CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C

Cv 14,21b-27 ; Kh 21,1-5a ; Ga 13,31-33a.34-35

YÊU THƯƠNG LÀ PHỤC VỤ

 

I.      HỌC LỜI CHÚA

 

1. TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

(31) Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33a) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy. Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau.

2. Ý CHÍNH: Bài Tin mừng hôm nay trích trong diễn từ của Đức Giê-su nói trong bữa Tiệc ly vào chiều thứ Năm Tuần thánh. Khi Giu-đa rời khỏi bàn tiệc lao mình vào bóng đêm thì Đức Giê-su tuyên bố “Giờ Người được tôn vinh đã bắt đầu” đúng theo thánh ý Chúa Cha. Sau đó Đức Giê-su ban cho các môn đệ điều răn mới là “Hãy yêu thương nhau như Thầy”. Tình yêu ấy chính là dấu chỉ để người đời phân biệt ai là môn đệ thực sự của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 31-32: + Khi Giu-đa đi rồi: Có lẽ Giu-đa ra khỏi phòng tiệc sau khi Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ và trước khi thiết lập bí tích Thánh Thể. Từ giờ phút này, Người nói về số phận của Người và trăn trối những lời cuối cùng cho các môn đệ. + Giờ đây Con Người được tôn vinh: Cuộc thương khó bắt đầu, vì Giu-đa đã tiến hành việc nộp Người. + Và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người: Thiên Chúa cũng được vinh hiển nhờ việc Đức Giê-su “vâng lời cho đến chết trên cây thập giá” (x. Pl 2,8). + Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình: Nếu Đức Giê-su làm cho Chúa Cha được vinh hiển nhờ cái chết của Người trên thập giá, thì Chúa Cha cũng sẽ ban cho Người được vinh hiển bằng cách cho Người sống lại vinh quang.

- C 33a.34-35: + Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy: Đức Giê-su giống như người cha trăn trối những lời sau hết cho con cái trước khi chết. + Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em: Điều răn này mới ở chỗ: thay vì lấy bản thân làm khuôn mẫu để yêu người khác như luật cũ dạy “Yêu đồng loại như chính thân mình” (x. Lv 19,18), Đức Giê-su lại đòi môn đệ phải yêu thương nhau theo khuôn mẫu tình yêu của Người dành cho họ, là hy sinh mạng sống mình vì họ. Thánh Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết được tình yêu là gì: Đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta” (1 Ga 3,16). + Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy...: Tình yêu hy sinh như thế sẽ trở thành dấu chỉ đặc biệt để người đời nhận biết ai là môn đệ đích thực của Đức Giê-su.

4. CÂU HỎI: 1) Giu-đa có được Đức Giê-su rửa chân cho không ? 2) Giu-đa có được tham dự bữa tiệc Thánh Thể không ? 3) Tại sao sau khi Giu-đa rời bàn tiệc, Đức Giê-su lại nói: “Giờ đây Con Người được tôn vinh” ? 4) So sánh với điều răn yêu người theo luật Mô-sê, thì điều răn yêu thương của Đức Giê-su mới ở điểm nào ?

 

II.  SỐNG LỜI CHÚA

 

1. LỜI CHÚA: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

2. CÂU CHUYỆN: ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH YÊU THỰC SỰ:

- YÊU THƯƠNG LÀ QUÊN MÌNH VÌ NGƯỜI MÌNH YÊU:

Vào năm 1995, một trận động đất với cường độ mạnh đã xảy ra tại Thành phố Kô-bê Nhật Bản. khiến cho nhiều nhà cửa trong thành phố sụp đổ trở thành những đống gạch khổng lồ, gây thiệt hại rất lớn cho thành phố về người và của. Các đội cứu hộ ngày đêm làm việc khẩn trương để lôi ra từ những đống gạch đổ nát nhiều xác chết và người bị thương. Nhưng cũng chính từ tai họa này, người ta đã khám phá ra một câu chuyện cảm động về một tình yêu hy sinh quên mình như sau:

