CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Thái độ của Ki-tô hữu đối với của cải danh vọng đời này

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gv 1:2;  2:21-23;  Cl 3:1-5, 9-11;  Lc 12:13-21)

          Một trong những nguy hiểm lớn nhất đối với Ki-tô hữu trên đường nên thánh, đó là những cám dỗ của tiền bạc, danh vọng ở đời này.  Chắc chắn không thiếu những lời dạy luân lý của những bậc hiền triết khôn ngoan giúp chúng ta có một thái độ đúng đắn về việc tìm kiếm và sử dụng của cải vật chất sao cho đúng, giúp ích không những cho cá nhân chúng ta mà còn cho người khác nữa.  Nhận định của Giảng viên trong loạt sách Khôn ngoan về cuộc sống con người đưa ra một cái nhìn không bi quan, nhưng thẳng thắn, để kêu gọi chúng ta xác tín rằng cuộc sống chúng ta không chỉ là vật chất hoặc những điều chóng qua ở đời này, mà còn có cuộc sống mai sau nữa.  Đặc biệt là lời Chúa Giê-su kêu gọi người ta hãy lưu ý tích trữ những gì có giá trị vĩnh cửu để “làm giàu” trước mặt Thiên Chúa.  Theo gương Chúa Giê-su, thánh Phao-lô cũng đưa ra một mẫu sống của những người “đã sống lại với Đức Ki-tô”.  Đó là nội dung của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Trước hết chúng ta lắng nghe Giảng viên nói về ý nghĩa cuộc sống.  Điều ông nhấn mạnh khi mở đầu cuốn sách không phải chỉ đơn giản khẳng định mọi sự trong cuộc đời đều là hư không, rồi đưa chúng ta tới thái độ bi quan yếm thế, thậm chí tới lối sống “hiện sinh” hoặc “buồn nôn” như một số triết gia giữa thế kỷ 20 chủ trương.  Trái lại, Giảng viên chỉ muốn trình bày bộ mặt thực của trần gian với những thay đổi liên tục, không có gì là vĩnh cửu và bền vững mãi mãi ở đời này.  Bản chất của vật chất là thay đổi, có thể tăng giảm, mất còn, chứ không hiện hữu đời đời.  Vậy đâu là giá trị đích thực của cuộc sống chúng ta?  Giảng viên đan cử vài trường hợp và để chúng ta tự tìm câu trả lời.  Thí dụ thứ nhất:  một người vất vả cả đời để tạo dựng “sự nghiệp”, rồi khi chết phải để lại sự nghiệp ấy (tức tiền bạc của cải) cho một kẻ chẳng chịu làm gì cả.  Vậy ở đây, đâu là mục đích khi người ta chỉ cố gắng tạo sự nghiệp, cố làm giàu trước mặt người đời?  Dĩ nhiên câu trả lời Giảng viên muốn nghe là mục đích việc tạo sự nghiệp đời này nhằm chuẩn bị cho sự nghiệp đời sau!  Thí dụ thứ hai:  một người suốt ngày cực khổ lo cho cuộc sống, nhưng ban đêm tâm hồn vẫn không được bình an thư thái.  Vậy tại sao không được bình an thư thái?  Vì người ta chỉ lo kiếm tiền mà quên cả đạo đức thánh thiện!

          Tiếp đến, câu chuyện Tin Mừng hôm nay thật là thấm thía.  Có anh em nhà kia tranh giành nhau về việc chia gia tài và người em đến gặp Chúa Giê-su để xin Người “xử kiện”.  Chúa bảo anh ta:  Anh tìm lầm người rồi!  Tôi là người đi rao giảng Tin Mừng, chứ đâu phải chánh án.  Mà Tin Mừng của tôi là:  “Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam, vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu”.  Kèm theo lời dạy, Chúa còn kể câu chuyện dụ ngôn về nhà phú hộ.  Ông này chỉ lo làm sao cho mình được “sung túc” vật chất nhưng lại nghèo mạt phần thiêng liêng.  Ông muốn dùng kho lẫm lúa thóc để bảo đảm cho linh hồn mình, nên mới “dại dột” nhắn nhủ linh hồn mình cứ “nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi”.  Một cái dại trên mọi cái dại là ông ta quên rằng chắc chắn sẽ đến một lúc Thiên Chúa chỉ “đòi linh hồn” của ông chứ không đòi kho lẫm của ông.  Mà linh hồn của ông chỉ là con số không, một linh hồn nghèo xác xơ, không một việc lành phúc đức!  Suốt cuộc đời ông chẳng làm gì để tích trữ vào kho trên trời, nơi không có mối mọi hoặc han rỉ.  Mà chết là xuôi tay không còn có thể tích trữ được gì nữa, cả vật chất lẫn thiêng liêng.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để sống Lời Chúa hôm nay, thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta “hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa”.  Nhưng trước hết chúng ta cần biết mình là ai mà phải đi tìm những sự trên trời.  Thánh tông đồ dân ngoại lý luận rằng:  Nếu chúng ta đã sống lại với Đức Ki-tô, thì hãy tìm những sự trên trời.  Ngài muốn nói rằng những sự trên trời là những điều Đức Ki-tô đã đến dạy chúng ta khi Chúa được Chúa Cha sai đến trần gian.  Lời giảng và lối sống của Chúa chính là những sự trên trời, hoặc nói khác đi là Nước Trời đã đến gần chúng ta.  Vậy thì chúng ta đâu cần phải “lên trời” để tìm kiếm những sự trên trời.  Chúa Giê-su là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi ngay tại mặt đất này, Người ở trong Lời Chúa mà chúng ta đọc hoặc nghe trong Thánh Lễ.  Người hiện diện với chúng ta khi chúng ta cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh.  Điều quan trọng là chúng ta sống lời dạy của Chúa:  hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời (Mt 6:20-21), trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (6:33).  Vậy khi nói chúng ta đã sống lại với Đức Ki-tô, thánh Phao-lô hiểu rằng chúng ta đã chết đi cho những sự thế gian, tức là đã từ bỏ lối sống thế gian như gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê, xấu xa và hà tiện.  Ngài còn mô tả diễn trình tìm những sự trên trời như sau:  đó là “cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó và mặc lấy con người mới” (Cl 3:9, 10).  Khi được rửa tội, chúng ta hứa sẽ từ bỏ tội lỗi và ma quỷ để tin Chúa Ki-tô và sống những điều Chúa dạy.  Vậy chúng ta đừng khi nào quên rằng mình là những người phục sinh, đã sống lại với Đức Ki-tô và từ nay sống theo lối sống của Đức Ki-tô.  Tìm kiếm tiền bạc không phải là điều xấu nếu nhắm mục đích tốt.  Nhưng làm giàu trước mặt Chúa phải là ưu tiên của chúng ta.  Chúa là phần gia nghiệp của tôi, tôi còn tìm chi nữa.

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C