CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Đường lên Núi Sọ để hoàn toàn trút bỏ vinh quang

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Lc 22:14 – 23:56)

        Trong khi thánh sử Lu-ca thuật lại cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su thì thánh Phao-lô lại đề cao việc Đức Giê-su Ki-tô hoàn toàn trút bỏ vinh quang.  Những gì thánh Phao-lô nói về Đức Ki-tô tự khiêm tự hạ đều được thể hiện trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su.  Con đường lên Núi Sọ đã minh chứng việc trút bỏ vinh quang của Đấng có địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.  Cái chết nhục nhã của Chúa Giê-su trên thập giá là tột đỉnh việc hạ mình và vâng lời của Người.  Do đó, chúng ta được mời gọi hãy bước theo Chúa Giê-su trên đường lên Núi Sọ để chiêm ngưỡng Người trút bỏ vinh quang Thiên Chúa như thế nào.

 

        1.  Trút bỏ vinh quang là gì?  Đây là một thuật ngữ của thánh Phao-lô trong bài đọc 2 hôm nay, trích thư gửi tín hữu Phi-líp-phê.  Ngài viết:  “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang…”  “Trút bỏ vinh quang” trong tiếng Hy-lạp là kenosis và tiếng Anh là self-emptying.  Trong đoạn thư Phi-líp-phê 2:6-8, thánh Phao-lô đã giải thích cho chúng ta hiểu Chúa Ki-tô đã trút bỏ vinh quang như thế nào.  Trước hết ngài khẳng định Chúa Ki-tô “vốn dĩ là Thiên Chúa”.  Vì là Thiên Chúa (Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa) nên Chúa Ki-tô có “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”.  Khi nói đến địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, ý thánh Phao-lô muốn nói là Chúa Ki-tô được hưởng cách thức tồn tại riêng biệt của Thiên Chúa, nghĩa là có bản tính Thiên Chúa cùng với vinh quang và uy nghi của Người.  Địa vị ấy đương nhiên thuộc về Chúa Ki-tô.  Vậy mà giờ đây, vì tự khiêm tự hạ để vâng lời Chúa Cha, Chúa Giê-su Ki-tô đã tự ý không muốn duy trì địa vị cao cả ấy nữa, nhưng Người đã “trút bỏ vinh quang” Thiên Chúa để “trở nên giống phàm nhân”. Từ câu 6 đến câu 8, thánh Phao-lô diễn tả việc xuống cấp , từ cấp cao nhất là địa vị Thiên Chúa vinh quang dần dần đi xuống cấp thấp nhất là một tên tội phạm bị đóng đinh vào thập giá và chết nhục nhã.  Diễn tả như vậy làm cho việc trút bỏ vinh quang trở nên một hành động vô cùng sống động.  Việc hạ mình của Chúa Giê-su không phải là một lý thuyết “trừu tượng”, nhưng được thể hiện một cách cụ thể bằng những hành vi loài người như “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.  Thánh Phao-lô đã khéo léo trình bày con đường trút bỏ vinh quang của Chúa Ki-tô, từ giây phút thành thai trong lòng Mẹ Ma-ri-a cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.  Đặc biệt nhất là khi thánh Phao-lô nói đến cái chết của Chúa Giê-su, ngài đã nhấn mạnh thêm, là “chết trên cây thập tự”.  Đây là điểm tận cùng của việc tự khiêm tự hạ rồi, vì chết do hình phạt đóng đinh vào thập giá là nhục nhã nhất, đồng thời cũng là điểm cao nhất của đức vâng lời nữa.  Những tư tưởng này của thánh Phao-lô chắc chắn sẽ giúp chúng ta chiêm ngưỡng một Chúa Ki-tô “trút bỏ vinh quang” trong cuộc Thương Khó được thánh sử Lu-ca thuật lại và cũng là bài Tin Mừng hôm nay.

 

        2.  Chúa Giê-su “trút bỏ vinh quang” trong cuộc Thương Khó của Người.  Thánh Phao-lô đã giúp chúng ta một bí quyết để suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su.  Giờ đây chúng ta cùng lắng nghe thánh Lu-ca thuật lại cuộc Thương Khó của Chúa và chiêm ngưỡng Chúa đã “trút bỏ vinh quang” như thế nào trải qua những gì đã xảy ra trong thời gian ấy.

        Tại núi Ô-liu:  Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, Chúa Giê-su đã khẩn khoản cầu xin giống như một con người hết sức yếu đuối.  Lúc này bản tính nhân loại của Chúa Giê-su biểu lộ rõ ràng hơn khi nào hết.  Điều ấy cũng cho thấy Người đã hoàn toàn trút bỏ quyền năng của Thiên Chúa để làm một con người khiêm nhường đối nghịch với con người kiêu căng của A-đam.

