CÓ XÓT THƯƠNG MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ

CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN, C

(Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

"Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Đây là câu hỏi của nhà thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay và cũng là tiếng vọng được vang lên từ trong sâu thẳm của con người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, muốn có sự sống đời đời cần phải có ý ngay lành và phải thực thi đức ái trong lòng mến thì mới hy vọng đạt được.

Hôm nay, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đưa tới sự sống ấy qua dụ ngôn người Samari nhân hậu. Qua đó, Ngài cũng mời gọi mỗi người hãy xót thương  như thế thì sẽ được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

1.   Bối cảnh câu chuyện

Khởi đi từ câu chuyện giữa Đức Giêsu và người thông luật: ông này lên tiếng hỏi: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" (Lc 10, 25). Dựa trên những hiềm khích sẵn có, nên câu hỏi này không phải xuất phát từ ý hướng ngay lành, nhưng nó là một sự gài bẫy để như một cái cớ nhằm cơ hội đánh bại Đức Giêsu nếu Ngài bị lỡ lời! Điều mà ông ta mong mỏi, đó là hy vọng Đức Giêsu sẽ đưa ra một mớ lý thuyết, một lô nghi lễ và dày đặc những nguyên tắc để trả lời!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tước lấy vũ khí ngay trong tay đối phương khi Ngài hỏi ngược lại vấn đề: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" (Lc 10, 26). Người thông luật đã trả lời cách chính xác: “Yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như chính mình” (x. Lc 10,27). Nghe xong, Đức Giêsu đã dạy cho ông ta một bài học sống động ngay trên chính câu trả lời của ông, Ngài nói: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống" (Lc 10, 28).

Chính câu hồi đáp này đã làm cho người thông luật chưng hửng và thất bại. Bởi lẽ, câu hỏi của Đức Giêsu đã làm đảo lộn tình thế. Từ chỗ Ngài là đối tượng để gài bẫy, đến chỗ chính cái bẫy ấy đã tố cáo và vạch trần những điều ám muội bởi lương tâm đê tiện của nhóm thông luật mà ông là người đại diện.

Thấy được lối sống hình thức của nhà thông luật, nên Đức Giêsu mới kể cho ông nghe dụ ngôn về người Samari nhân hậu.

Câu chuyện ấy là: một người đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô. Bất ngờ anh bị bọn cướp tấn công. Khiến anh ta nửa sống nửa chết. Có một thầy Lêvi đi qua, ông trông thấy rồi bỏ đi. Một Tư tế cũng lựa chọn như vậy. Nhưng người Samari trông thấy, ông đã chạnh lòng thương và ra tay cứu giúp.

Tưởng cũng nên biết thêm: Giêrusalem cao cách mặt nước biển 766 mét. Trong khoảng 32 km, con đường này đã đổ dốc tới 1.200 mét. Từ Giêrusalem xuống Giêrikhô có rất nhiều đèo và đường xá chật hẹp, quanh co, khúc khửu. Đây là điều kiện thuận lợi cho bọn cướp hoành hành. Vì thế, người ta thường gọi đoạn đường này là “con đường máu”, ai muốn được an toàn khi đi trên con đường này thì hoặc là đi thành từng đoàn hay phải tính giờ để về nhà lúc mặt trời chưa lặn.

2.   Ý nghĩa câu chuyện

Khi kể cho nhà thông luật câu chuyện trên, Đức Giêsu muốn vận dụng nó vào trong bối cảnh cụ thể, nhằm dạy cho ông ta một bài học sống động về việc thi hành luật.

Để hiểu sâu sắc ý nghĩa của nó, chúng ta cùng phân tích ý nghĩa của từng nhân vật.

Trước tiên là khách bộ hành: vị khách này không được Đức Giêsu nói rõ là ai, hình dạng ra sao hay thuộc dân tộc nào, mà chỉ nói là người lữ khách lâm nạn. Nhưng cứ theo sự thường thì có lẽ là người Dothái và ông ta phải là một người rất liều lĩnh. Bởi vì chỉ đi có một mình mà lại mang nhiều tư trang hành lý. Vì thế, ông ta bị cướp và bị đánh đập là lẽ đương nhiên trên con đường đầy nguy hiểm này.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hình ảnh của những người đi đường khi trông thấy người lâm nạn.

