CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG

Được đầy tràn ơn Thánh Thần

 

Lắng nghe sứ điệp lời Chúa  (Cv 2:1-11;  1 Cr 12:3b-7, 12-13;  Ga 20:19-23)

        Thánh Thần là hơi thở sự sống, cần thiết cho đời sống thiêng liêng của Ki-tô hữu, của cộng đoàn tín hữu và của toàn thể cộng đồng Giáo Hội.  Do đó, cá nhân chúng ta, cộng đoàn và Giáo Hội không thể thiếu s  inh khí ấy.  Hôm nay chúng ta mừng lể Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là biến cố khai sinh Giáo Hội và là nguồn sống của tất cả chúng ta.  Sinh khí của Chúa Thánh Thần luôn tràn đầy và đem lại sự sống.  Đề tài này được Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày dưới ba khía cạnh:  được tràn đầy ơn Thánh Thần để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (bài đọc 1), để làm thành một Giáo Hội tuyên xưng đức tin và phục vụ (bài đọc 2), và để được sai đi rao giảng Tin Mừng (bài Tin Mừng).

 

        1.  Được tràn đầy ơn Thánh Thần để loan báo những kỳ công của Thiên Chúa.  Chúng ta thử tưởng tượng ra khung cảnh một căn nhà khá rộng, trong đó các Tông đồ và môn đệ Chúa Giê-su đang tụ họp.  Bầu khí trong nhà thật nặng nề và yên lặng.  Trên gương mặt mọi người lộ vẻ lo lắng hoang mang.  Họ đang chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra.  Trong thời gian ấy, họ không quên cùng nhau cầu nguyện, rồi chờ đợi điều Chúa Giê-su đã hứa là sẽ ban cho họ ơn Thánh Thần.  Quả thực họ cũng chưa biết Thánh Thần là Đấng nào. 

        Đang khi cầu nguyện và chờ đợi cho đến lễ Ngũ Tuần của người Do-thái, bất ngờ xảy đến những điều họ chưa từng chứng kiến:  một tiếng động mạnh phát ra từ trời và một cơn gió cực mạnh ùa vào nhà.  Tiếp đến là những hình lưỡi lửa xuất hiện và đậu trên đầu mỗi người.  Tiếng động, gió và những hình lưỡi lửa là những hình ảnh nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần, đồng thời cũng nói lên những điều Chúa Thánh Thần sẽ làm trên họ theo như lời Chúa Giê-su đã hứa với họ trước khi Người về trời.  Sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần mang một ý nghĩa đặc biệt.  Lễ Ngũ Tuần của dân Do-thái là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm.  Từ ban đầu, lễ này là lễ hội của giới nhà nông;  nhưng vào cuối thời Cựu Ước, lễ hội biến thành lễ kỷ niệm Thiên Chúa ban Lề Luật cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai.  Với ý nghĩa này, việc Chúa Thánh Thần đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để ban Lề Luật Mới là Tin Mừng được coi như kết thúc thời Cựu Ước.  Mọi thực tại của Cựu Ước đã đạt tới tầm vóc viên mãn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và giờ đây được thay thế bằng thực tại của Tân Ước.  Dân Ít-ra-en ngày xưa được thay thế bằng Giáo Hội hôm nay của Chúa Ki-tô và Lề Luật Mô-sê được kiện toàn nhờ Luật Tin Mừng.  Một trong những thay đổi lớn nhất mà biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã mang lại, đó là sự kiện những người thuộc các dân tộc khác nhau lại nghe các Tông đồ nói tiếng mẹ đẻ của họ, mặc dù các Tông đồ là những người gốc Pa-lét-tin và nói ngôn ngữ Pa-lét-tin.  Điều này chứng tỏ rằng chính Thiên Chúa đã đặt nền tảng cho mọi công cuộc loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô.  Nền tảng đó là bất cứ ai thuộc bất cứ dân tộc nào được đón nhận Tin Mừng cũng không cần phải từ bỏ ngôn ngữ hay văn hóa của mình để gia nhập Giáo Hội.  Cũng chính trên nền tảng này, Thiên Chúa sẽ được mọi người chúc tụng và tôn vinh bằng mọi thứ ngôn ngữ và mọi nền văn hóa, đồng thời chúng ta có thể nhận ra tính đa dạng và đa năng của các chi thể trong Nhiệm Thể Đức Ki-tô (1 Cr 12:12-13).  Chúa Giê-su và Thần Khí của Người là Thánh Thần quy tụ về một mối mọi con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi (Ga 11:52).  Đặc biệt hôm nay Chúa Thánh Thần đã xuống tràn đầy tâm hồn các Tông đồ của Chúa Giê-su để giúp họ “nói các thứ tiếng khác nhau” mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2:11).  Trong lịch sử, cũng có lúc Giáo Hội đã “áp đặt ngôn ngữ và văn hóa” của mình cho các dân tộc trong công cuộc truyền bá Tin Mừng.  Nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, những áp đặt ấy được gỡ bỏ, đan cử là việc qua Công Đồng Vatican II, Giáo Hội đã cho sử dụng ngôn ngữ bản địa trong những cử hành phụng vụ Thánh lễ.  Đây là việc đổi mới của ơn Thánh Thần ban cho Giáo Hội ngày nay.

