VAI TRÒ CỦA GIOAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

1. Tóm Lược Các Bài Đọc

Bài Đọc Một: Xh 3, 14- 18a

Thiên Chúa phán với ông Môsê: Ta là Đấng Hiện Hữu, là Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Apraham, Isaac và Giacop. Đó là Danh Ta đến muôn thuở, là danh hiệu để kêu cầu ta từ đời nọ đến đời kia. Thiên Chúa thật sự quan tâm đến con cái Israel bên Ai cập. Và Ngài sẽ giải thoát Israel khỏi nỗi khổ ải, mà đưa vào miền đất sữa và mật.

Bài Đọc Hai: Pl 4, 4- 7

Thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, rộng rãi, Chúa đã gần đến. Trong mọi hoàn cảnh, anh em hãy giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa sẽ giữ lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô.

Bài Đọc Tin Mừng: Lc 3, 10- 18a

Khi nhiều người đến chịu phép rửa và hỏi ông Gioan phải làm gì để đón nhận ơn cứu độ, ông đã trả lời: Hãy làm đúng chức năng của mình và theo luật định, sống bác ái và tránh bốc lột người khác, bằng lòng với những gì mình đang có.

Hồi đó, người ta cứ nghĩ: biết đâu ông Gioan là Đấng Messia. Ông Gioan đã trả lời: Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh thần và lửa.

2. Suy Niệm

Khi được ai thổi phồng bản thân hay đề cao mình, chúng ta có khuynh hướng chấp nhận nó như một điều tất yếu, một tặng ân xứng đáng với việc mình làm. Ngay cả trong lãnh vực tôn giáo cũng vậy, không thiếu những lần chúng ta rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng, bố thí của cải, nhưng lại mong chờ lời khen nơi người thụ ơn. Do đó, chúng ta cảm thấy khó chịu khi không được người khác đáp lại xứng với những gì ta bỏ ra. Những bệ cao của chức quyền, danh vọng, lời khen luôn có nguy cơ làm cho ta bị đốn ngã; vậy mà chúng ta vẫn mong được người khác đặt lên đó và  xông hương. Với hạng con người này, những gì làm nhân danh Chúa chẳng qua chỉ là cái giá nâng mình lên để ăn mày những lời tán thưởng nơi người khác.

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta một khuân mặt đầy khiêm tốn là Gioan Tiền Hô. Khi được dân chúng ca tụng như một Đấng Messia, ông đã nói lên sự thật: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh thần và lửa” (Lc 3, 16). Gioan luôn nhận thức mình là người dọn đường cho Đấng quyền năng hơn đang đến; và khi đến, ông phải lui vào phía sau để nhường bước cho Chúa Giêsu. Thật là một con người vĩ đại. Ông được dân chúng coi như Đấng Messia mà lại xem mình không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Đức Giêsu; phép rửa của ông đã làm cho biết bao tâm hồn sám hối, mà lại xem không đáng gì so với một phép rửa lớn hơn: phép rửa trong Thánh thần và lửa. Như vậy, ông Gioan cũng chân nhận mình là ngọn đèn cháy sáng trong một thời gian để soi đường dẫn lối dân chúng tới ánh sáng vĩnh cửu là Đức Kitô. Khi Đức Kitô đến, Ngài sẽ đem lại niềm vui và ơn bình an đích thực cho con người để giúp mỗi người sống hiền hòa và rộng rãi ((x. Pl 4, 4- 7).

Qua con người của Gioa Tiền Hô, chúng ta cũng thành tâm nhìn lại chính bản thân mình. Nếu một chứng nhân Tin Mừng mà tâm hồn chất đầy những kiêu căng của tự mãn và tinh thần thế tục thì rất khó mang Chúa đến cho người khác. Thay vì một Thiên Chúa mạc khải, chúng ta lại tạo nên Thiên Chúa của ngẫu tượng hầu phù hợp với tâm tính và tinh thần vụ lợi của mình. Mỗi người chúng ta rất dễ rơi vào khuynh hướng dẫn người khác đến với mình thay vì đến với Chúa, muốn tô hồng bản thân thay vì làm cho Nước Chúa được vinh quang. Thật là đau buồn cho những người thợ trong cánh đồng truyền giáo nhưng lại nặng mùi thế tục.

Là những Gioan Tiền hô của thời đại, Thiên Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta hãy dọn đương cho Chúa đến với thế giới này bằng chính cuộc sống trong sạch, khiêm tốn và đượm chất Tin Mừng. Điều này đòi hỏi mỗi người phải giữ lòng trí kết hợp với Chúa (Pl 4, 7), ở lại trong Ngài để được thanh luyện nên một con người mới. Chúng ta hãy can đảm để Đức Kitô tẩy rửa những uế tạp trần tục, loại bỏ những ý hướng thấp hèn hầu mặc lấy tâm tình của Ngài để thực sự sống công chính và thánh thiện.

Bởi chưng, con người thời nay cần nhân chứng hơn là thầy dạy. Do đó, Giáo hội cũng cần một kitô hữu thánh thiện, hơn là một kitô hữu “khua chiêng đánh trống”, mà tâm hồn lại trống rỗng. Điều đó đồng nghĩa để trở nên một nhân chứng sống động cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người cần có một kinh nghiệp đích thực về Ngài: kinh nghiệm về một Thiên Chúa gần gũi để có thể bàn thảo, tâm sự và ngay cả để than van. Nói cách khác, nhà truyền giáo đích thực, trước hết phải là một con người cầu nguyện, luôn chìm đắm trong Đấng đã sai đi. Bởi vì, truyền giáo là mang Chúa đến cho người khác, chứ không phải để tiếp thị bản thân. Ý hướng này, chúng ta cũng gặp thấy nơi diễn văn của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi các Giám mục và cộng đoàn Dân Chúa ở Việt nam tháng 12/1996: “Tương lai truyền giáo tùy thuộc phần lớn ở chiêm niệm. Người thừa sai, nếu không phải là nhà chiêm niệm, thì không thể loan báo Đức Kitô một cách khả tín; họ là một chứng nhân của kinh nghiệm về Thiên Chúa và phải nói như thánh tông đồ: Điều chúng tôi đã chiêm niệm…, đó là lời sự sống…, chúng tôi loan báo cho anh em”.

Lạy Chúa, xin mở lòng và uốn nắn tâm trí chúng con để chúng con thực sự là chứng nhân của tình yêu Chúa giữa lòng thế giới hôm nay.

 Đs. Montfort Nguyễn Xuân Pháp Ocist.

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C