Trước tiên là thầy Tư tế: ông ta trông thấy nạn nhân nằm quằn quại bên lề đường. Nhanh tay, nhanh mắt, thầy Tư tế đã tránh sang một bên và bỏ qua. Có lẽ vị tư tế này không dám đụng vào nạn nhân vì sợ bị ô uế bởi Luật. Vì trong Luật có chép rằng: nếu ai đụng vào người đã chết thì bị ô uế đến 7 ngày (x. Ds 19,11). Vì thế, có thể ông ta suy diễn: nếu giúp đỡ người bị nạn, ông sẽ không còn thanh sạch để xứng đáng tế lễ, và đương nhiên ông bị mất phiên phục vụ trong đền thờ! Như vậy, thầy Tư tế này đã có lựa chọn: ông ta đặt lễ nghi trên tình thương. Đền thờ và nghi lễ đã làm cho lòng trắc ẩn của ông bị đóng khung bởi luật.

Thứ đến là thầy Lêvi: cũng cùng một lựa chọn như thầy Tư tế, nên ông đã ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi khổ đau của người gặp nạn. Tuy chỉ là người giúp việc cho thầy Tư tế. Bổn phận của ông cũng theo đó mà nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng, ông không dám đụng vì sợ liên lụy, nên đã “đào vi thượng sách” cho an thân.

Cuối cùng là người Samari: ông cũng thấy người gặp nạn như thầy Tư tế và Lêvi. Nhưng, thay vì tránh né, phủi tay, ông đã chạnh lòng thương và đến để cứu giúp người lâm nạn.

Kết thúc câu chuyện, Đức Giêsu lên tiếng hỏi: “Ai là người thân cận của người gặp nạn?” (x. Lc 10, 36). Nhà thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Đức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).

3.   Sứ điệp Lời Chúa

Có lẽ khi đọc qua câu chuyện trên, nhiều người trong chúng ta không khỏi bức xúc và buông những lời chỉ trích nặng nề đến những người đã vô tâm và lạnh lùng không giúp đỡ người lâm nạn. Đồng thời không ngớt trầm trồ khen ngợi người Samari nhân hậu.

Tuy nhiên, nếu suy niệm dưới ánh sáng đức tin và dưới cái nhìn liên đới, hẳn chúng ta thật bỡ ngỡ vì những hình ảnh và lựa chọn của thầy Tư tế và Lêvi trong câu chuyện trên lại đang tiếp diễn nơi những hành vi và lựa chọn của chúng ta. Còn tấm lòng và nghĩa cử nhân ái của người Samari lại quá xa vời trong đời sống đạo của mỗi người!

Vì thế, không lạ gì khi chúng ta vẫn thấy đây đó sự dửng dưng, vô cảm và thiếu vắng lòng thương xót ngay tại những trung tâm tôn giáo với nhiều lễ nghi tối ngày... Hay vẫn còn đó biết bao người đói khát, rét mướt, không nhà cửa ngay tại những trung tâm thành phố sầm uất, tráng lệ. Hoặc biết bao trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa đang ngày đên cầu cứu tại các chợ trời, gầm cầu!!!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: dù là ai, làm việc gì, trong đạo hay ngoài đời, ngôn hành phải đồng nhất. Nếu chỉ tập trung lo tổ chức lễ nghi hay sự kiện nhằm mục đích “võ sĩ dương oai” mà quên đi việc thăng tiến con người, nhất là người nghèo, khổ đau, bị gạt ra bên lề xã hội, thì tất cả mọi chuyện chúng ta làm chẳng khác gì một tay hề trên sân khấu tôn giáo! Điều đáng nói, đó là: chúng ta sẽ phải trả lời trước Vị Thẩm Phán chí công, giàu lòng thương xót trong ngày chung thẩm về đức ái mà mình có với tha nhân chứ không phải là những thành công nơi những công trình hay lễ nghi bề ngoài. Mặt khác, nếu vì kiêu ngạo mà bám víu vào một mớ kiến thức rồi đưa ra những khái niệm, định nghĩa để phân tích phải - trái, nhưng không hề có lòng xót thương như người Samari, thì chắc chắn ơn cứu độ sẽ vuột mất ngay trong tay chúng ta. Hãy nhớ lại lối sống giả nhân giả nghĩa và kết cục bi đát của Giuđa để làm bài học cho chính mình!

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho cho chúng con có được tấm lòng thương xót như người Samari, để khuôn mặt xót thương của Thiên Chúa được hiện tại hóa nơi hình ảnh và hành vi của mỗi chúng con. Được như thế, chúng con mới hy vọng có được sự sống đời đời. Amen.

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C