Chúa Nhật I mùa Vọng, C

2009

 

          Một ngày mới, một tuần mới hay một năm mới, ta đều mong đợi những gì tốt lành đến với ta.  Do đó ta thường chúc nhau có một ngày tốt đẹp, một năm mới an lành… Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng mở đầu cho một Năm Phụng vụ mới và ta cũng cầu mong Chúa ban những ơn lành cho đời sống thiêng liêng của ta.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với ta về điều tốt lành Chúa thực hiện cho ta, đồng thời cũng dạy ta phải chuẩn bị làm sao để đón nhận điều tốt lành ấy.

 

1.  Sấm ngôn của Đức Chúa:  “Ta sẽ thực hiện điều tốt lành…”  (bài đọc Cựu Ước – Giê-rê-mi-a 33:14-16)

 

          Thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ít-ra-en dân Chúa đang sống kiếp lưu đày nơi đất khách quê người.  Điều họ mong đợi Chúa thực hiện là giải thoát họ khỏi cơn khốn cực và được trở về sống tự do trên quê hương.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nhân cơ hội này nói với họ về điều tốt lành Chúa sẽ thực hiện còn cao quý hơn cả những gì họ ước mong.  Không phải chỉ là một ông vua giúp cho đất nước họ được tự do và phú cường, nhưng là “một Đấng Công Chính sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực”.  Ngôn sứ giúp dân chúng nhìn về một thực tại hoàn toàn khác với thực tại trần thế.  Thực tại trần thế có những điều tốt lành của nó, thí dụ một quốc gia hùng mạnh và an bình, dân cư đông đảo, nền kinh tế vững chắc… Tuy nhiên điều tốt lành Thiên Chúa muốn thực hiện ở đây thuộc về thực tại thiêng liêng, về mối quan hệ giữa nhân loại và Đấng tạo dựng nên họ.  Thực tại ấy đã bị tội lỗi làm tổn thương khiến cho đức công chính của Thiên Chúa không thể ở lại với nhân loại nữa.  Tội lỗi khống chế nhân loại do những hậu quả khốc liệt nó mang lại.

          Đứng trước tình trạng đáng thương ấy, Thiên Chúa sẽ làm gì?  Người muốn “thực hiện điều tốt lành” cho nhân loại.  Như vậy, “điều tốt lành” là Người muốn cứu thoát họ khỏi nanh vuốt của tội lỗi.  Kế hoạch Người sắp đặt để thực hiện điều tốt lành trước hết là “cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít”, có nghĩa là Thiên Chúa sẽ chọn một người miêu duệ của vua Đa-vít làm người công chính trước mặt Người.  Người miêu duệ ấy không ai ngoài Chúa Giê-su Ki-tô, “con vua Đa-vít”.  Người không nối nghiệp Đa-vít bằng cách làm vua Ít-ra-en và sử dụng phủ việt vương quyền, nhưng Người sẽ thiết lập một triều đại mới, gọi là Triều Đại Thiên Chúa hoặc Nước Trời.  Luật pháp của Triều Đại này không còn là những luật lệ khắc trên bia đá hoặc giấy da, nhưng trên trái tim.  Do đó, “lẽ công bình chính trực” mà Chúa Giê-su sử dụng để trị Nước Thiên Chúa là tình yêu.  Mọi sự phải đặt trên nền tảng tình yêu.  Thiên Chúa vì yêu nhân loại nên đã sai Con Một tới trần gian.  Loài người vì yêu Thiên Chúa và tha nhân nên phải thực thi giới luật yêu thương hết lòng hết sức và hết tâm trí.  Như vậy, con người có thể nhận ra điều tốt lành Thiên Chúa thực hiện sau khi Con Một Người chiến thắng tội lỗi, là họ cảm nghiệm được sự tốt lành của Thiên Chúa và tình huynh đệ của loài người:  “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy” (Tv 34:9) và “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133:1).

