Chúa Nhật IV Thường Niên C

Không Được Chấp Nhận Tại Quê Hương

 

 

Lc 4,22-30: 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân đức thốt ra từ miệng Người, và họ nói: “Ông nầy không phải là con ông Giuse sao?” 23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” 24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: có nhiều bà goá vào thời Êlia trong Israel, khi trời đóng lại  trong ba năm sáu tháng, và đã xảy ra nạn đói lớn trên khắp đất nước; 26 thế mà ông không được sai đến một bà nào cả trong họ, ngoại trừ đến bà goá tại Saréphta miền Xiđôn. 27 Cũng vậy, có nhiều người phong hủi vào thời ngôn sứ Êlisa trong Israel, nhưng không người nào được sạch ngoại trừ ông Naaman, người xứ Xyria.” 28 Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ sau khi nghe điều ấy. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành và  kéo Người lên tận đỉnh núi, trên đó thành được xây, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua  giữa họ mà đi.

 

Đoạn tin mừng hôm nay 4:23-30 nối tiếp tin mừng Chúa nhật tuần trước, nói đến quan hệ của Chúa Giêsu với quê hương của Người. Điều Luca muốn nhấn mạnh trong đoạn nầy là sứ vụ của Chúa Giêsu và các ngôn sứ hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, chứ không phải vào con người. Bố cục của đoạn có thể phân chia như sau: - Phản ứng của người đồng hương (4:22); - Câu trả lời của Chúa Giêsu (4:23-27); -  Nổi giận và muốn giết Người (4:28-29); - Chúa Giêsu ra đi (4:30).

 

Những thính giả trong hội đường hôm ấy làm thành một tập thể, “tất cả” (4:22.28). Phản ứng của họ trước tiên là thán phục khi chứng kiến những lời diễn giải của Chúa Giêsu sau khi đọc đoạn sách Isaia 61:1 tt (4:22ab), rồi đặt câu hỏi về gốc gác của Người (4:22c; x. 3:23). Điều họ chứng kiến là những việc Chúa Giêsu đã nói và đã làm ngày hôm ấy. Thái độ của họ lúc ấy có tính cách tích cực. Họ đã thán phục Người không chỉ vì lời của Người đã làm họ kinh ngạc, mà họ thật sự ca ngợi Người (x. 2:33; 9:43; 20:26). Cụm từ “lời của ân sủng” chỉ nội dung lời Chúa Giêsu đã nói hôm ấy. Và lời ấy nói về ân sủng và sự tốt lành của Thiên Chúa (x. 1:30; 2:40.52). Câu hỏi họ đặt ra: “Ông ấy chẳng phải là con ông Giuse sao?” ám chỉ đến lúc ấy họ chỉ biết Chúa Giêsu chừng ấy, và những gì Người vừa làm thì vượt quá sự hiểu biết của họ và làm họ rất đỗi kinh ngạc.

 

Sự chuyển tiếp từ phản ứng của những người trong hội đường (4:22) sang sự can thiệp của Chúa Giêsu sau đó (x. 4:23-27) chỉ có thể hiểu được dựa trên câu 23. Người đồng hương đòi hỏi Người làm cho Nazaréth, quê hương của họ và cũng là của Người những điều lạ như Người đã làm tại Capharnaum (4:23; x. 4:14tt.31-41). Đòi hỏi không nói ra nầy chỉ mình Người đoán biết được. Đáp lại, Người đưa ra một khẳng định trước khi chứng minh nó: “Quả thật Tôi bảo các anh: Không ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (4:24). Qua khẳng định nầy Chúa Giêsu tự đặt mình như một ngôn sứ vào hàng các ngôn sứ (x. 7:16.39; 24:19). Hai minh họa sắp đưa ra sẽ là chuyện của hai ngôn sứ lớn Êlia và Êlisêô.

 

Trong hai câu chuyện, Luca đặt tương phản giữa Israel (4:25.27) là quê hương của hai ngôn sứ ấy, và Siđôn và Syria là xứ sở của hai người dân ngoại: bà goá Saréphta (1V 17:9) và Naaman (2V 5:14). Ông muốn làm nổi bật điều nầy là hai ngôn sứ lớn của Israel mà lại được Thiên Chúa sai đến với những người không phải là dân Israel để thực hiện những điều kỳ diệu cho họ. Động từ “sai đến” (4:26) ở thể thụ động muốn chỉ Thiên Chúa là tác nhân. Cả hai trường hợp của Êlia và Êlisêô được nêu ra để chứng minh là đòi hỏi “Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình” (4:23) của họ là không thể thực hiện được. Là ngôn sứ của Thiên Chúa, họ không thể ưu tiên cho quê hương của họ vì bất cứ lý do gì. Trái lại, họ lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và chỉ làm điều Người muốn.

