Chúa Nhật 4 Mùa Chay – Ngày 27 tháng 3, 2022

Lm. Joseph Briody

Các Bài đọc: Gs 5: 9a, 10–12 • Tv 34: 2–3, 4–5, 6–7 • 2Cr 5: 17–21 • Lc 15: 1–3, 11–32   

bible.usccb.org/bible/readings/032722-YearC.cfm

 

Dụ ngôn Đứa con hoang đàng cho thấy sự dối trá của Satan khi nó rỉ tai chúng ta rằng Thiên Chúa không đáng tin cậy và Ngài không phải lúc nào cũng tốt đâu. Điểm nhấn mạnh trong câu chuyện là người cha, hình ảnh Thiên Chúa Cha. Chúng ta thoáng nhận ra sức mạnh, lòng nhân hậu dịu dàng và tình yêu trung thành của Người. Chúng ta biết được Chúa Cha đoái nhìn đến chúng ta, những đứa con hoang đàng của Người như thế nào. Nguyên cách đối xử đó thôi cũng đủ giúp chúng ta “đứng dậy” trở về với Cha rồi. Thực tại Lòng thương xót của Chúa Cha được trình bày ở đây chữa lành tận cốt lõi con người chúng ta từ những tội lỗi xấu xa nhất cho đến nỗi hổ thẹn sâu xa nhất của chúng ta. Vòng tay của Người phục hồi. Người dang rộng cánh tay chờ đợi  đúng hơn, Người vội vã chạy đến chúng ta.  Sự vững tâm của chúng ta bởi biết rằng Chúa Cha đang đến. Thật vậy, Người sai Con của Người đến với chúng ta.

 

Đứa Con Hoang Đàng không chỉ đi hoang thôi đâu, nhưng nó còn từ chối cha mình. Việc nó đòi tài sản thừa kế của mình đang khi cha còn sống cho thấy mong cho cha chết điquyết định không còn dính dáng gì với cha nữa. Sự cao cả của người cha thể hiện qua việc ông cho đứa con được tự do, chờ đợi đứa con trở về, chạy đi gặp khi nó còn ở tận đằng xa, tạo thuận lợi cho trở về, không la mắng, hoàn toàn tha thứ, khôi phục nhân phẩm, địa vị và mối quan hệ cha con, và vui mừng. Ông không miễn cưỡng tha thứ; nhưng ông đề cao người con và tổ chức tiệc mừng. Ông hiểu rằng thật khó khăn con ông mới có thể quay về và cậu ấy đã sa đọa tới mức nào. Ông biết nỗi khổ đau người con đã phải trải qua khi phạm lỗi. Thiên Chúa Cha tìm kiếm những đã mất – bất cứ điều chúng ta đã làm hoặc chúng ta đã hoang đàng đến đâu nữa – thì Người vẫn làm cho kẻ đã chết được sống lại trong sự sống mới. Mỗi khi linh mục ban phép tha tội, thì người chết trong tội lỗi được sống lại.

 

Sự tha thứ là đặc tính của Kitô giáo. Việc miễn cưỡng tha thứ khó mà thích hợp với Kitô giáo. Thực vậy, có một số điều dường như vượt quá sự tha thứ nhưng đồi với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể làm được. Đôi khi phải mất cả một đời hoặc trước khi chết người ta mới chịu tha thứ. Thế giới của chúng ta có khuynh hướng chọn những điều khắt khe và bất khoan dung, đôi khi chỉ thích làm cho người khác thành ô nhục và xấu xa. Vậy mà kẻ đã làm điều gớm ghiếc này lại là một con con người, một người anh chị em – một đứa con hoang đàng.

