CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM C

Lc 21, 25-28.34-36

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN

 

  Vẫn như có một cái gì đó thật lạ lùng, kỳ diệu và hết sức thực tế khi mùa vọng lại trở về, năm phụng vụ cứ vần xoay như bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Tuy nhiên, mùa vọng nhắc nhớ nhân loại, nhắc nhớ mỗi người chúng ta về việc Con Thiên Chúa đến lần đầu tiên, đồng thời mời gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày ấy chúng không biết lúc nào, giờ nào. Nó đến thật bất ngờ như “ Chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất “ ( Lc 21, 35 ). Vâng, giữa hai lần Chúa đến, đã có biết bao lần Người đến bất ngờ : đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.

  Sống trên trần gian, chúng ta cứ lầm tưởng Chúa đến phải có những hiện tượng kinh hãi, phải có thiên tai, động đất, sóng thần, giông tố, bão bùng, giặc giã thì Chúa mới đến. Nhiều lần chúng ta cứ nghĩ rằng Chúa đến tinh tú, mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao phải thay đổi,thì lúc đó chúa mới đang đến! Xưa nay trên thế giới, con người vẫn thường lạm dụng những thị kiến, những điềm thiêng dấu lạ để minh chứng Chúa đang đến. Có những giáo phái dùng những dấu lạ, những điều hì hỡm để dọa nạt, để chứng minh Chúa đang đến. Người ta cứ lầm tưởng Chúa đến như thời Cựu ước : Ngài đến trong cột mây, cột lửa; Ngài đến trong bão táp, giông tố vv…Chẳng thiếu gì Kitô hữu tưởng rằng tin là sợ hãi, tin vì sợ Chúa phạt, Chúa gửi tai ương, hoạn nạn đến để giáng phạt con người, giáng phạt loài người vì con người đã quên Ngài vv và vv…Con người cứ lầm tưởng Chúa thích gây thù, gây oán. Do đó, họ đâm ra sợ sệt trước tình thương vô biên của Chúa giầu lòng xót thương. Thực tế, Chúa là nguồn mạch sự sống. Ngài không tru diệt, không tàn sát, không giáng phạt theo sự suy nghĩ thô thiển của chúng ta. Ngài không cần phải làm thế mới chứng tỏ Ngài đang có mặt. Con người nhiều khi cứ tưởng rằng Chúa hiện ra trong những biến cố hãi hùng và họ chỉ có thể nhận ra Ngài trong lo âu sợ hãi. Chúa Giêsu đã mượn những hình ảnh tai ương, hoạn nạn trong nền văn chương thế mạt, cánh chung không phải để Ngài loan báo ngày tận cùng của thế giới, của muôn loài muôn vật nhưng là để loan báo, công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Chúa mời gọi mọi người “hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu “, tỉnh thức trước cửa nhà mình để đón Chúa đến bởi vì Ngài đang đến một cách bất ngờ, không ai biết, không ai đoán trước được.

   Chúa bảo con người phải luôn chuẩn bị sẵn sàng.Chúa nói rõ ba việc phải làm : giữ mình, tỉnh thức và cầu nguyện. Khi thực hiện ba điều trên, ngày Chúa đến lần thứ hai cũng là ngày tận thế, ngày chung thẩm, ngày Thiên Chúa biểu dương quyền uy của ngài, đồng thời cũng là ngày Thiên Chúa phán xét, phân xử cách hết sức công minh về cuộc sống của mỗi người ở trần gian này. Do đó, mỗi người phải chuẩn bị cho mình một sự nghiệp xứng đáng ở đời này. Nếu, mọi người luôn “ Tỉnh thức và cầu nguyện”( Lc 21,36 ), luôn sẵn sàng, thanh thản, thanh thoát, thì việc Chúa Kitô đến lại sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, khi đã sẵn sàng, tỉnh thức, chúng ta sẽ không phải lo lắng, hoang mang, sợ hãi trước cảnh biển gào sóng vỗ, gió thét ( Lc 21,25 ), con người sẽ không sợ hãi đến nỗi hồn phiêu phách lạc ( Lc 21,26 ), nhưng thực tế, con người sẽ đứng thẳng và ngẩng cao đầu ( Lc 21, 28 ), vì con người sắp được Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi, ban hạnh phúc nước Trời.

   Mùa vọng giúp chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mỗi người, đánh động lương tâm của mỗi người để mỗi người biết hồi tưởng suy nghĩ, quay về với lòng mình, quay về với con người của mình nhìn vào Chúa mà bắt chước noi theo, nhìn lên Chúa để nhận ra Chúa đang đến với mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức và cầu nguyện để khi Chúa đến bất ngờ chúng con nhận ra Chúa. Amen.

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C