 

Như thế, câu khẳng định của Chúa Giêsu về tương quan của ngôn sứ với quê hương ông (4:24) muốn nói là ngôn sứ trong sứ vụ chỉ tùy thuộc vào ý muốn của Thiên Chúa, chứ không phải ý muốn của người đồng hương. Hậu quả kéo theo là họ sẽ không được “chấp nhận” (dektos) tại quê hương mình. Về điều nầy Luca khác với Matthêô và Marcô trong cách dùng chữ. Hai thánh sử nầy dùng chữ “atimia”, có nghĩa là “không nhận biết” hoặc “khinh rẻ” (x. Mt 13:57; Mc 6:4). Lý do là Matthêô và Marcô chú trọng đến dư luận của người đồng hương. Họ khinh rẻ Người khi lôi ra tất cả chi tiết về gốc gác của Người; trong khi Luca nhấn mạnh đến đòi hỏi của họ.

 

Điều nghịch lý ở đây là một đàng Chúa Giêsu vừa loan báo năm hồng ân của Chúa, tức là thời kỳ mới được mở ra trong đó mọi người sẽ được Thiên Chúa lắng nghe và chấp nhận (dektos) qua bản thân Người (x. 4:19). Đàng khác, theo qui định của năm toàn xá của Israel, mọi người được trở về với quê hương mình với quyền lợi và tự do toàn vẹn (x. Lv 25:10). Vậy mà khi trở về lại trong chính quê hương của Người (x. 4:14.16), Người lại không được chấp nhận (dektos) và không được ưu đãi (4:24). 

 

Phản ứng của người đồng hương lúc nầy khác hẳn với lúc ban đầu (4:28-29). Không thấy một đối đáp, biện luận hay lý lẽ nào về phía họ sau lời của Người, mà chỉ thấy họ đầy giận dữ, vì những lời Người đã nói. Thái độ giận dữ nầy được diễn tả là “tất cả” “đầy giận dữ” và bộc phát lên cách dứt khoát, mạnh mẽ và hung tợn đến nỗi chuyển sang hành động là họ “đứng lên”, “dẫn Người ra ngoài” với mục đích là ném Người xuống. Hành động “dẫn ra ngoài” để giết chết cũng được thấy trong dụ ngôn những người tá điền. Các ngôn sứ và cả người Con của chủ vườn nho đều bị lôi ra ngoài mà giết (20:15; x. Cvtđ 7:58; 13:50; 16:37). Rồi việc “dẫn đi” như một tù nhân cũng gặp thấy trong trình thuật khổ nạn, ở đó Người bị dẫn đến toà án của thượng tế (x. 22:54; 23:1); trong khi ở đây, người đồng hương muốn tiêu diệt Người liền mà không cần xét xử.

 

Vậy, trong biến cố taị hội đường nầy số phận cuối cùng của Chúa Giêsu đã được vạch ra. Tuy nhiên, Người đã “băng qua giữa họ mà đi” (4:30). Không có một giải thích hoặc ghi nhận nào là làm thế nào mà Người có thể tự giải thoát được. Chỉ có động từ “đi” (poreuomai) có thể giúp hiểu điều nầy. Động từ nầy thường gắn liền với Giêrusalem “đi lên Giêrusalem” (9:51.53; 17:11; 19:28); mà Giêrusalem là nơi Người sẽ chịu chết. Hơn nữa, việc “đi” nầy đã được quyết định trong chương trình của Thiên Chúa như được bộc lộ trong hai câu sau đây: “Tôi phải đi… Không ngôn sứ nào chết ngoài thành Giêrusalem” (13:33), và  “Người Con của Nhân Loại ra đi như đã được ấn định” (Lc 22:22). Như thế, việc đi thoát khỏi những người tìm cách ám hại Người (4:30) là do Thiên Chúa quyết định và che chở. Chúa Giêsu không thể bị giết khi Người chưa đến Giêrusalem. Việc Người ra đi đã đóng lại câu chuyện xảy ra trong hội đường tại Nazaréth (x. 4:16.30): nửa đầu đầy phấn khởi như đoạn đầu của sứ vụ rao giảng của Người (4:16-22) và nửa sau đầy thương đau như kết thúc sứ vụ của Người trong cuộc tử nạn và cái chết trên thánh giá (4:23-30).

 

Như Chúa Giêsu người ngôn sứ nhận lãnh ơn gọi từ Thiên Chúa, nên khi thi hành sứ vụ người ngôn sứ chỉ làm theo ý muốn của Người.

 

Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C