiện nóng nảy của Người thiêu hủy tội lỗi và tội nhân như than hồng tẩy sạch môi miệng Isaia.

Nhưng đó chỉ là một mặt, sửa soạn cho một mặt khác. Ðức Nghĩa của Thiên Chúa, sự thánh thiện của Người sẽ hiện ra như mặt trời, và nói đúng hơn, như ánh sáng mặt trời vì chính Thiên Chúa mới là mặt trời. Người tỏa sự thánh thiện của Người như ánh sáng chiếu trên người công chính và chữa lành họ, tức là cứu họ ra khỏi tình trạng thua thiệt hiện nay...

Như vậy, những lời Malaki hôm nay không trực tiếp nói về ngày thế mạt, chung thẩm như chúng ta thường hiểu là ngày tận thế. Ðó là lời tiên tri về Ngày Chúa viếng thăm cứu độ dân Người sau những thời gian thử thách nặng nề. Có nhiều ngày trong lịch sử dân Chúa đã thực hiện quan niệm Ngày của Chúa. Nhưng tất cả những ngày cứu độ ấy cuối cùng chỉ là hình bóng báo trước Ngày Thiên Chúa cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô... Chính việc Ðức Giêsu đến trong thế gian, giáo huấn và công việc của Người đã xét xử vì đã phân biệt kẻ tin người không tin, kẻ lành và người dữ. Sự xét xử này dĩ nhiên chưa toàn diện và quyết liệt vì loài người còn tiếp tục sinh ra trong thời gian. Khi nào Ðức Kitô trở lại thì sẽ có cuộc chung thẩm vì không còn có tạo vật mới nữa, nhưng tất cả đều nhìn thấy vinh quang của Người mà phân ra làm hai: hoặc đi vào luận phạt của "hỏa ngục" hoặc đi vào thiên đàng là nơi sáng láng rực rỡ.

Do đó lời sách Malaki và những lời tiên tri khác về "Ngày của Thiên Chúa" cuối cùng vẫn áp dụng được cho Ngày Ðức Kitô trở lại phán xét kẻ lành người dữ, nhưng một cách gián tiếp và xa xôi thôi. Trong các sách Tân ước có những lời trực tiếp hơn hay không?

 

2. Sẽ Có Ðiềm Báo Trước

Theo các sách Tin Mừng - mà tác phẩm của Luca là một - Ðức Giêsu đã nói về thời gian thế mạt vào những ngày cuối đời sống trần gian của Người. Môn đồ trỏ cho Người thấy, đứng ở nơi cao nhìn xuống, đền thờ Giêrusalem khi có ánh mặt trời tỏa xuống trông đẹp biết bao! Ai chối được điều này. Nhưng Ðức Giêsu đã nhìn xa hơn hiện tại. Người thấy trước ngày mà cơ sở huy hoàng kia sụp đổ đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào. Môn đệ hỏi Người bao giờ điều ấy xảy ra? Người tựa vào câu hỏi để nói đến biến cố vĩ đại hơn nữa, mà việc Giêrusalem sụp đổ chỉ là hình bóng, cũng như Người đã tựa vào lời khen quang cảnh đền thờ trước mắt để nói sang định mệnh của nơi thờ phượng này. Do đó, việc tiên báo về số phận đền thờ là lời mở đầu báo trước thời cánh chung.

Các tác giả Matthêô và Maccô đã thuật lại nhiều lời tiên báo này. Tựu trung họ đã dùng hình ảnh của Cựu ước và văn chương Khải huyền thời bấy giờ về Ngày của Thiên Chúa để diễn tả ngày thế mạt và chung thẩm. Có thể nói họ không có ý kiến mới và hình ảnh mới. Vẫn là cảnh trời long đất lở, cảnh lửa cháy phừng phừng, trừng phạt kẻ dữ... thưởng công người lành. Tác giả Luca sẽ có lời lẽ như vậy ở đoạn sau của bài đọc hôm nay. Và chúng ta đã có đại ý trong bài sách Malaki rồi.

Nhưng chúng ta hãy chú ý đến lời Luca nói đến cách Chúa tiên báo những điều trước. Người báo sẽ có các tiên tri giả đến lừa gạt tín hữu; và sẽ có những tin tức về chiến tranh và nổi loạn. Rồi như chưa rõ đủ, Người còn thêm: Sẽ có dân này chống lại dân kia; sẽ có động đất, ôn dịch, đói kém và nhiều điều kinh khủng trong trời đất... "Nhưng chưa phải là cùng tận ngay đâu".

Chớ gì chúng ta biết chú trọng đến câu kết luận này. Theo Luca, Chúa không dính liền thời gian cùng tận và những hiện tượng xã hội và thiên nhiên vừa kể. Do đó đừng ai nghĩ chiến tranh, đói kém, thiên tai... là dấu sắp tận thế. Về ngày giờ ấy chính Con Người cũng không biết để mạc khải cho ta, thì ta đừng nghĩ có thể khẳng định những điểm nào chắc chắn sẽ báo trước Ngày Ðức Kitô trở lại... Người sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.

Có điều chắc chắn là khi còn ở xa, và rất xa ngày tận cùng, sẽ có bắt đạo. "Người ta sẽ tra tay trên các ngươi vì Danh Ta". Ý Người muốn nói: do đó các ngươi phải mừng vì là lúc các người được tỏ hiện như Người đã tuyên chứng cách vinh hiển trước tòa Philatô và trong cuộc tử nạn. Người biết chúng ta không hoàn toàn như Người, nên Người an ủi: chính Người sẽ ban lời ăn tiếng nói cho chúng ta ở trước tòa và không ai cự lại hay kháng lý được với chúng ta.