 

        2.  Được tràn đầy ơn Thánh Thần để mọi người làm thành một Giáo Hội tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô và phục vụ mọi người.  Ơn Chúa Thánh Thần đã đặt nền tảng cho việc quy về một mối là Giáo Hội Đức Ki-tô. Nhưng đâu là sinh hoạt chính của Giáo Hội nhờ ơn Thánh Thần?  Qua thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống của Giáo Hội và của mọi tín hữu.  Trước tiên, thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định:  “Thưa anh em, không ai có thể nói rằng:  ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí”.  Ở trong Thần Khí nghĩa là người tín hữu phải được tràn đầy Thánh Thần, tức Thần Khí của Đức Ki-tô, và được Thánh Thần ban cho họ khả năng biểu lộ đức tin vào Chúa Giê-su.  Nhờ ơn Thánh Thần họ mới xác tín mình thuộc về Chúa Giê-su và muốn tuyên xưng Người là “Chúa của tôi” và “Thiên Chúa của tôi” như Tông Đồ Tô-ma đã tuyên xưng khi được gặp Chúa Phục Sinh hiện ra.

        Là chi thể của Thân Thể Đức Ki-tô, mỗi người chúng ta có những “đặc sủng” tức là những ơn đặc biệt để ta sử dụng mà xây dựng Giáo Hội.  Nhưng nếu chúng ta sử dụng những tài năng ấy theo những tinh thần khác, chứ không theo một tinh thần chung nhằm xây dựng Giáo Hội, thì Giáo Hội cũng chẳng được lợi gì.  Chính vì thế, thánh Phao-lô mới nhấn mạnh rằng “Tuy có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí”.  Thánh Thần là nguyên lý duy nhất hướng dẫn mọi người sử dụng đặc sủng của mình để mưu ích cho Giáo Hội.  Vậy chúng ta làm sao có được nguyên lý duy nhất ấy?  Thánh Phao-lô trả lời:  “Thật thế, tất cả chúng ta dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể”.  Chính Thần Khí đã cho chúng ta được làm “Ki-tô hữu” để chúng ta đem tài năng của mình mà phục vụ Đấng chúng ta sở hữu và phục vụ Giáo Hội của Người.

 

        3.  Được tràn đầy ơn Thánh Thần để được sai đi loan báo Tin Mừng.  Chúa Giê-su đã lấy chính gương mẫu của Người để làm tiêu chuẩn sai các Tông đồ và môn đệ Người ra đi thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng:  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.  Đúng vậy, khi sai Con Một xuống trần gian, Chúa Cha đã lấy quyền năng Thánh Thần để cho Đức Ma-ri-a được thụ thai và làm Mẹ Chúa Giê-su.  Khi Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ, chính Thánh Thần đã dẫn Chúa Giê-su vào hoang địa để chịu cám dỗ và để xác tín sứ mệnh của Người.  Tại hội đường Na-da-rét lúc đọc đoạn sách I-sai-a nói về sứ mệnh của Người, Chúa Giê-su đã ý thức mình được Thánh Thần xức dầu tấn phong và sai đi thi hành sứ mệnh.  Sứ mệnh ấy là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”.  Giờ đây, Chúa Giê-su cũng sai các Tông đồ và môn đệ ra đi thi hành cùng một sứ mệnh loan báo Tin Mừng để giải thoát mọi người khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi.  Vậy khi ra đi thi hành quyền “tha tội” và “cầm giữ” là họ thi hành quyền năng Chúa Thánh Thần đã ban cho họ.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Được tràn đầy ơn Thánh Thần không phải là đặc ân dành riêng cho các Tông đồ và môn đệ Chúa tụ họp trong phòng Tiệc Ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhưng cũng là đặc ân dành cho tất cả chúng ta hôm nay, những Ki-tô hữu được Chúa sai đi theo cùng một thể thức như Người đã được Chúa Cha sai đi.  Vậy hôm nay, được tràn đầy sức mạnh và ơn sủng của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn và hăng hái lên đường, tiếp tay với các anh chị em Ki-tô hữu toàn cầu để làm chứng nhân cho Chúa và phục vụ Giáo Hội Chúa Ki-tô!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       


Suy Niệm Lời Chúa Năm C