Đến ngày thứ hai của cuộc đào bới, thì từ dưới một ngôi nhà đổ nát, người ta đã đào lên được hai mẹ con vẫn còn sống thoi thóp. Đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi đang nằm ngủ yên trong lòng mẹ, đang khi mẹ của em lại bị hôn mê bất tỉnh. Sau khi được cứu sống, một nhà báo đã phỏng vấn bà mẹ trẻ ấy như sau: “Làm thế nào mà hai mẹ con chị có thể sống được đến hai ngày dưới đống gạch đổ nát kia?”. Chị đáp: “Tuy bị vùi dưới tòa nhà, nhưng rất may chúng tôi đã không bị đè chết. Mấy tiếng đồng hồ sau thì con tôi khóc đòi ăn đang khi tôi chẳng còn giọt sữa nào. Tôi quờ quạng tìm xem có cái gì ăn cho đỡ đói không. Bất ngờ bàn tay tôi chạn vào một con dao sắc trong cái giỏ bên mình. Tôi cầm dao rạch một đường ở ngón cái cho chảy máu, rồi ấn ngón tay bị cắt vào miệng con để bú máu thay vì sữa mẹ. Sau khi bú ngón tay của tôi được mươi phút thì cháu nằm im ngủ. Nhưng rồi lại tiếp tục khóc vì đói. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi ngón tay khác và cho cháu bú. Sau đó tôi ngất đi lúc nào không biết cho tới khi cả hai mẹ con được cứu sống”. Nhà báo tiếp tục hỏi: “Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ bị mất máu chết sao?” Chị ta trả lời: “Lúc ấy, tôi không nghĩ đến mình, mà chỉ lo kiếm cái gì cho con bú để nó được sống!”.

- YÊU THƯƠNG KHÔNG ÍCH KỶ NHƯNG LUÔN NGHĨ ĐẾN NGƯỜI YÊU:

Một ông lão đang đào đất gieo trồng mấy hột đào. Cháu trai của ông thấy vậy liền thắc mắc hỏi: “Ông ơi, tại sao ông lại phải vất vả trồng đào làm chi? Liệu ông có sống được tới ngày cây đào ra trái hay không?”. Bấy giờ ông lão mới âu yếm đặt tay lên vai đứa cháu, vừa cười vừa nói: “Này cháu, trái đào chúng ta ăn bây giờ chẳng phải là do người khác sống trước chúng ta đã trồng đó sao ? Chúng ta ăn trái đào do người trước trồng, thì tại sao ta lại không trồng cho người sau được hưởng ? Còn nếu ai cũng nghĩ rằng: chỉ khi nào được ăn mình mới trồng, thì liệu bây giờ chúng ta có được ăn những trái đào này hay không hả cháu?”

- YÊU THƯƠNG LÀ QUẢNG ĐẠI CHO HƠN NHẬN :

Một sinh viên nghèo nọ theo học ngành mỹ thuật, ngày kia ghé thăm phòng vẽ của một danh họa Pháp. Bấy giờ căn phòng thật vắng lặng. Rồi cậu ta thấy có một lão hành khất đang ngồi ở một góc tối để chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ. Thấy bộ dạng tiều tụy đáng thương của người hành khất, cậu sinh viên kia động lòng trắc ẩn liền mở bóp ra và tìm mãi mới lấy ra được một quan tiền tặng cho ông lão nghèo khổ kia. Khi họa sĩ đến làm việc, người hành khất mới hỏi xem cậu sinh viên có lòng quảng đại kia là ai. Dựa theo lời của người hành khất, họa sĩ đã trả lời: “Thưa đó là một sinh viên nghèo nhưng rất hiếu học”. Chiều hôm đó, cậu sinh viên đã nhận được một món quà gói kín, trên có đề tên người gửi là “Nam tước Giắc đờ Rót-sin” (Jacques De Rothschild). Mở gói quà ra, cậu rất vui mừng đếm được tới 10 ngàn quan, kèm theo một bức thư nội dung như sau: “Đây là số tiền lời do một quan tiền mà cậu đã bố thí cho người nghèo sáng hôm nay!”. Thì ra người hành khất ngồi chờ làm mẫu cho họa sĩ vẽ chính là một nam tước ham thích hội họa. Ông cũng là một người giàu có và tốt bụng.