        Chúa Giê-su bị bắt:  Chúa Giê-su nói với những kẻ đến bắt Người:  “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến?... Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm”.  Một vì Thiên Chúa, vậy mà lúc này bị đối xử như “một tên cướp”!  Thiên Chúa của vĩnh cửu, giờ đây phải khuất phục trước những tạo vật của thời gian chóng qua!

        Ông Phê-rô chối Thầy:  Chúa để mặc cho kẻ thù làm nhục là một cách giấu đi quyền năng Thiên Chúa đã đành, nhưng bị người thân chối bỏ mà không một lời trách mắng thì quả là hoàn toàn trút bỏ quyền làm Thầy của mình!

        Bị giải đi hết tòa này sang tòa khác:  Trong cuộc xét xử, Chúa Giê-su bị coi như một trái banh đá qua đá lại.  Bắt đầu Người bị điệu tới Thượng Hội Đồng để bắt buộc phải trả lời một câu hỏi khiến Người chắc chắn sẽ bị lên án:  Ông có phải là Đấng Mê-si-a không?  Tiếp theo là trước tòa tổng trấn Phi-la-tô, rồi bị giải qua tòa vua Hê-rô-đê và sau đó trở lại tòa Phi-la-tô, tại đây Người trở thành nạn nhân của “công lý nhân loại”!  Đấng Công Chính lại bị bọn người bất chính lên án:  Chúa Giê-su đã trút bỏ đức công chính của một vì Thiên Chúa.

        Trên đường lên Núi Sọ:  Vác thập giá lên Núi Sọ, Chúa Giê-su gặp được ông Si-môn người Ky-rê-nê giúp đỡ vác thập giá.  Dân chúng hiếu kỳ đi theo rất đông, nhưng chỉ có một đám phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”.  Trên thế gian này, tìm được một ít người tốt thực là hiếm hoi!  Chúa Giê-su chịu chết cho mọi người, nhưng kẻ sống cho Chúa lại quá ít ỏi.  Vậy mà Người vẫn yêu thương nhân loại đến cùng, chẳng phải là một hình thức “trút bỏ” chính con người mình đó sao?

        Chúa Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá:  Đây là tột đỉnh của hành trình trút bỏ vinh quang, như thánh Phao-lô đã diễn tả.  Mặc dù thập giá là sự “trừng phạt” của người Rô-ma, nỗi “ô nhục” đối với người Do-thái, nhưng lại là “vinh dự” đối với thánh Phao-lô và các Ki-tô hữu.  Là vinh dự, vì chính nơi thập giá, chúng ta nhận ra được tình yêu của Đức Ki-tô, Đấng đã thí mạng sống mình vì bạn hữu (Gio-an 15:13)!  Thêm vào sự “trừng phạt” của thập giá làm mất đi vinh quang và quyền năng Thiên Chúa là những lời nhục mạ của dân chúng và của tên gian phi cùng bị đóng đinh với Chúa càng nói lên mức độ tột cùng của hành vi trút bỏ vinh quang.

        Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng:  Bóng tối bao phủ khắp mặt đất khác nào hình ảnh vinh quang Thiên Chúa của Chúa Giê-su đã hoàn toàn bị che lấp rồi.  Sau cùng là tiếng kêu lớn của Chúa:  Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha!  Chỉ còn vài giây nữa thôi trên đời này, Chúa Giê-su phó thác linh hồn Người trong tay Thiên Chúa Cha, dâng hiến tất cả những gì còn lại cho Thiên Chúa Cha, để đánh dấu cuộc trút bỏ vinh quang đã hoàn tất.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Dĩ nhiên đây chỉ là một khía cạnh chúng ta chiêm ngưỡng cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su dưới lăng kính “trút bỏ vinh quang” trong khung cảnh cuộc Thương Khó.  Chúa Giê-su đã tự nguyện trút bỏ vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa để xuống thế làm người, chịu chết, chuộc tội và cứu độ chúng ta.  Còn chúng ta thì ngược lại, chỉ muốn đánh đổi vinh quang và chức phận  cao quý làm con Chúa để đi tìm vinh quang và địa vị chóng qua của người đời thôi.  Bài học tự khiêm tự hạ của Chúa Giê-su qua cuộc Thương Khó là bài học vô cùng cảm động, cho chúng ta thấy được những chiều kích dài, rộng, cao và sâu của tình yêu Thiên Chúa.  Câu hỏi cuối cùng chúng ta phải trả lời luôn luôn là:  “Tôi phải đáp lại tình yêu Thiên Chúa như thế nào?

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi    


Suy Niệm Lời Chúa Năm C