CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Lòng thương xót của Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 8:1-11)

          Những xung đột giữa Chúa Giê-su với các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu thường xoay quanh vấn đề Lề Luật và truyền thống.  Nhưng câu chuyện Tin Mừng hôm nay dường như muốn khai triển thêm về đề tài lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa đã được diễn tả qua dụ ngôn người con hoang đàng.  Ở đây không phải dụ ngôn nữa, mà là câu chuyện có thật!

          Việc Chúa Giê-su đến với những kẻ tội lỗi và ăn uống với những người thu thuế là điều không thể chấp nhận đối với nhóm Pha-ri-sêu và kinh sư.  Họ muốn Chúa Giê-su phải theo Luật Mô-sê, thẳng tay trừng trị những kẻ tội lỗi.  Đối với họ, lòng thương xót là một thứ xa xỉ phẩm, kẻ tội lỗi không đáng nhận lãnh.  Họ tìm cơ hội để bắt Chúa Giê-su phải nhìn nhận quan điểm này.  Cơ hội đã tới.  Đang lúc “toàn dân đến với Người và Người ngồi giảng dạy họ” thì đám kinh sư và Pha-ri-sêu “dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình”.  Biết đâu họ đã chẳng cố tình lùng kiếm cho được người phụ nữ này để sử dụng như một vũ khí tấn công Chúa!  Họ nhấn mạnh với Chúa Giê-su rằng “người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình”, nghĩa là chị ta hoàn toàn có tội, không thể chối cãi và chắc chắn sẽ bị ném đá chết theo như Luật dạy.  Thái độ Chúa Giê-su im lặng và cúi xuống viết làm chúng ta tưởng rằng Người chưa biết phải trả lời họ ra sao.  Nhưng không phải như vậy đâu.  Thực ra Chúa Giê-su đang làm chủ tình hình.  Thái độ ấy muốn chứng tỏ là Người không quan tâm tới sự hiện diện của đám kinh sư và Pha-ri-sêu, mà Người chỉ quan tâm tới người phụ nữ ngoại tình và làm sao đưa chị ta trở về con đường công chính mà thôi.  Cũng có thể khi làm như vậy, Người muốn họ và cả người đàn bà có thì giờ và cơ hội để suy nghĩ về đời sống và hành động của chính mình, rồi từ đó nhận biết mình cần đến lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa.

          Thực thế, muốn nhận biết lòng từ bi của Thiên Chúa, chúng ta trước hết phải nhận thức tình trạng tội lỗi của mình.  Đây là điều Chúa Giê-su nhắc nhở các kinh sư và Pha-ri-sêu:  “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.  Lời nhắc nhở công hiệu thật!  Họ yên lặng bỏ đi hết cả.  Nhưng không biết lời nhắc nhở ấy có thay đổi được những tâm hồn chai đá kia hay không?  Chỉ còn lại Chúa Giê-su và người phụ nữ, chỉ còn lại Thiên Chúa nhân từ và con người tội lỗi.  Đây thực là một hình ảnh đẹp và vô cùng cảm động.  Rồi lòng từ bi ấy phát biểu như thế này:  “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hai đề tài được lập đi lập lại trong mùa Chay là sám hối và lòng Chúa thương xót.  “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót”. Trước mặt Chúa, chúng ta đều có một điểm chung:  chúng ta là những người tội lỗi và cần đến lòng Chúa thương xót.  Vậy thì tại sao chúng ta lại có thể căn cứ vào lề luật, vào những gì gọi là “quả tang” để lên án người khác?  Dĩ nhiên lên án là cần thiết, nhưng không phải luôn luôn là để “ném đá”, nhưng để nhắc nhở, cảm thông và nâng đỡ người anh chị em chúng ta.  Lên án mà thiếu động lực tình yêu, chúng ta chỉ dồn người khác vào con đường cùng và không mang lại lợi ích gì.  Trái lại, cảm thông và quảng đại với người anh chị em lầm lỗi sẽ mở ra cho họ một tương lai và hy vọng.  “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” là những lời thốt ra từ trái tim đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, chắc chắn sẽ vang lên mãi trong tâm hồn người tội lỗi và khích lệ họ sống mỗi ngày một tốt hơn.

          Vậy bài học trước nhất của chúng ta hôm nay là ý thức tình trạng tội lỗi của chính mình.  Ý thức ấy sẽ giúp chúng ta khỏi lên án và “ném đá” người khác bằng nhiều hình thức, như nói xấu, gửi đi những email không tốt về người khác…

          Bài học thứ hai là biết quý trọng và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta.  Chúng ta luôn đối diện với lòng thương xót của Chúa, giống như người phụ nữ trước mặt Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay.                                 

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Trở Về Mục Lục