CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Làm giàu trước mặt người ta hay trước mặt Chúa?

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 12:13-21)

          Chúng ta đừng vội nghĩ Chúa Giê-su khinh chê của cải vật chất và việc làm giàu.  Nhưng điểm chính Người nhắn nhủ chúng ta là hãy nhận ra giá trị đích thực của tiền bạc của cải trần gian và chuẩn bị cho sự giàu có của chúng ta trên thiên đàng.  Nhận định như vậy, chúng ta sẽ tránh được tính tham lam và lòng quyến luyến những gì chỉ có giá trị tam thời trên trần gian này.

          Lời giảng dạy của Chúa Giê-su bắt đầu từ một câu chuyện thực tế chúng ta thường gặp trong cuộc sống.  Rất nhiều trường hợp cha mẹ mất đi để lại gia tài cho con cái, và việc phân chia đã gây ra bất hòa hay thù oán giữa anh chị em ruột thịt với nhau.  Ngay cả khi có di chúc rõ ràng, người ta vẫn đưa nhau ra tòa để cố giành lại những gì họ cho là bị thiệt thòi.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su được mời làm “người xử kiện” cho hai anh em nhà kia.  Người em thấy mình bị thiệt hay chỉ vì tính tham lam, nên muốn nhờ uy thế của Chúa để bắt anh mình phải “chia phần gia tài” cho mình.  Dĩ nhiên Chúa Giê-su từ chối làm công việc ruồi bu này, nhưng Người cũng nhân cơ hội dạy cho anh ta và cho chúng ta một bài học về thói tham lam.

          Tính tham lam nằm sẵn trong mỗi người chúng ta.  Ít nhiều nó được biểu lộ ngay trong đời sống thường ngày.  Ăn uống thì chúng ta muốn phần ngon hơn.  Chia chác thì chúng ta giành cho mình phần tốt hơn.  Khi còn bé, cắn đôi cái kẹo cũng phải so đo hai miếng có bằng nhau không!  Lớn lên một chút là muốn “làm giàu”.  Làm giàu bằng cách vơ cho mình hết mọi đồ chơi đáng lẽ phải chia sẻ với anh chị em trong nhà.  Làm giàu ở trường học bằng cách cố học giỏi chỉ để qua mặt người khác hơn là để mình được trau dồi thêm kiến thức.  Khi trưởng thành, làm giàu bằng cách làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ, đến nỗi không có giờ cho Chúa và cho người khác, dẹp bỏ cả lễ lạy hoặc không thể tham gia vào sinh hoạt gia đình.  Lúc nào người làm giàu cũng thấy mình thiếu thốn, chưa đủ tiền bạc.  Nhưng thế nào là đủ?  Tính tham lam không muốn nhìn nhận tính từ “đủ”.  Điều này đã được Chúa Giê-su mô tả bằng câu chuyện dụ ngôn “nhà phú hộ tham lam”.  Ông ta có nhiều ruộng nương.  Ông còn có tài làm cho ruộng nương sinh nhiều hoa lợi nữa.  Như thế là tốt đẹp và đầy đủ quá rồi.  Nhưng ông ta vẫn chưa được an tâm chỉ vì muốn có thêm thật nhiều nữa.  Ông ta tin chỉ có của cải dư thừa mới có thể bảo đảm cho ông cả đời này lẫn đời sau.  Ông ta đã hiểu sai mục đích của tiền bạc của cải đời này rồi.  Chúng chỉ là phương tiện giúp người ta được hạnh phúc tạm đời này và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, chứ không phải cứu cánh duy nhất của đời sống con người.  Tại sao chúng chỉ là phương tiện giúp chúng ta được hạnh phúc tạm thời thôi?  Bởi vì “nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”  Thực là câu hỏi đòi mỗi người chúng ta phải hoàn toàn thay đổi não trạng nếu chúng ta còn cái tính tham lam!  Kể xong chuyện, Chúa Giê-su ân cần bảo chúng ta – hoặc giả Người có gọi chúng ta là “đồ ngốc” cũng không phải là quá đáng! – rằng:  “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Thu tích của cải cho mình và làm giàu trước mặt Thiên Chúa là hai điều trái ngược nhau.  Hễ chúng ta chỉ lo làm giàu cho mình mà thôi là chúng ta sẽ dễ dàng quên Chúa và quên người khác.  Dĩ nhiên vẫn có rất nhiều người giàu có, nhưng đầy tinh thần bác ái, vẫn làm giàu trước mặt Chúa bằng việc thờ phượng nghiêm chỉnh, bằng những đóng góp vào các công cuộc từ thiện bác ái, vẫn luôn thao thức và chú tâm đến những anh chị em kém may mắn.  Đó là vì họ nhận ra tính tạm thời của tiền bạc của cải.  Với họ, tiền bạc của cải là đầy tớ chứ không phải ông chủ của họ.  Họ hiểu rõ giá trị và mục đích của chúng, nên sử dụng chúng đúng chỗ đúng việc.

          Tham lam quả là một căn bệnh lặng lẽ, có vẻ vô hại, nhưng lại ngấm ngầm tàn phá hết đời sống thiêng liêng và đạo đức của chúng ta.  Đây, Chúa Giê-su cho chúng ta một thần dược để tận diệt căn bệnh tham lam:  “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mát-thêu 5:3).  Còn ai sống tâm hồn nghèo khó hơn Chúa Giê-su?            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C