THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN

LỄ CHÚA BA NGÔI

(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong đời sống đức tin của chúng ta, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm căn bản, trọng tâm của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm, với sự giới hạn của con người, chúng ta không thể hiểu biết cách thấu đáo nếu không được mặc khải. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - Nhất Thể mà lại Tam Vị quả thật là một mầu nhiệm vượt lên trên trí hiểu của con người. Vì thế, chúng ta chỉ có thể biết được phần nào qua sự mặc khải của chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống thế và hiện hữu giữa trần gian trong vai trò Thiên Chúa làm người.

Tuy nhiên, nếu muốn biết phần nào về Thiên Chúa Ba Ngôi, trước tiên, chúng ta phải biết được về căn tính của chính Đức Giêsu, bởi lẽ, Ngài là trung gian duy nhất dẫn đưa chúng ta vào mối thông hiệp của Thiên Chúa. Cũng chính vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta biết được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

  1. Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa

Khi biết Đức Giêsu là “Logos - Lời” của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chứng minh cách cụ thể chân tính ấy nơi những mặc khải của Ngài ngang qua những hành động như: cho người mù được sáng mắt; kẻ què được đi; người phong hủi được sạch; người điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại; và, người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng (x. Mt 11,4-5; Lc 7,22). Đức Giêsu cũng được ví như hạt giống; là cửa sự sống; cây nho; và cửa đàn chiên... (x. Mt 7,13-14; Ga 12,24; Ga 10,7-9; 14,6; Ga 15,1-2; Ga 10,11; Lc 15,4-7).

Như vậy, Đức Giêsu chính là “Lời” của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Ngài hiện hữu giữa trần gian là để mặc khải về Nước Thiên Chúa, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại về với Cha trong ý định ban đầu của Người.

Không những chỉ biểu lộ chính mình, Đức Giêsu còn biểu lộ Chúa Cha là Đấng Đồng Nhất với Ngài.

2.   Đức Giêsu mặc khải về Chúa Cha

Mặc khải đầu tiên được khởi đi qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan, các tầng trời mở ra và có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu, đồng thời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mt 1,11).

Tiếp theo, Thiên Chúa Cha được mặc khải như là tình phụ tử trong sứ điệp của Đức Giêsu. Điều mới mẻ là: không những Ngài đã giảng về lòng phụ tử của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn gọi Thiên Chúa bằng tiếng “Abba” trong lời kinh của Ngài. Tiếng “Abba” thì chỉ một mình Marcô ghi lại (x. Mc 14,36), nhưng cách gọi Thiên Chúa là Cha thì rất nhiều: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha... vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25). Hay: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46; x. Ga 17,1.5.11.21.25). Đức Giêsu thường xuyên gọi Thiên Chúa như thế. Sự kiện ấy nói lên tương quan đặc biệt giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa, một kinh nghiệm thân ái độc nhất vô nhị mà chỉ mình Đức Giêsu mới có được.

Chính vì sự đặc biệt này mà Ngài đã nói: “Không ai biết được Con trừ phi có Cha, và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con mặc khải ra cho” (Mt 11,27). Mặc khải về Chúa Cha còn phát xuất từ kinh nghiệm, lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha là Chúa trời đất” (Mt 11,25), nghĩa là của toàn vũ trụ. Đức Giêsu cũng đã dạy các môn đệ đọc lời kinh “Lạy Cha” (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4). Chính tương quan độc đáo ấy đã giúp cho các môn đệ sau biến cố phục sinh nhận ra Đức Giêsu là Con Một của Thiên Chúa.

Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu được mặc khải về Chúa Cha qua hình ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân từ (x. Mt 5,45; x. Lc 6,35); là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 15,7); là Đấng quan phòng (x. Mt 6,27). Người theo dõi đến cả số phận những con vật nhỏ bé phải “rơi xuống đất” (x. Mt 6,29).

Kế đến, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần.

3.   Đức Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần

Khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Maria (x. Lc 1,35). Tiếp theo là vai trò của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của Đức Giêsu: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa dưới hình chim bồ câu (x. Lc 3,22). Chúa Thánh Thần đã dẫn Đức Giêsu “vào hoang địa bốn mươi ngày” (x. Lc 4,1-2). Chính Đức Giêsu đã xác nhận:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…”. Khi trừ Quỷ, Đức Giêsu đã khẳng định quyền năng của Ngài đến từ Thánh Thần (x. Mt 12,28). Ngài cũng đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc từ chối hay đón nhận. Đón nhận thì được tha, khước từ thì bị hủy diệt (x. Mt 12,31-32).

Rồi Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14,15-17); “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật xuất phát từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26-27; x. 16,13). Khi mọi sự đã hoàn tất trên thập giá, Đức Giêsu đã gục đầu xuống và trao Thần Khí (x. Ga 19,29-30).

Cuối cùng, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã trao bình an và sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, đồng thời cũng trao ban Chúa Thánh Thần kèm theo quyền tha tội cho các ông (x. Ga 20,22-23).

Như vậy: “Loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). 

4.   Sống tinh thần mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên thụ tạo mới, được mang danh là người Kitô hữu, được trở nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Tôma Aquinô thì: nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần; chúng ta được Thiên Chúa yêu thương: “Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta.” (2 Cr 6,15).

Vì vậy, qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ta và Thiên Chúa chung nhau một giòng máu qua Đức Giêsu. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu giúp ta hiểu được mầu nhiệm tình thương này: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như Chúng Ta” (Ga 17,11).

Mong sao, trong đời sống của chúng ta, nơi gia đình, xóm làng, Giáo xứ, hội đoàn... luôn biết yêu thương, đùm bọc nhau. Hãy noi theo hành động xuất ngoại của Thiên Chúa khi Ngôi này vì Ngôi kia và ngược lại nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con tin vững vàng, phó thác trọn vẹn và yêu mến hết lòng nơi Thiên Chúa. Xin cũng cho chúng con biết yêu thương nhau và sống đúng vai trò của mình trong cuộc sống hằng ngày theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C