CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (2 V 5:14-17;  2 Tm 2:8-13;  Lc 17:11-19)

          Thỉnh thoảng tôi có dịp nghe giới thiệu trên TV công việc của Hội “Bạn những người cùi ở Việt Nam”.   Những người cùi vừa vỗ tay (dù bàn tay không còn ngón nào cả!) vừa cất tiếng hát:  “Xin tạ Ơn Trên, người vẫn thương người”.  Nghe mà cảm động làm sao!  Họ cảm tạ Chúa vì vẫn có những tấm lòng quảng đại đã giúp đỡ họ qua Hội.  Đó là câu chuyện ngày nay.  Nhưng ngày xưa cũng có nhiều câu chuyện như thế, cụ thể là chuyện ông Na-a-man trong sách Vua quyển thứ 2 và chuyện Mười người phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành theo sách Tin Mừng Lu-ca.  Cả hai câu chuyện không nhấn mạnh đến việc chữa lành, nhưng chuyển sang chủ đề tạ ơn Thiên Chúa.  Trước khi trở về quê nhà là nước A-ram, ông Na-a-man đã quay lại cám ơn ngôn sứ Ê-li-sa và tuyên xưng Thiên Chúa của Ít-ra-en.  Trong số mười người phong hủi được chữa lành, chỉ có người ngoại bang Sa-ma-ri trở lại cảm tạ Chúa Giê-su, còn chín người Do-thái thì không ai tỏ lòng biết ơn Chúa.  Hai câu chuyện này khiến những người tự hào là con cái Chúa, là người “có đạo” phải nghĩ lại về thái độ vô ơn của mình.

          Tạ ơn Thiên Chúa là một điệp khúc được lập đi lập lại trong Cựu Ước, nhất là sách Thánh Vịnh.  Tác giả Thánh Vịnh kêu gọi mọi người hãy cảm tạ Chúa vì những ơn lành Người ban.  Lời ca tạ ơn được cất lên từ mọi hạng người, thứ dân cho đến hàng vua chúa.  Lý do để tạ ơn Chúa thì lại càng nhiều không sao kể hết.  Có thể nói, cứ cách vài ba Thánh Vịnh, chúng ta lại gặp một Thánh Vịnh chứa đựng những lời cảm tạ Chúa.  Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa bảo tướng Na-a-man xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan thì sẽ khỏi bệnh phong hủi.  Chúng ta thử tưởng tượng mình đóng vai ông tướng Na-a-man để hiểu được tâm trạng bất mãn của ông.  Ông là một danh tướng nước A-ram, hạ mình đến để cầu xin ngôn sứ người Ít-ra-en chữa bệnh phong cùi cho ông.  Nhưng ngôn sứ không tự tay chữa lành ông, mà chỉ bảo ông làm một việc hết sức vô nghĩa:  dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan.  Mà nước sông Gio-đan có hơn gì những dòng sông tại quê hương ông đâu!  Nhưng cuối cùng, ông cũng hạ mình thêm một lần nữa, làm theo điều ngôn sứ nói.  Ông được lành bệnh, da thịt lại trở nên giống như trẻ nhỏ.  Được khỏi bệnh, ông mừng lắm.  Nhưng ông không quên điều phải làm là cùng đoàn tùy tùng quay lại cám ơn ngôn sứ Ê-li-sa, nhất là để tạ ơn Thiên Chúa của dân Ít-ra-en.  Ông còn xin ngôn sứ cho ông đưa một ít đất của nước Ít-ra-en về nhà.  Để làm gì với mấy bao đất ấy?  Để ông được tiếp tục đứng trên miền đất Ít-ra-en mà “dâng lễ toàn thiêu và hy lễ” tạ ơn Thiên Chúa của Ít-ra-en.  Ông quyết tâm từ bỏ bất cứ thần nào khác để phụng thờ duy một mình Thiên Chúa mà thôi.  Đây là một cách tạ ơn Chúa thật tuyệt vời.  Chúng ta đừng quên ông Na-a-man là người ngoại giáo, tức không phải người Do-thái.

          Một câu chuyện tạ ơn khác được thánh sử Lu-ca kể lại.  Chúa Giê-su và các môn đệ từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem.  Khi các ngài đi tới biên giới Ga-li-lê và Sa-ma-ri thì có mười người phong hủi ra đón gặp Chúa.  Chắc chắn họ đã nghe nói về Chúa Giê-su.  Nhưng theo luật thanh tẩy, họ phải đứng ở đằng xa và kêu lớn tiếng, xin Chúa thương xót họ.  Đấng giầu lòng thương xót bảo họ cứ đi trình diện tư tế, vì theo luật, người phong hủi sau khi lành bệnh phải trình diện tư tế để được nhận lại vào trong cộng đồng.  Thánh Lu-ca kể rõ ràng:  “Đang khi đi thì họ được sạch”.  Tiếp theo, bằng giọng văn khá mỉa mai, ngài kể tiếp:  “Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.  Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn.  Anh ta lại là người Sa-ma-ri”.  Đó là lời kể của Lu-ca.  Nhưng chúng ta hãy đọc thật chậm những lời chua xót của Chúa Giê-su để thấy được Người muốn nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn Thiên Chúa:  “Không phải cả mười người đều được sạch sao?  Thế thì chín người kia đâu?  Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”  Vô cùng chua xót chứ!  Không biết giọng của Chúa như thế nào khi Người hỏi:  Thế thì chín người kia đâu?  Phải, chín người là đồng bào của Người, là những người được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương, vậy mà họ lại là những kẻ vô ơn, thua xa người ngoại bang Sa-ma-ri kia.  Chúa Giê-su đâu cần họ phải cám ơn Người, nhưng Người chỉ muốn họ hãy “trở lại tôn vinh Thiên Chúa” mà thôi!  Chắc chắn trong cuộc đời Ki-tô hữu, nhiều lần chính chúng ta cũng phải giật mình khi thấy mình ở trong số chín người này đấy.  Người Sa-ma-ri đã làm một cử chỉ đầy ý nghĩa:  anh sấp mình dưới chân Chúa Giê-su mà tạ ơn.  Sấp mình là cử chỉ thờ lạy dành riêng cho việc thờ lạy Thiên Chúa.  Vậy anh đã nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa của anh rồi.  Chúa Giê-su chấp nhận lòng tin của anh khi Người bảo:  “Đứng dậy về đi!  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.  Thế là anh vừa được Chúa cứu thể xác vừa được Chúa cứu phần linh hồn.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Một lần nữa, thánh Phao-lô lại khéo léo dạy môn đệ Ti-mô-thê bài học cảm tạ Thiên Chúa.  Ngài khuyên anh bắt chước ngài mà “nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô”.  Tạ ơn là nhớ đến.  Phao-lô nhớ đến Chúa Giê-su vì Chúa đã làm cho ngài thật nhiều.  Cho nên ngài nhớ đến thì ngài muốn nói cho người khác biết về Chúa, về lời Chúa và về ơn cứu độ Chúa ban cho ngài và cho chúng ta nữa.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C