- TÌNH YÊU CÓ SỨC ĐỔI MỚI NGƯỜI YÊU:

Cách đây ít lâu, đài truyền hình Thành phố đã chiếu một bộ phim giáo dục rất hay, mang tựa đề “Giai điệu hạnh phúc” (La Mélodie du bonheur). Câu chuyện về một cô dự tu tên là Ma-ri. Chị được mẹ bề trên sai đi làm gia sư trong một gia đình của viên đại úy góa vợ. Mấy đứa con của viên đại úy lúc đầu tỏ ra ngang bướng khó dạy. Nhưng nhờ thái độ khoan dung vui vẻ cùng với tài nhảy múa đàn hát, nhất là nhờ một tình thương bao la, cảm thông và chia sẻ… mà cô giáo Ma-ri đã dần dần cảm hóa được lũ học trò tinh nghịch và biến chúng trở thành những học sinh chăm ngoan và tài giỏi.

- TÌNH YÊU TÁI TẠO SỨC SỐNG MỚI CHO CỘNG ĐOÀN:

Một tu viện trưởng đến thăm một vị ẩn sĩ khôn ngoan, để xin tư vấn về cách điều hành tu viện. Ông cho biết: trước đây tu viện của ông là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương đến viếng thăm và cầu nguyện. Nhà nguyện trong tu viện luôn vang tiếng hát cầu kinh của khách thập phương. Số người đến gõ cửa xin vào tu đông đến nỗi không còn chỗ nhận thêm. Thế nhưng hiện nay tu viện lại rơi vào tình trạng vắng tanh vắng ngắt. Các tu sĩ chỉ còn lèo tèo mười lăm người già. Ai nấy chỉ lo cho bản thân mình mà không biết nghĩ đến kẻ khác. Nói chung tình trạng tu viện hiện đã xuống cấp tồi tệ. Sau đó, tu viện trưởng đã yêu cầu vị ẩn sĩ tư vấn để tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Vị ẩn sĩ đã góp ý như sau: “Theo thiển ý tôi thì nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xuống cấp kia chính là tội vô tình!” và giải thích thêm: “Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một người trong tu viện, mà không ai nhận ra Người”.

Nhận được lời giải đáp, tu viện trưởng trở về tu viện triệu tập các tu sĩ và cho biết Đức Giê-su hiện đang cải trang thành một thành viên trong nhà dòng. Ai trong cộng đoàn cũng có thể là Đức Giê-su ! Từ ngày đó, các tu sĩ đã đối xử với nhau như đối với Đức Giê-su: họ đã biết quan tâm phục vụ nhau, tôn trọng nhau và sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm khuyết điểm cho nhau. Bầu khí cộng đoàn dần dần nồng ấm trở lại và mọi người đều thấy an vui. Ngày ngày họ chăm chỉ lao động khiến năm ấy tu viện được một mùa nho và lúa mì bội thu. Họ chia sẻ hoa lợi cho dân nghèo chung quanh. Tấm gương đạo đức của họ đồn xa khiến khách hành hương khắp nơi lại lục tục kéo về tu viện dự lễ, nghe giảng và xưng tội. Số tu sĩ ngày một gia tăng. Chính nhờ thực hành tình yêu thương nhau cụ thể mà tu viện đã từ tình trạng mất sinh khí trở nên sinh động và ngày một nên tốt đẹp hơn.

3. SUY NIỆM:

- THẾ NÀO LÀ MỘT TÌNH YÊU ĐÚNG NGHĨA: Yêu thương không dừng lại những biểu hiện bên ngoài như: Mắt nhìn đắm đuối, lời nói dịu dàng, cử chỉ âu yếm, tim đập loạn nhịp... Tình yêu đúng nghĩa biểu lộ qua các việc: Luôn nghĩ đến và làm điều tốt cho người mình yêu, quảng đại cho đi mà không tính tóan, không chấp nhất những lầm lỗi và bào chữa lỗi lầm cho người mình yêu, sẵn sàng hy sinh chịu chết cho người yêu.

- YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Đức Giê-su đòi các môn đệ thực hành giới răn mới yêu thương như Người qua các việc làm cụ thể như sau: Rửa chân hầu hạ cho các môn đệ, cảm thông chia sẻ với môn đệ như “bạn hữu thân tình”. “Yêu cho đến cùng” qua việc hiến thân làm của ăn cho môn đệ và sẵn sàng chịu chết đền tội thay cho họ.