          Điều tốt lành ấy không phải là giấc mơ, nhưng đã trở thành hiện thực khi Chúa Ki-tô, Đấng Công Chính của Thiên Chúa, đến cư ngụ giữa nhân loại.  Nền móng của điều tốt lành đã vững chắc khi Chúa Ki-tô chu toàn sứ mệnh trên trần gian, còn việc tiếp tục thực hiện vẫn đang diễn tiến và sẽ được hoàn tất vào ngày cánh chung.  “Giu-đa sẽ được cứu thoát và Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp” là hình ảnh nói lên tương lai điều tốt lành ấy được viên mãn.  Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi mọi sự được viên mãn trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa cho ta được quyền cộng tác vào công cuộc xây dựng và hoàn tất việc tốt lành Người đã bắt đầu.  Vì Chúa Ki-tô “trị nước theo lẽ công bình chính trực” nên ta cộng tác bằng cách sống theo lẽ công bình chính trực, tức là theo lẽ tình yêu.  Ta cộng tác bằng cách sống làm sao để mọi người có thể nhận ra rằng “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta” hoặc “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

 

2.  Điều tốt lành Thiên Chúa thực hiện là cho ta được bền tâm vững chí và thánh thiện trong ngày Chúa Ki-tô quang lâm  (bài đọc Tân Ước – 1 Thê-xa-lô-ni-ca 3:12-4:2)

 

          Nếu ngôn sứ Giê-rê-mi-a nhìn điều tốt lành Thiên Chúa thực hiện về phía Thiên Chúa, thì thánh Phao-lô lại nhìn điều tốt lành ấy về phía chúng ta.  Trước hết, thánh Tông đồ cũng khẳng định rằng điều tốt lành Thiên Chúa thực hiện chính là khôi phục lại chỗ đứng của tình yêu.  Ngài cầu xin cho tình yêu tha nhân được vẹn toàn, bởi vì ngài nhận ra sức mạnh biến đổi của tình yêu.  Thực vậy, nhờ tình yêu, “Thiên Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3:13).  Nói tóm lại, đối với Ki-tô hữu, điều tốt lành là tình yêu thay đổi con người họ và giúp họ trở nên thánh thiện giống như Cha trên trời là Đấng Thánh.  Do đó, sống yêu thương là thi hành trọn vẹn Lề Luật (Gl 5:14).  Điều thánh Phao-lô lo lắng cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca là họ cần phải lớn lên trong tình yêu thương nhau.  Hai lần ngài lập lại cùng một lời khẩn cầu:  “Nhân danh Chúa Giê-su, tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa” (1 Tx 4:1.10).  Dĩ nhiên là tấn tới trong tình yêu thương nhau, vì yêu thương là giây ràng buộc sự toàn thiện và biến đổi con người nên hoàn hảo mỗi ngày một hơn.

          Khuyến khích ta hãy sống yêu thương, vì đó là điều tốt lành Thiên Chúa muốn nhìn thấy nơi ta, thánh Phao-lô còn nêu lên một thời điểm ý nghĩa để ta phải hoàn tất việc biến đổi con người mình, đó là “trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người”.  Vào thời điểm Chúa Giê-su quang lâm, ta sẽ bị phán xét theo tiêu chuẩn yêu thương.  Vì thế, nếu ta đã “làm điều này cho một trong những anh chị em hèn mọn nhất, đó là ta đã làm cho chính Chúa vậy” và ta sẽ được nhận biết là môn đệ Người.

          Cuối cùng thánh Tông đồ không quên nhắc nhở tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca và cả chúng ta nữa, là ngài “đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào”.  Ngài đã lập lại giáo huấn và chỉ thị của chính Chúa Giê-su đã dạy:  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Chắc hẳn thánh Phao-lô cũng cảm thấy được an ủi thật nhiều đối với tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, vì “anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế”.  Họ đã đem lại niềm an ủi cho vị Tông đồ nhờ biết sống yêu thương.  Tuy nhiên đây cũng là một câu hỏi đòi ta phải chân thành trả lời:  liệu ta có đang sống giống như anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca không?

 

3.  Điều tốt lành Chúa Ki-tô loan báo:  “Anh em sắp được cứu độ”  (bài Tin Mừng – Lu-ca 21:34-36)

 

          Trong bài giảng về ngày cánh chung, Chúa Giê-su nói đến nhiều điều khiến ta phải hãi sợ đến hồn xiêu phách lạc.  Nhưng giữa những điều khủng khiếp ấy, Người lại công bố những điều tốt lành có liên quan đến tương lai vĩnh cửu của ta.  Những “điềm lạ” trên trời, dưới đất hay trên biển cả chỉ là những dấu chỉ báo trước Chúa sắp quang lâm.  Mà dấu chỉ không thể quan trọng bằng điều nó biểu hiện.  Thật cũng lạ!  Chúa sử dụng những dấu chỉ gây hãi sợ để báo trước những điều tốt lành sắp xảy đến!  Chắc chắn “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây trời mà đến” là một Tin Mừng, một niềm an ủi vô cùng lớn lao, nhưng lại xảy ra sau khi người ta chứng kiến những sự kiện kinh hồn bạt vía.  Thực ra văn chương khải huyền chỉ muốn sử dụng những hình ảnh thiên nhiên vĩ đại và đầy sức mạnh để nói lên quyền năng tối cao của Thiên Chúa hoặc Con Người.  Khung cảnh thần hiện tại Xi-nai là một ví dụ điển hình.  Thiên Chúa ngự đến đâu phải làm cho người ta chết, nhưng ban cho họ giới luật để họ được sống.  Cũng vậy, Chúa Ki-tô đến lần thứ hai là để cứu độ ta, nếu ta đã hoàn tất “điều tốt lành” là sống yêu thương suốt quãng đời dương thế.  Vì thế, Người dạy ta:  “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu độ” (Lc 21:28).