Lời hứa này, Luca đã thấy thực hiện nơi Stêphanô và các tông đồ; nên ông đã viết lại một cách vững vàng. Ðồng thời kinh nghiệm của Hội Thánh thời sơ khai cũng cho Luca thấy Lời báo trước về những cuộc bắt bớ không mơ hồ tí nào. Thế nên ông đã ghi lại những lời sau đây một cách cũng hết sức chắc chắn: "Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em bà con và bạn hữu; và sẽ bị mọi người ghét vì Danh Ta. Nhưng (đây là lời an ủi) dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi"!

Chúng ta có thể nghĩ Luca đã viết lầm câu này. Ở chỗ khác Chúa Giêsu không nói như vậy. Người bảo chẳng có sợi tóc nào rơi xuống mà không có ý Cha trên trời. Chắc chắn Luca biết như vậy. Nhưng ở đây người muốn nói: không một đau khổ nào vì Danh Chúa sẽ rơi mất. Nó sẽ đem lại hạnh phúc. Vì thế chúng ta hãy kiên trì.

Thiết tưởng đọc thấy tư tưởng của tác giả Luca như thế, còn mấy ai muốn thắc mắc về thời tận cùng nữa? Phần lớn những lời nói về ngày đó chỉ là hình ảnh. Tư tưởng chính yếu là Chúa sẽ đến xét xử lành dữ như Malaki đã viết. Còn về các điềm báo trước, cũng chẳng có dấu hiệu nào trực tiếp. Ðiều thực hơn cả là cho đến ngày ấy, tín hữu sẽ gặp thử thách và bắt bớ. Số chết vì Chúa cũng sẽ nhiều, nhưng số phận chung của tất cả là sẽ bị mọi người ghét. Tuy nhiên, ơn Chúa sẽ không thiếu cho những ai kiên trì và Người bảo đảm sự sống và sự sống lại cho họ. Bổn phận của các tín hữu chỉ còn là phải phấn đấu. Có khi phải phấn đấu một cách cụ thể như bài thánh thư hôm nay nói.

 

3. Chúng Ta Hãy Lao Ðộng

Nhiều tín hữu ở Thessalonica tưởng rằng sắp đến Ngày Ðức Giêsu Kitô trở lại. Họ còn được nhiều kẻ tự coi là tiên tri đến dẫn chứng thêm. Có khi bọn này còn giơ cả những bản văn bảo rằng của các tông đồ ra làm tài liệu. Thế là nhiều người ở Thessalonica chểnh mảng mọi việc bổn phận và nhất là việc làm ăn sinh sống... để lấy lẽ "lo việc phần hồn và việc đạo". Hậu quả là xảy ra tình trạng bất ổn về tư tưởng, đưa tới sự xáo trộn về đời sống thực tế. Nhiều kẻ không lao động sản xuất nữa và sống bám... nếu chưa phải là đã có những hành động bất chính. Thánh Phaolô bảo các tín hữu phải tránh những con người ấy và đừng sống như họ, nhưng hãy bắt chước chính người.

Khi ở Thessalonica, Phaolô "đã làm lụng... lao nhọc vất vả ngày đêm... không ăn bám vào ai". Không phải vì bó buộc, bởi lẽ, công dân Rôma không bó buộc phải lao động và đã làm việc bàn thờ thì có quyền sống nhờ bàn thờ. Nhưng người đã tự tay lo lấy miếng cơm manh áo đang khi rất nhiệt thành làm việc tông đồ. Ðể làm gì? Người nói: để khỏi nên gánh nặng cho ai trong giáo dân, để làm gương cho mọi người... và ở chỗ khác người nói: để Tin Mừng người rao giảng được sáng giá.

Ðối với người Thessalonica, nếp sống lao động rõ rệt và vất vả này, đang khi có quyền không phải làm như vậy, là lý rất mạnh để truyền và khuyên họ phải lao động, phải làm lấy mà ăn, chứ đừng nhàn cư vi bất thiện, lê la nói hết chuyện này sang chuyện khác, và toàn những chuyện vô lý, khiến đời sống mất trật tự.

Ðối với chúng ta sống sau Công đồng Vatican và thêm kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa, lời khuyên của thánh Phaolô phải làm cho hàng tông đồ thấy không những không có gì mâu thuẫn giữa sinh hoạt mục vụ và lao động sản xuất, mà một nếp sống hòa hợp được hai sinh hoạt đó còn làm sáng giá thêm Tin Mừng mà chúng ta rao giảng. Riêng với các tín hữu, lời khuyên lao động để có nếp sống xã hội trật tự tưởng không phải là không có giá trị hiện đại. Chúng ta cứ suy nghĩ và sẽ thấy quả thật hăng hái lao động sản xuất cũng là chuẩn bị Ngày Chúa trở lại, cũng là ngày biến đổi cả thế giới và vũ trụ này.

Thánh lễ nào cũng nhắc đến thời kỳ cánh chung và thúc giục chúng ta sẵn sàng và chuẩn bị cho thời kỳ ấy. Và gương mẫu cao cả mà thánh lễ nêu lên để chúng ta bắt chước, không phải là thánh Phaolô, nhưng là chính Ðức Giêsu trong mầu nhiệm cứu thế. Người thật là Ngày của Thiên Chúa. Người đã đến để diệt tội và cứu sống. Người thi hành sự phân xử của Thiên Chúa, khi chính Người đã sống lao động, rao giảng chân lý, chịu khổ hình thập giá và sống lại. Nếp sống của Người thúc đẩy chúng ta bắt chước để cuộc đời của chúng ta cũng thể hiện Ngày của Chúa và chuẩn bị Ngày Chúa Kitô trở lại đem thế giới và vũ trụ này vào trong hạnh phúc vinh quang muôn đời.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C