 

Hôm nay Chúa Giêsu đoan chắc với chúng ta rằng vẫn còn hy vọng được tha thứ khi chúng ta quay lưng lại với Chúa Cha, ngay cả khi chúng ta xa cách và xa lạ với Người. Đôi khi chúng ta sống như thể Thiên Chúa, Cha chúng ta, không hiện hữu hoặc không quan trọng. Trong tâm hồn chúng ta, dù quay lưng lại với Người, ngay cả lúc đường cùng, thì vẫn còn khoảng cách cho Chúa để Người vào và cứu vớt, hầu mọi sự không bị mất đi. Tuy nhiên, trì hoãn là sẽ mất mát rất nhiều đấy! Sống xa Thiên Chúa Cha là một cuộc sống bị cắt ngắn, vì thiếu đi mối quan hệ thiết yếu đó. Cuộc sống ấy trở nên trống rỗng chẳng khác nào cố khỏa lấp cơn đói của con người bằng đậu muồng nuôi heo đã hết sạch dinh dưỡng.

 

Trong thất vọng đôi khi là “tuyệt vọng chúng ta vẫn luôn có thể hướng về Chúa Cha. Cầu nguyện với Thiên Chúa Cha lay động lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, đặc biệt là những lời cầu khẩn như "Cha ơi, con đã phạm tội nghịch với Trời và chống lại cha." Cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha sẽ biến đổi chúng ta. Một lời nguyện khác cũng sâu sắc và đơn giản là "Abba, Cha ơi!" Chúng ta cầu nguyện bằng lời nguyện ấy trong Chúa Thánh Thần, Đấng cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những tiếng rên xiết khôn tả (Rm 8:26). Việc cầu nguyện của Kitô hữu chủ yếu là lôi cuốn chúng ta vào mối quan hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Chúng ta là con cái trong Con Thiên Chúa. Trong Chúa Giêsu, chúng ta được ban cho quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1: 12). Đây là một quyền mà trước đây chúng ta đã không có. Phép Rửa tội thay đổi chúng ta hoàn toàn và vì vậy cuộc sống của chúng ta phải khác đi.

 

Mùa Chay này, chúng ta nên chú ý đến địa vị được phục hồi của mình là con cái của Chúa Cha. Chúng ta đang ở trong tay Người, đôi tay mạnh mẽ và an toàn nhất đôi tay nhân từ nhất. Không phải ngẫu nhiên mà Kinh Nguyện Thánh Thể I, Kinh Nguyện Rô-ma lâu đời và đáng kính, bắt đầu bằng việc khẩn cầu Cha rất nhân từ của các người cha: “Vì vậy, lạy Cha rất nhân từ…” Mùa Chay này, chúng ta nên chú ý đến mối tương quan đặc thù nhất này của Chúa Kitô. Hồng ân này được trả bằng giá máu của Chúa Giêsu. Không có ân sủng rẻ tiền, nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì không có giới hạn nào cả.

 

Cha Charles de Foucauld sắp được phong thánh (ngày 15 tháng 5 này) đã diễn tả mối tương quan với Chúa Cha trong lời kinh được gọi là “Lời nguyện phó thác”: “Lạy Cha, con phó mình con trong tay Cha. xin hãy làm nơi con mọi sự đẹp ý Cha…” Đó là lời cầu nguyện phó thác hoàn toàn vào tay Chúa Cha. Cầu nguyện với tâm tình chân thành giống như dâng cho Chúa một tấm chi phiếu để trống để Người thực hiện những gì Người muốn nơi chúng ta. Lời cầu nguyện ấy khác nào như một bước nhảy vọt về đức tin. Chỉ nguyên dòng cuối cùng của lời nguyện cũng đủ nói lên trọn vẹn ý nghĩa: "Con thấy cần phải hiến thân con, phó trót mình con cho Cha, không do dự đắn đo, song vô cùng tin cậy, vì Chúa là Cha của con…." (1896) (EJ, 88,89).  Sự phó thác hoàn toàn này là điều khả thi vì Thiên Chúa là Cha tôi. Ngài chỉ muốn điều tốt cho tôi. Tôi có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C