          “Anh em sắp được cứu độ”.  Điều này không có nghĩa là Chúa Ki-tô sẽ cứu độ ta mà ta chẳng cần phải làm gì cả.  Trái lại, ta phải “đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng sự đời”.  Rồi ta còn phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.  Thực ra tất cả những lời Chúa căn dặn đều ăn khớp và liên hệ với nhau.  Chỉ lo ăn uống say sưa và lo lắng cho cuộc sống vật chất với danh lợi sẽ làm cho lòng ta trở nên “nặng nề”, không còn nghĩ đến quê hương vĩnh cửu và hạnh phúc đời đời nữa.  Mà những điều làm cho ta trở nên nặng nề lại có sức quyến rũ mạnh mẽ và tinh tế, cho nên Chúa khuyên ta phải “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.  Tỉnh thức để dễ chống lại cám dỗ trần gian và cầu nguyện để xin Chúa ban ân sủng và sức mạnh giúp ta chiến thắng cám dỗ.  Cám dỗ của ma quỷ và thế gian cũng có sức mạnh của nó, khác nào những đột biến thiên nhiên mà ta khó lòng chống cự.  Vì thế ta cần có sức mạnh của Chúa để chiến thắng sức mạnh của ma quỷ tội lỗi.  Cuộc chiến đấu với ma quỷ tội lỗi không hề dừng lại hay bỏ đi, trái lại đeo đẳng trong ta cho đến hơi thở cuối đời.  Do đó, làm sao có thể trung thành với Chúa, “đứng vững trước mặt Con Người”, là việc tự sức riêng ta không thể làm nổi, nhưng phải cậy vào ơn Chúa giúp.

          Mùa Vọng giúp ta chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa giáng sinh, nhưng mùa Vọng cũng nhắc nhở ta chuẩn bị ngày Chúa đến phán xét ta nữa.  Nhưng với ý lực nào thì việc Chúa đến lần thứ nhất hay lần thứ hai đều phải là Tin Mừng đối với mọi Ki-tô hữu.  Quan trọng là ta có nhận ra được “điều tốt lành” Chúa muốn thực hiện cho nhân loại nói chung và cho cá nhân ta hay không mà thôi.  Cùng với việc nhận ra ấy, ta có nghiêm túc cộng tác với Chúa Ki-tô để hoàn tất điều tốt lành Chúa đã bắt đầu thực hiện nơi ta hay không.

 

4.  Sống Lời Chúa

 

          Ta thương dễ chú tâm đến việc chuẩn bị mừng Chúa đến với nhân loại lần thứ nhất mà ít để ý chuẩn bị mừng Chúa quang lâm trong ngày thế mạt.  Lời Chúa hôm nay khẳng định việc Chúa Ki-tô đến với ta là “điều tốt lành Thiên Chúa sẽ thực hiện” cho nhân loại.  Tuy nhiên, đón nhận điều tốt lành ấy đòi hỏi ta phải biết chuẩn bị thích đáng bằng cách tỉnh thức và cầu nguyện.  Cách cụ thể thánh Phao-lô đề ra để giúp ta chuẩn bị là hãy sống làm sao cho “tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết”, để tình yêu biến đổi con người của ta mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn.

 

Suy nghĩ:  Chúa Giê-su công bố:  “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.  Đáp lời kêu gọi của Chúa, tôi đã làm gì?  Đứng thẳng và ngẩng cao đầu hay chỉ miệt mài lo lắng trần gian hoặc bi quan yếm thế?  Tôi phải sống làm sao cho đúng tư thế của người Ki-tô hữu?

Cầu nguyện:  Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con, hằng quyết tâm làm việc thiện, mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian.  Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.  Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đếm muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật I mùa Vọng).

   

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

                  

         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C