LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Thánh Thể là hồng ân quý trọng Chúa ban cho chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 14:18-20;  1 Cr 11:23-26;  Lc 9:11b-17)

          Nói đến những hồng ân Thiên Chúa ban, làm sao chúng ta kể ra cho hết được.  Mọi sự đều là hồng ân hoặc là ân sủng.  Mục đích của Thánh lễ là tạ ơn, cho nên Phụng vụ Lời Chúa thường trình bày những hồng ân Chúa ban, để chúng ta khi dâng lễ là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.  Từng ngày trong năm, chúng ta đều có những điều để cảm tạ Chúa đã thương ban.  Chúng ta vừa kết thúc mùa Phục Sinh với ba lễ trọng:  Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thiên Chúa Ba Ngôi và hôm nay là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô.  Đó là những hồng ân không gì có thể sánh ví được.  Vậy Lời Chúa hôm nay trình bày hồng ân Thánh Thể Chúa Giê-su như thế nào?

          Trước hết câu chuyện tư tế Men-ki-xê-đê trong sách Sáng thế là một hình ảnh chuẩn bị báo trước về Bí tích Thánh Thể.  Ông Áp-ram (tên cũ của ông Áp-ra-ham) sau khi từ Ai-cập trở về miền đất hứa đã định cư tại đất Ca-na-an, còn cháu ông là Lót thì ở lại trong các thành vùng sông Gio-đan.  Gia đình ông Lót ở thành Xơ-đôm bỗng trở thành nạn nhân của cuộc viễn chinh do bốn ông vua từ miền đông sông Gio-đan.  Ông bị bắt và tài sản bị chiếm.  Người ta báo tin cho ông Áp-ram hay.  Áp-ram liền huy động thân nhân và tôi tớ, lại có sự trợ giúp của anh em ông Mam-rê, đã đánh đuổi các vua kia, giải cứu cho Lót và lấy lại tài sản đã bị chiếm.  Khi Áp-ram thắng trận trở về, ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem và cũng là một tư tế, đã mang bánh và rượu đến chúc mừng ông Áp-ram.  Điều đáng ghi nhận ở đây là những chi tiết của việc tiếp đãi.  Ngoài thức ăn của uống là bánh và rượu, ông Men-ki-xê-đê đã chúc phúc cho ông Áp-ram.  Những điều này là một hình ảnh sơ khởi về Bí tích Thánh Thể, nếu chúng ta có thể suy diễn như vậy.  Bánh, rượu và phúc lành đều là những hồng ân Chúa đã ban cho ông Áp-ram.  Đáp lại, ông Áp-ram đã biếu ông Men-ki-xê-đê “một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” để tỏ lòng biết ơn những gì Thiên Chúa đã làm cho ông.  Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa ban cho chúng ta bánh và rượu đã được biến đổi bản chất thành Mình và Máu Giê-su, như Người đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly.  Cùng với Mình Máu Thánh Chúa là biết bao những hồng ân khác khi chúng ta lãnh nhận Chúa vào lòng.

          Bài đọc 2 là lời thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta về mục đích chúng ta phải hướng tới mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể.  Những mục đích Phao-lô kể ra ở đây là “điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em”.  Thật rõ ràng đây không phải là những suy nghĩ riêng của thánh Phao-lô, mà là điều chính Chúa Giê-su đã nói và bổn phận của Phao-lô chỉ là truyền lại cho người khác mà thôi.  Vậy những mục đích ấy là gì?  Khi thánh hiến bánh và rượu, Chúa Giê-su phán:  “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.  Sau đó, thánh Phao-lô đã giải thích việc “tưởng nhớ đến Thầy” như sau:  “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.  Ngài muốn dạy chúng ta rằng tưởng nhớ đến Chúa Giê-su không chỉ đơn thuần là lập lại một kỷ niệm, giống như chúng ta nhớ lại một kỷ niệm với người thân, mà là loan truyền Chúa đã chịu chết.  Thoạt nghe thì giống như một ý tưởng kỳ quặc:  tại sao lại loan truyền cái chết của Chúa?  Bí tích Thánh Thể và cái chết của Chúa có liên hệ gì với nhau?  Có chứ!  Đó là mối liên hệ nói lên Tình Yêu của Thiên Chúa.  Chúa Cha đã hy sinh trao Con Một vì yêu nhân loại, còn Chúa Giê-su thì “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”, đổ hết máu ra và chết trên thập giá để đền tội cho chúng ta.  Như thế, loan truyền Chúa chịu chết có nghĩa là nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, lãnh nhận và đáp trả tình yêu ấy.

          Thánh Phao-lô đã “truyền lại” cho chúng ta những điều cốt yếu về Bí tích Thánh Thể, nhất là ý hướng chúng ta phải có khi cử hành hồng ân vĩ đại nhất Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.  Còn bài Tin Mừng tuy không kể lại việc Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể, nhưng tường thuật phép lạ Chúa làm cho năm chiếc bánh và hai con cá hóa nhiều để cứu giúp đám đông dân chúng.  Có lẽ bài Tin Mừng muốn đề cao việc cộng tác của các tông đồ vào phép lạ Chúa nuôi dưỡng dân chúng, khi Chúa Giê-su bảo các ông:  “Chính anh em hãy cho họ ăn”.  Làm sao các ông làm nổi công việc vĩ đại này!  Các ông chỉ biết đóng góp bằng tất cả những gì các ông có:  “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”.  Đối với Chúa, lòng quảng đại không được đo lường bằng con số.  Chỉ cần yêu mến hết lòng và hết tất cả những gì mình có.  Quảng đại và yêu thương sẽ thực hiện những cấp số nhân vĩ đại không tưởng tượng được.  Kết quả là một đám đông dân chúng (chỉ kể đàn ông thôi mà đã chừng năm ngàn người), “mọi người đều ăn và ai nấy được no nê”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Câu chuyện tư tế Men-ki-xê-đê, lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô và phép lạ Chúa làm cho năm cái bánh cùng hai con cá hóa ra nhiều đã soi sáng cho chúng ta hiểu những ý nghĩa khác nhau của Bí tích Thánh Thể.  Điều quan trọng hơn cả, đó là mỗi khi tham dự Thánh lễ, đặc biệt khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta có hiểu và sống những ý nghĩa ấy hay không.  Có lẽ ý nghĩa quan trọng nhất chính là “loan truyền Chúa đã chịu chết”.  Vậy ta hãy tự hỏi xem mình đã “loan truyền” như thế nào?  Bằng cách tạ ơn Chúa đã ban hồng ân Thánh Thể?  Bằng cách yêu thương anh chị em như Chúa yêu thương chúng ta?    

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi           


Suy Niệm Lời Chúa Năm C