Các tín hữu hôm nay cũng được Chúa mời gọi: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu”. Chúng ta chỉ có thể thực hành được giới răn mới này khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Chúa, ý thức giới hạn của mình để xin Chúa giúp, noi gương Người phục vụ anh em, luôn quên mình và hy sinh cho tha nhân ngay cả mạng sống của mình. Tóm lại, tình yêu “như Thầy đã yêu” không phải là thứ tình yêu vị kỷ, chiếm đoạt, lợi dụng người yêu để trục lợi (Éros), nhưng là một tình yêu quảng đại, vị tha, sẵn sàng hiến dâng và luôn hy sinh cho người yêu (Agapè).

- YÊU THƯƠNG LÀ PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU: Có nhiều dấu hiệu để giúp người khác nhận ra người ki-tô hữu như: đeo ảnh, làm dấu thánh giá, treo ảnh Chúa trong nhà... Nhưng dấu hiệu quan trọng nhất mà Đức Giê-su dạy trong Tin mừng hôm nay chính là sống tình yêu thương. Đây cũng là một phương thế truyền giáo hữu hiệu như Lời Chúa phán: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Tiếc thay, hiện nay vẫn còn những bất đồng sâu sắc về đức tin giữa những người cùng tôn thờ Thiên Chúa và cùng tin vào Đức Giê-su, nhưng chưa hiệp thông với nhau, còn đang phân hóa thành các tôn giáo như: Công Giáo, Chính Thống, Anh Giáo, Tin Lành... Thậm chí còn có những mối hận thù và giết hại lẫn nhau giữa những người cùng tin vào Chúa Giê-su như hai cộng đồng Công Giáo và Tin Lành ở Bắc Ai-Len, hai bộ tộc Hu-tu và Tút-si ở Ru-ăng-đa… Biết đến bao giờ mọi tín hữu mới có thể cùng đọc chung kinh tin kính, mừng các đại lễ Giáng Sinh và Phục Sinh trong cùng một ngày, cùng cử hành một lễ nghi phụng vụ ? Thế giới hiện nay giống như một sa mạc khô khan cằn cỗi vì thiếu tình yêu. Ước chi các cộng đoàn Ki-tô sẽ trở thành những ốc đảo, có những thảm cỏ xanh tươi và suối nước trong lành, cuốn hút các con chiên lạc quay về sống trong đại gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em như lời cầu nguyện của Đức Giê-su: “Xin cho chúng nên một” (Ga 17,21).

4. THẢO LUẬN: 1) Bạn thích câu chuyện nào nhất trong các câu chuyện kể trên và rút được bài học vào về tình yêu chân chính ? 2) Bạn có hài lòng về bầu khí yêu thương theo lời Chúa dạy trong gia đình, hội đòan, xứ đạo của bạn hiện nay chưa ? Tại sao ? 3) Bạn cần làm gì để loan báo Tin Mừng tình thương, giúp người lương nhận ra Chúa đang hiện diện trong cộng đòan của bạn ?

5. NGUYỆN CẦU

LẠY CHÚA GIÊ-SU, xin dạy chúng con biết yêu thương và hợp tác với người khác trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian. Xin cho chúng con biết đến với tha nhân không chút thành kiến, nhưng luôn tin tưởng họ. Khi làm việc chung, xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa ở giữa chúng con để sẵn lòng bỏ qua những tự ái, ích kỷ nhỏ nhen hay những thành kiến hẹp hòi về người khác.

LẠY CHÚA, ước chi chúng con dám quên mình đến với tha nhân. Xin cho chúng con đón nhận được ơn Thánh Thần sẵn sàng mở rộng đôi tai để lắng nghe người khác, mở lòng để đóan nhận mọi người và mở rộng tay để nối vòng tay lớn. Xin cho thánh ý Chúa sớm được thực hiện nhờ sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa, cùng nhau xây dựng một “Trời Mới Đất Mới” công bình và yêu thương, bắt đầu từ gia đình, cộng đoàn rồi đến xứ đạo và sau cùng đến mọi dân tộc trên thế giới.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH

www.hiephoithanhmau.com


Suy Niệm Lời Chúa Năm C