CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN

Được tha thứ tội lỗi là bảo đảm cho ta trên đường nên thánh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (2 Sm 12:7-10, 13;  Gl 2:16, 19-21;  Lc 7:36 – 8:3)

          Trong cuộc phỏng vấn ngày 19 tháng 8 năm 2013, cha Antonio Spadaro, S.J., hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô:  “Jorge Mario Bergoglio là ai?” (tên của Đức Hồng y trước khi được bầu làm Giáo Hoàng), Đức Thánh Cha đã thẳng thắn trả lời:  “Tôi là một tội nhân được Chúa nhìn tới”.  Nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình không phải là điều xấu, trái lại đây là một xác tín cần thiết của Ki-tô hữu nếu họ muốn thực sự trở nên thánh thiện.  Chân lý này đã được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày qua câu chuyện vua Đa-vít trong sách 2 Sa-mu-en và câu chuyện người phụ nữ tội lỗi xức dầu lên chân Chúa Giê-su tại nhà ông Pha-ri-sêu.  Thêm vào đó là kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Phao-lô về việc chết đi con người cũ tội lỗi để được tha thứ và sống sự sống mới trong Đức Ki-tô.  

          Đức Giáo Hoàng Phanxicô vốn là tu sĩ dòng Tên đã thấm nhuần linh đạo của thánh Inhaxiô, vị sáng lập dòng.  Tuần I Linh Thao theo thánh Inhaxiô giúp cho người tĩnh tâm hiểu về những nguyên lý nền tảng:  Thiên Chúa là Đấng nào, thận phận tội lỗi của nhân loại, mục đích khi Chúa dựng nên ta… Có nhìn nhận thân phận tội lỗi và rõ mục đích đời mình, chúng ta mới biết khiêm nhường chọn theo Chúa Giê-su, chiêm ngưỡng những mầu nhiệm cuộc đời của Người, để biết Người rõ hơn, yêu mến Người nồng nàn hơn và theo Người sát hơn.  Tóm lại, nên thánh là đi theo con đường trở nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày một hơn.  Biết mình là ai, đó là khởi đầu con đường nên thánh.  Chỉ biết mình là “một tội nhân” thôi, thì đó là cái biết khập khiễng, cho nên đồng thời phải biết mình là tội nhân “được Chúa nhìn tới”!  Bài đọc 1 đã mô tả vua Đa-vít là loại tội nhân này đấy.  Sau khi Đa-vít được ngôn sứ Na-than vạch trần tội lỗi tày trời của ông, nhà vua đã thú nhận:  “Tôi đắc tội với Chúa”.  Lời thú nhận này hàm chứa một tâm tình khiêm tốn, sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt của Chúa và chỉ biết cầu xin Người:  Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.  Thế là vua Đa-vít vừa nhận thức mình là kẻ tội lỗi, vừa xác tín mình cũng là kẻ “được Chúa nhìn tới”.  Chúng ta hãy nghe ĐTC Phanxicô diễn tả “được Chúa nhìn tới” như sau:  “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn cảm thấy khẩu hiệu Miserando atque Eligendo (Thương xót và tuyển chọn) rất đúng với tôi.  Khẩu hiệu này lấy từ các bài giảng của thánh Bê-đa đáng kính; khi chú giải về trình thuật Tin Mừng Chúa kêu gọi Mathêu, thánh Bê-đa đã viết:  Đức Giê-su thấy một người thu thuế, Ngài nhìn ông với tâm tình yêu mến và chọn ông, Ngài nói với ông: Hãy theo tôi”.  Đúng vậy, Chúa đã thương xót và chọn Đa-vít, giống như Người đã thương và chọn ĐTC Phanxicô, bạn, tôi và tất cả những ai muốn làm môn đệ Chúa Ki-tô!

          Tiếp đến là chia sẻ của một kẻ tội lỗi đã từng bách hại Ki-tô hữu, đó là thánh Phao-lô.  Ngài đã được Chúa Giê-su kêu gọi trên đường ngài đi Đa-mát để bắt giam các tín hữu Chúa ở đây.  Giống như Chúa đã thương xót và tuyển chọn Mát-thêu làm tông đồ thế nào, giờ đây Chúa Phục Sinh cũng thương xót và tuyển chọn Phao-lô làm tông đồ dân ngoại cho Giáo Hội Người như vậy.  Dù biết mình là kẻ có tội với Chúa Ki-tô và các môn đệ Người, nhưng ngài “đã tin vào Đức Ki-tô Giê-su để được nên công chính”.  Trước đây ngài sống cho tội lỗi, bây giờ ngài sống hoàn toàn cho Chúa Ki-tô, để Chúa thay đổi cuộc sống ngài đến độ ngài không ngại tuyên bố:  “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”.  Chính vì Chúa Giê-su đã tha thứ cho ngài và thương chọn ngài nên ngài mới có thể “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Ep 3:13).  Thân phận tội lỗi không phải là rào cản đối với việc Chúa tha thứ và giúp ta nên thánh.

          Câu chuyện Tin Mừng hôm nay quả là một tin vui rất lớn cho chúng ta.  Hãy xem Chúa Giê-su đối xử với “những kẻ tội lỗi” thế nào, để chúng ta không bao giờ nản lòng, nhưng vững tin vào lòng thương xót tha thứ của Chúa.  Có lẽ trước hết chúng ta phải cảm phục người “phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành”!  Tại sao?  Thánh Lu-ca không cho chúng ta biết chị này “nổi tiếng” thế nào mà mọi người trong thành đều biết.  Tế nhị mà!  Làm gái điếm?  Phạm tội giết người?  Lừa đảo?  Tóm lại, chị “vốn là người tội lỗi”, tức là một kẻ có tội công khai.  Vậy mà giờ đây chị không ngại xuất hiện giữa chốn đông người, bất chấp lời ra tiếng vào, thậm chí cả những lời nguyền rủa nữa, miễn là được lọt mắt thương xót của Chúa Giê-su.  Quả thực chị cũng thuộc loại người can đảm dám “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”!  Chị đến gặp Chúa với nước mắt thống hối tưới ướt chân Người.  Chị đến với chai dầu thơm quý giá chỉ là để xức lên chân Chúa, vì chị biết mình không xứng đáng xức dầu thơm lên đầu Người.  Cuối cùng Chúa tuyên bố:  “Tội của chị đã được tha rồi”.  Người còn tế nhị cho thấy con đường nên thánh của chị là:  “Được tha nhiều thì càng yêu mến nhiều”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Các bài đọc hôm nay phong phú quá.  Càng nghe chúng ta càng thấy được an ủi.  Chúng ta không thất vọng về tình trạng tội lỗi của mình, nhưng quan trọng hơn thế, đó là biết đứng lên để theo Chúa, giống như vua Đa-vít, như thánh Phao-lô và như người phụ nữ vốn là kẻ tội lỗi trong thành!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C