Muốn được cứu độ: “hãy tỉnh thức”

Jos.Vinc. Ngọc Biển

Ngày 21/07/2013 vừa qua, giới ca sĩ và những người hâm mộ ca nhạc đã cảm thấy bàng hoàng sau cái chết của chàng trai ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Nhiều người đã bày tỏ cảm xúc tiếc thương cho số phận xấu số của anh. Anh ra đi vĩnh viễn ở tuổi ươm mơ dệt mộng khi mới 26 tuổi đời.

Xa hơn một chút, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người. Không ai biết trước nên chẳng chuẩn bị gì. Khi sóng thần ập tới, nó quét sạch mọi sự, sau trận động đất đó, chỉ còn lại một đống đổ nát và hoang tàn.

Như vậy, sự sống sự chết của mình không ai biết trước được. Cái chết nó đến với bất cứ ai, vào bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, khi nhà thơ Nguyễn Khuyến nghĩ về thân phận mỏng manh của kiếp người, ông đã thốt lên: “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình bài học: “Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng”; hay nói cách khác, muốn được sống: hãy học cách chết.

1.    Tỉnh thức, sẵn sàng là thái độ cần của người môn đệ

Nếu Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu khiển trách nhà phú hộ giàu có là “đồ ngốc” ông ta đã cảm thấy an tâm và cậy dựa vào tiền bạc thái quá mà quên đi phần hồn của mình; đồng thời ông cũng không biết sử dụng tiền bạc bất chính để mua lấy Nước Trời, thì Chúa Nhật này, Đức Giêsu đi xa hơn để dạy cho các môn đệ bài học “sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón đợi Chúa đến trong ngày Quang Lâm.

Hãy “thắt lưng cho gọn”, là hình ảnh của những người trong tư thế sẵn sàng. Thật vậy, khi xưa, người Do Thái thường hay may áo với những tua dài, khi đi nhanh hoặc chạy, họ phải vận tua áo vào thắt lưng để cho gọn gàng, như thế khi di chuyển mới không bị vướng. Đức Giêsu bảo các môn đệ “thắt lưng cho gọn”, là Ngài muốn dạy các ông phải trong tư thế sẵn sàng, để khi cần hành động thì được thanh thoát, nhẹ nhàng, không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc.

Còn hình ảnh “thắp đèn cho sẵn”, là hình ảnh của những người trong tư thế chuẩn bị. Họ phải chuẩn bị đèn, dầu, để khi cần phải thắp sáng lúc đêm khua là có ngay, tránh tình trạng đến nơi rồi mới đi tìm, e rằng quá trễ như 5 cô trinh nữ khờ dại.

Thật thế, ngày Chúa đến không ai biết. Ngài đến như kẻ trộm lúc đêm khua. Ngày đó chính là ngày chết của mỗi người. Vì thế, Đức Giêsu đã mời gọi hãy tỉnh thức; “hãy sẵn sàng” như người đầy tớ chuyên cần: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

2.    Thái độ tỉnh thức của mỗi người chúng ta

 “Hãy thắt lưng”; “hãy cầm đèn trong tay” là thái độ sẵn sàng để đón Chúa đến của mỗi người chúng ta. Có một câu chuyện giả tưởng kể về một cuộc họp kín của hội đồng Satan, rất nhiều kế sách được đưa ra… nhưng đều bị bãi bỏ hết, chỉ có một ý kiến được tất cả hội đồng nhất trí, đó là sáng kiến của một Quỷ già. Quỷ này đưa ra một chiêu thức như sau: gấp gì, còn kịp chán, để gần chết rồi ăn năn trở lại, hãy sống vui đã! Thật thế, không ít người đã vấp phải cạm bẫy này. Họ vẫn cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, trai gái… vẫn sống bất chính, tham ô, bóc lột, thờ ơ trước nỗi khổ của anh em… họ viện vào lý do là mình còn trẻ, vẫn khỏe nên chưa thể chết được, vì thế, để đến khi về già mới hay, đâu có muộn! Thế nhưng trong thực tế đời thường, có biết bao người chết khi tuổi mới đang độ thanh xuân…Có những người chết vì thiên tai, tai nạn, bệnh tật, hay chỉ một cơn gió độc ập đến đã đủ để cướp đi sinh mạng của mỗi người…  Chính vì thế, phải “sẵn sàng” trong tư thế “tỉnh thức”.

Tuy nhiên, tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, cũng không phải là cứ ngồi ì ra đó và chờ đợi, đôi khi cũng không hẳn là đọc nhiều kinh, xem nhiều sách, hoặc chỉ giữ đạoluật... Nhưng tỉnh thức ở đây chính là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng những việc bác ái, yêu thương, là sám hối, canh tân, là sống đạo và đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cách trung thành.  Mặt khác, khi tỉnh thức là chúng ta phải chuẩn bị để can đảm đối diện với cái chết. Nói như thánh Phaolô: “mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Hay như câu ngạn ngữ sau:Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”.  Đối diện với nó để đón đợi nó. Cái chết đối với người có tinh thần chuẩn bị được ví như một cuộc hẹn của tình yêu. “Maranatha: Xin Chúa hãy đến” phải là niềm mong đợi cho những ai có sự sẵn sàng. Khi chuẩn bị sẵn sàng như thế, ta thấy cái chết đến với ta bất cứ lúc nào, ở đâu…ta đều thấy an vui thanh thoát vì đã chuẩn bị.

Được như thế, là chúng ta đang trong tư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến với ta bất cứ lúc nào. Và, cái chết đến với ta như một “cõi đi về” trong hãnh diện: “Còn tôi, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã thi đấu trong cuộc đấu cao đẹp, đã chạy hết quãng đường dài. Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính. Chúa sẽ trao phần thưởng đó cho tôi, và không phải chỉ cho tôi, nhưng cho tất cả những ai mong đợi người” (2 Tm 4,6-8).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho chúng con, để chúng con can đảm vượt qua những cám dỗ và chuẩn bị cho tốt ngày Chúa đến với mỗi người chúng con khi Chúa Quang Lâm. Xin cũng ban cho chúng con một tấm lòng rộng mở, một tinh thần sẵn sàng, để ngày Chúa đến với mỗi người chúng con như một ngày hội của tin yêu và phó thác. Amen.

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C